Đọc sách là một thói quen rất hữu ích cho việc học tập. Song có một thực tế hiện này là cả học sinh thành thị lẫn học sinh nông thôn đều không vào thư viện trường, dù các em ở trường trung bình 4 đến 6 tiếng/ngày…
Thói quen đọc sách của học sinh, đặc biệt là học sinh vùng ven đang có xu hướng giảm đi và việc đến thư viện trường ngày càng trở nên xa lạ với nhiều em. Phần lớn học sinh ở các thành phố lớn hiện nay không đọc sách ở thư viện trường mà được cha mẹ mua sách hoặc đưa đến nhà sách để đọc những quyển sách mới. Với học sinh vùng ven, dù có thời gian rảnh rỗi sau giờ học nhưng nhiều em còn phải phụ giúp gia đình, không mấy quan tâm đến sách.
Trẻ em nông thôn đang mất dần thói quen đọc sách
Nếu quan ngại của các nhà giáo dục với em học sinh thành thị là việc các em đang bị thu hút bởi những phương tiện giải trí hiện đại, áp đảo sách đọc như: TV, Internet, game online… thì với các em học sinh vùng ven, vấn đề nổi cộm lại là việc các em không có đủ điều kiện và sự quan tâm đúng mức từ thầy cô giáo và cha mẹ để phát triển và duy trì thói quen đọc sách.
Theo số liệu khảo sát của UNICEF năm 2006 (nguồn: unicef.org), Việt Nam có đến 40% trẻ em nghèo sống ở nông thôn. Điều kiện gia đình khó khăn khiến việc mua sách và đọc sách cũng trở thành một nhu cầu xa xỉ với nhiều em. Ngoài giờ học, các em thường phải dành phần lớn trong số thời gian rảnh rỗi của mình để phụ giúp cha mẹ một số việc gia đình.
Một cuộc điều tra gần đây của Trung tâm Văn học trẻ em (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) trên quy mô cả nước cho biết: số tiền trung bình mà một gia đình dành để mua sách báo cho con mình chỉ chiếm 2% tổng chi phí cho đứa trẻ đó trong một tháng, và không ít phụ huynh trả lời rằng họ không có tiền để mua sách báo cho con em mình (nguồn: báo Nhân Dân, 24/09/2010).
Nhưng còn một nguyên nhân không kém phần quan trọng, dẫn đến tình trạng học sinh ngày càng xa rời thói quen đọc sách, đó chính là thư viện trường. Với điều kiện khó khăn của các học sinh vùng ven hiện nay, thư viện trường gần như là nơi tạo điều kiện tiếp cận, cung cấp sách và định hướng đọc duy nhất cho các em. Nhưng trên thực tế, đa số các thư viện trường vùng ven tại Việt Nam hiện nay đã không làm được điều đó.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục – Đào tạo năm học 2009 – 2010, trong tổng số 24.746 trường có thư viện tại nước ta, chỉ có một nửa số này đạt chuẩn (khoảng 13.580 trường), số tiền đầu tư cho mỗi thư viện lại rất hạn hẹp, chỉ khoảng 7,4 triệu đồng/năm. Cơ sở vật chất của thư viện còn nhiều hạn chế và nguồn sách thiếu thốn, không phù hợp đã khiến học sinh hầu như không còn “mặn mà” với thói quen đọc sách và vào thư viện.
Mang sách về cho học sinh vùng ven
Nhận thức, đánh giá đúng vai trò của thư viện đối với sự phát triển và duy trì thói quen đọc sách của học sinh, đồng thời cung cấp những giải pháp thiết thực để khắc phục tình trạng thiếu sách, thiếu cơ sở vật chất của thư viện chính là một trong những giải pháp nhằm xây dựng lại thói quen và niềm say mê đọc sách của học sinh. Với tâm huyết mang sách về với học sinh vùng ven, đầu tháng 9 vừa qua, Công ty Điện tử Samsung Vina đã khởi động giai đoạn I của dự án trách nhiệm cộng đồng mang tên “Thư viện thông minh – Trí tuệ ngày mai”. Theo đó, Samsung Vina sẽ trao tặng mô hình thư viện thông minh cho 15 trường THCS vùng ven – nơi đời sống của các em còn thiếu thốn, cơ sở vật chất và nguồn sách của thư viện trường còn nhiều hạn chế. Với dự án này, Samsung Vina mong muốn các học sinh vùng ven có thêm nhiều điều kiện đọc sách, được cập nhật những nguồn sách mới và phong phú, từ đó giúp các em học tập tốt hơn.
Với ý nghĩa tốt đẹp này, “Thư viên thông minh – Trí tuệ ngày mai” bước đầu đã nhận được sự ủng hộ của các nhân vật có tâm huyết với văn hóa đọc và thế hệ trẻ như: Giáo sư Ngô Bảo Châu, ông Nguyễn Hữu Hoạt – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam, Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt, ca sĩ Mỹ Linh và gia đình, Dịch giả Trần Đăng Khoa, nhà thơ Bùi Chí Vinh cùng nhiều học giả và nhà giáo dục uy tín trong cả nước. Dự án sẽ tiếp tục mở rộng quy mô trong năm 2012-2013, với mong muốn tặng thêm nhiều thư viện thông minh cho các em học sinh ở nhiều vùng miền khó khăn trong cả nước.
Theo TNO
Bình luận (0)