Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đất đai, xây dựng luôn được chính quyền TP, quận/ huyện đưa vào nhóm nhiệm vụ trọng tâm; tuy nhiên vẫn còn những hạn chế nhất định đòi hỏi phải có giải pháp tháo gỡ nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn…
Người dân đi làm thủ tục hành chính
Bộ phận một cửa còn chậm
Trong công tác cải cách TTHC, bộ phận một cửa được xem là giải pháp rút ngắn thời gian thực hiện giấy tờ cho người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên theo nhiều người thì bộ phận này vẫn còn chậm.
Ông Nguyễn Minh Hùng (ngụ tại 280/47/33A đường Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thạnh) cho biết, do sự đô thị hóa nhanh, lượng hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thay đổi mục đích, hình thức sử dụng đất phát sinh rất nhiều. Tuy nhiên, sau khi người dân nộp giấy tờ vào bộ phận một cửa, cơ quan Nhà nước tiếp tục lấy giấy tờ này đưa về địa phương đối chiếu, xác minh nguồn gốc đất dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ.
Qua khảo sát, ông Cao Tuấn Anh – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 4 – thông tin, nhiều máy móc, trang thiết bị công nghệ của các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cũ, lạc hậu, có máy chạy rất chậm, vận hành gặp nhiều khó khăn, khó đảm bảo cho công tác liên thông điện tử. Bên cạnh đó, việc TP triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 rất tiện lợi cho người dân khi hạn chế thời gian đi lại do các phản hồi đều thực hiện qua tin nhắn, thư điện tử, tuy nhiên tỷ lệ người sử dụng còn thấp.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên – Môi trường TP, 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn chiếm 97% (tăng 1%), tỷ lệ hài lòng tăng dần theo từng năm. So với trước đây, các thủ tục quy định cấp quận/ huyện đã được UBND TP thống nhất chuẩn hóa trong lĩnh vực đất đai và thời gian kéo giảm từ 20-30%. Tuy nhiên vẫn còn hàng ngàn hồ sơ chậm giải quyết. Sự phối hợp giữa các bộ phận trong và ngoài quy trình vẫn chưa chặt chẽ, cơ sở dữ liệu đất đai chưa được chỉnh lý lưu trữ, số hóa đầy đủ… Điều này ảnh hưởng đến thời gian giải quyết; đồng thời các vi phạm tranh chấp đất đai, xây dựng vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.
Tại quận 6, hệ thống tiếp nhận trả hồ sơ 24/7 hay còn gọi là “ATM nhận trả kết quả hồ sơ” đưa vào hoạt động từ đầu năm 2021. Chỉ vài thao tác đơn giản người dân có thể nộp hồ sơ xin cấp phép 13 loại TTHC cơ bản. Đến nay, hệ thống đã tiếp nhận và trả 1.476/2.915 hồ sơ, đạt tỷ lệ 50,6%.
Bà Lê Thị Thanh Thảo – Chủ tịch UBND quận 6 – cho biết, tháng 10-2022, quận 6 sẽ đưa trụ ATM thứ 2 đi vào hoạt động nhằm tạo thuận tiện hơn nữa cho người dân trong giải quyết TTHC.
Cũng theo bà Thảo, hạn chế hiện nay trong cải cách TTHC là cơ quan còn dùng mốc thời gian chung chung để trả lời; tính công khai minh bạch thông tin giải quyết hồ sơ chưa được chuẩn hóa.
20 triệu thủ tục hành chính cần giải quyết/năm
Đây là con số được ông Huỳnh Thanh Nhân – Giám đốc Sở Nội vụ TP – đưa ra.
Ông Nhân cho biết, cải cách hành chính cũng như cải cách TTHC là yêu cầu cấp bách, quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng chính quyền đô thị. Xác định tầm quan trọng này, TP quyết tâm triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính để tạo bước đột phá mạnh mẽ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn, xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh.
Ngoài nâng cao trách nhiệm xây dựng đạo đức công vụ thì những giải pháp thời gian tới TP xác định là tiếp tục triển khai giám sát thực hiện Chỉ thị 08 của UBND TP về thực hiện cải cách hành chính giai đoạn 2022-2025. Mới đây nhất, UBND TP đã ban hành Quyết định 2536 về quy chế phối hợp giữa sở ngành với sở ngành, sở ngành với các quận/ huyện để giải quyết các vấn đề của TP, trong đó có giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác cải cách TTHC của người dân, doanh nghiệp.
UBND quận 1 (TP.HCM) đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến trong công tác cải cách hành chính
“Trong quy chế nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan đơn vị, sở ngành, quận huyện, đặc biệt trách nhiệm của người thủ trưởng trong giải quyết TTHC cũng như trong thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn TP tại cơ quan đơn vị mình. Vướng mắc hiện nay là công tác phối hợp trong giải quyết yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đây là lý do TP ban hành quy chế phối hợp”, ông Nhân nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nhân, TP đang chuẩn bị triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành của sở ngành và các địa phương. Điều này đòi hỏi một sự lãnh đạo hết sức tập trung của các sở ngành, chủ tịch UBND quận/ huyện, TP.Thủ Đức và phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP trong công tác cải cách hành chính, giải quyết TTHC, những kiến nghị, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp.
“Việc thực hiện các TTHC phải đảm bảo đúng thời gian, công khai, minh bạch và có cơ chế để người dân theo dõi, giám sát TTHC của mình. TP cũng đã chỉ đạo các sở ngành, quận/ huyện tiếp tục rà soát để đơn giản hóa TTHC, kéo giảm thời gian thực hiện”, ông Nhân nói.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ, một năm có khoảng 20 triệu TTHC cần giải quyết đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của TP, đặc biệt trước những vấn đề người dân, doanh nghiệp bức xúc. Vì vậy, các đơn vị được giao chủ trì phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ để giải quyết. TP cũng quyết tâm tháng 10 tới sẽ đưa cổng dịch vụ công đi vào hoạt động để phục vụ cho công tác cải cách hành chính ngày càng tốt hơn. TP cũng đang triển khai đề án đào tạo nguồn nhân lực cải cách hành chính cho các đơn vị.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)