Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn (bìa trái) và lãnh đạo Bộ GD-ĐT, UBND TP.HCM tham quan các mô hình dạy học tiên tiến |
Đến năm 2020 TP.HCM cơ bản có một nền GD-ĐT tiên tiến, hiện đại theo xu thế hội nhập, mang đậm bản sắc dân tộc, giữ vững định hướng XHCN. Một trong những quyết sách mang đến thành công cho chiến lược đổi mới giáo dục (GD) nêu trên là yếu tố con người – đội ngũ thầy cô giáo…
Tuy nhiên để làm được điều đó thì từ CBQL, GV, PHHS và các chức danh khác trong nhà trường phải tập trung công sức của mình vào việc đổi mới nhận thức. Đó là những lời nhắn nhủ mà ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM gửi tới thầy cô giáo của ngành, trong buổi trò chuyện đầu xuân Ất Mùi 2015 cùng Báo Giáo dục TP.HCM.
PV: Thưa Giám đốc, năm 2015 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm (2015-2020), ngành GD-ĐT TP đã chuẩn bị những kế hoạch, đặc biệt là việc triển khai nghị quyết 29 của Trung ương như thế nào?
Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Đặc thù của GD-ĐT là biên chế theo năm học, năm 2015 cũng là năm kết thúc năm học 2014-2015, đồng thời bắt đầu cho năm học mới 2015-2016. Nhưng nếu tính về năm, thì 2015 là một năm đặc biệt quan trọng để bắt đầu triển khai những kế hoạch, chiến lược phát triển GD-ĐT của cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng, theo kế hoạch 5 năm. GD-ĐT TP có những định hướng, mục tiêu cụ thể theo tinh thần nghị quyết 29 của Trung ương cho việc đổi mới căn bản, toàn diện nhà trường. Đó là, phấn đấu đến cuối năm 2020 đạt tiêu chuẩn có 3 phòng học/100 người dân trong độ tuổi từ 3 đến 18 tuổi (kể cả người dân không có hộ khẩu thường trú hoặc KT3). 100% các trường học đạt chuẩn quốc gia về tiêu chí CSVC…; Đảm bảo đủ số lượng CBQL, GV theo chuẩn quy định ở các cấp học, ngành học. Có 50% GV các cấp đạt trình độ trên chuẩn; Duy trì và nâng cao kết quả đạt được từ Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS phổ thông và chuyên nghiệp TP…; Phổ cập và nâng cao trình độ tin học cho HS phổ thông, đảm bảo HS có thể ứng dụng tin học trong học tập, nghiên cứu khoa học…; Cuối năm 2015 tỷ lệ phân luồng sau THCS vào GD nghề nghiệp là 15%, 25% HS phổ thông tham gia nghiên cứu khoa học…; Đến năm 2020 có 100% số người trong độ tuổi được học THCS; 100% HS được học tiếng Anh, được trang bị đủ 4 kỹ năng (nghe, đọc, nói, viết)…
Tuy nhiên, điều tôi muốn lưu ý, đó là nhận thức trong GD. Đầu tư cho GD, không chỉ là bằng lòng với những điều kiện sẵn có (CSVC, trường lớp, đủ chỗ ngồi, chỗ học…). Mà đầu tư, phải là đầu tư một cách qui mô, hiện đại, đồng bộ. Muốn đầu tư được như vậy, phải vận dụng nhiều khả năng, không chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước. Đó là sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, nguồn vốn kích cầu, vốn từ ngân hàng… TP đã chỉ đạo, triển khai nhưng nhiều quận, huyện vẫn làm dưới hình thức cho có hoặc từ từ rồi tính. Do đó, nhận thức về đầu tư GD ở 24 quận, huyện phải thống nhất, đồng bộ và quyết liệt triển khai, làm đúng theo sự chỉ đạo của UBND TP, như vậy mới giúp GD-ĐT ngoại thành phát triển cũng như nội thành và không có chuyện trường giàu, trường nghèo, trường điểm.
Thưa, Giám đốc có thể nói rõ những chiến lược cụ thể này?
Như trên tôi đã trao đổi, những nội dung này mang tính chất cơ bản, nền tảng. Còn những chiến lược cụ thể, Sở GD-ĐT TP đã tham mưu và được UBND TP chấp thuận. Cụ thể là đã kí quyết định ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn xây dựng mô hình trường tiên tiến, theo xu thế hội nhập đạt chuẩn quốc tế (đã có bộ tiêu chí để dựa vào đó áp dụng, hiện đang chờ cơ chế về tài chính), sau đó sẽ nhân rộng mô hình trường này ra toàn TP. Chính mô hình này, cũng là mô hình vận dụng hết tất cả tính tích cực của CBQL, GV, trang thiết bị hiện đại về CSVC, sĩ số HS…; Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS phổ thông, GD nghề nghiệp. Đây là một trong những công việc được TP tập trung cao độ, bởi ngoại ngữ và tin học, HS có đạt chuẩn quốc tế mới đủ điều kiện để gia nhập ASEAN và hội nhập quốc tế. Nhất định HSSV TP phải làm được; Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBQL, GV (UBND TP phê duyệt trong năm 2014); Đổi mới và nâng cao chất lượng GD toàn diện theo hướng tiên tiến hội nhập quốc tế, coi trọng GD lý tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm xã hội cho HSSV; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng và giám sát các hoạt động GD… bằng nguồn ngân sách gắn với đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp theo quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển GD-ĐT; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ CBQL, CB khoa học – công nghệ, doanh nhân và lao động kỹ thuật; Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trên lĩnh vực GD-ĐT, đảm bảo phát triển bền vững…
Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/ 30-4-2015), ngành GD-ĐT TP sẽ thực hiện 4 công trình lớn để chào mừng sự kiện này. Vậy, 4 công trình đó là gì và ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của nó trong chiến lược phát triển GD TP?
4 công trình lớn này là: Biên soạn ấn phẩm đặc biệt 40 năm GD-ĐT TP.HCM – Những thành tựu nổi bật; tổ chức “Ngày hội 40 năm GD-ĐT TP.HCM phát triển”; Xây dựng các công trình trường học tại TP.HCM và các công trình trường học hướng về biển đảo quê hương.
Tháng 4-2014, Sở GD-ĐT đã giao Báo Giáo dục TP.HCM thường trực biên soạn ấn phẩm đặc biệt 40 năm GD-ĐT TP.HCM – Những thành tựu nổi bật. Đây là công trình phác họa những thành tựu của ngành GD-ĐT TP đạt được trong 40 năm qua cũng như những bài học kinh nghiệm để đưa GD TP ngày càng phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện nội dung nghị quyết 29 của Hội nghị Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, đáp ứng CNH – HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” vào cuộc sống. Đến nay, công tác chuẩn bị đã đạt khoảng 50% và đang thực hiện đúng tiến độ. Ấn phẩm sẽ được xuất bản vào cuối tháng 3-2015.
Công trình thứ 2 của ngành là “Ngày hội 40 năm GD-ĐT TP.HCM phát triển” sẽ được tổ chức vào tháng 3-2015 với mục đích tổng kết những thành tựu mà ngành GD-ĐT TP đạt được sau 40 năm phát triển. Bên cạnh đó là giới thiệu những giải pháp của ngành trong thời gian tới để đổi mới phát triển với mục tiêu đưa GD-ĐT TP hội nhập với GD-ĐT khu vực và quốc tế.
Các công trình xây dựng trường học sẽ khánh thành 14 công trình và khởi công 25 công trình mới chào mừng.
Hướng về biển đảo quê hương, ngành GD-ĐT TP đã phát động trong toàn ngành các công trình trường học tặng nhân dân trên các vùng hải đảo của Tổ quốc, cụ thể: Công trình trường mầm non – tiểu học tại đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng (dự kiến khánh thành vào tháng 3-2015); Xây trường mầm non trên huyện đảo Lý Sơn (khoảng 20 tỷ đồng) và công trình xây dựng Trường THCS Côn Đảo, huyện Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), dự kiến khởi công tháng 3-2015 (tổng kinh phí hơn 120 tỷ đồng).
Ngoài ra các hoạt động khác cũng được tổ chức trong dịp này như: Hội diễn văn nghệ toàn ngành chủ đề 40 năm bài ca thống nhất; Hội trại HS trung học TP.HCM; Tuyên dương – khen thưởng các gương điển hình tiên tiến ngành GD-ĐT giai đoạn 2010-2015…
Với vai trò thủ trưởng ngành GD-ĐT TP, nhân dịp đầu xuân Ất Mùi Giám đốc nhắn gửi điều gì tới CBQL, GV và PHHS toàn TP?
Năm 2015 đặc biệt quan trọng, muốn đạt được những kế hoạch, chiến lược cụ thể nêu trên, toàn ngành GD-ĐT TP từ CBQL, GV và PHHS đều phải rất nỗ lực, nhất là CBQL, GV và các chức danh khác trong nhà trường. Phải có sự phối hợp nhịp nhàng với cả hệ thống chính trị từ cấp TP đến quận – huyện, phường – xã để đạt được mục tiêu đổi mới GD. Tôi mong rằng, đội ngũ CBQL, GV và PHHS phải tập trung công sức thực hiện tốt, hoàn thành được nhiệm vụ năm học 2014-2015. Qua đó, tạo đà tốt nhằm hoàn thành kế hoạch những năm tiếp theo và đạt được mục tiêu của nghị quyết 29 đã đề ra.
Xin cám ơn Giám đốc, kính chúc Giám đốc cùng gia đình năm mới nhiều sức khỏe và thành công!
Lê Quang Huy (thực hiện)
Bình luận (0)