Đến ngày 30-9, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP.HCM mới chỉ được 20%; trong khi đó yêu cầu đặt ra trong năm 2024 phải đạt trên 95%. Trước nhu cầu bức thiết của công tác giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã đề nghị các sở ban ngành, đơn vị liên quan lên kế hoạch cụ thể, tập trung vào những giải pháp để công tác giải ngân đạt được kết quả cao nhất…
Nhiều dự án được tháo gỡ khó khăn
Bà Lê Thị Huỳnh Mai – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM – cho biết, tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm trên địa bàn TP đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, TP đã tổ chức đồng bộ các giải pháp, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm; tập trung tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc pháp lý để triển khai và bước đầu có kết quả cụ thể. Kết quả này được thể hiện rõ nét qua các dự án, công trình như vành đai 3, nút giao An Phú, nút giao Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa, mở rộng Quốc lộ 50 qua huyện Bình Chánh, hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ…
Cũng theo bà Mai, trong 9 tháng vừa qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,5% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu tăng 10,2% và nhập khẩu tăng 6,4%; ngành du lịch vẫn duy trì và phát triển, tổng doanh thu du lịch tăng 11,9%…
Tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tính đến cuối tháng 9, ước tăng 10,23% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,9%, có hơn 37.000 doanh nghiệp thành lập mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Mai thừa nhận vẫn còn một số hạn chế trong công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số. Đặc biệt, trong công tác giải ngân đầu tư công vẫn còn nhiều công trình cấp bách, trọng điểm chưa đảm bảo được tiến độ theo kế hoạch đề ra…
Theo đó, bà Mai đề xuất một số giải pháp như tập trung thực hiện giải ngân đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm; tiếp tục chủ động và thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực đầu tư công; khẩn trương giải quyết dứt điểm những khó khăn vướng mắc đối với các dự án được đầu tư, lên kế hoạch cụ thể…
“Thu ngân sách tăng 13,4%, điều này khẳng định một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh có sự tăng trưởng ổn định; trong đó một điều rất đáng mừng là xuất khẩu tăng. Chỉ số tiêu thụ tăng 9,7%, tồn kho giảm 17,7% so với cùng kỳ, phản ánh nhu cầu thị trường đang tăng lên. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm 2024, thậm chí hết quý I-2025”, ông Nguyễn Khắc Hoàng – Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM – cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, công tác giải ngân thời gian qua chậm đang ảnh hưởng lớn đến các ngành, giảm thu hút đầu tư ngoài Nhà nước.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) – cũng cho biết, về đơn hàng của doanh nghiệp trên địa bàn có tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, đơn hàng chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp thuần Việt vẫn còn gặp khó khăn.
Sẽ không điều chỉnh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công
Ông Phan Văn Mãi cho rằng, kết quả quý III tiếp tục đà phục hồi và phát triển, quý sau đạt kết quả tích cực hơn quý trước nhưng chưa có sự đột phá. Muốn đạt được chỉ tiêu cơ bản tăng trưởng của năm 2024, làm tiền đề cho năm 2025 và đạt các chỉ tiêu cho cả nhiệm kỳ (2020-2025) phải có đột phá; nếu không đột phá thì không thể hoàn thành.
Mặc dù TP.HCM là một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhưng đang có đà giảm. Đặc biệt về giải ngân vốn đầu tư công, đến ngày 30-9 mới chỉ được 20%, con số này rất thấp. Bên cạnh đó, tổng vốn doanh nghiệp đăng ký giảm 22,7%.
Ông Mãi đánh giá, các sở ngành, địa phương vẫn còn lúng túng, bị động trong điều hành như về Luật Đất đai và các luật sửa đổi năm 2024, các đơn vị ứng xử chưa kịp thời. Ngoài ra, nhiệm vụ tồn đọng còn khá lớn; triển khai một số nội dung của Nghị quyết 98 còn chậm; sự phối hợp giữa các sở ngành vẫn chậm, khó khăn và mất thời gian…
Theo đó, Chủ tịch UBND TP đề nghị các thủ trưởng, giám đốc sở ngành và chủ tịch quận, huyện, TP.Thủ Đức rà soát lại, có phương án nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan và trong việc phối hợp để hệ thống hành chính TP.HCM đạt hiệu quả hơn.
Đối với 18 nhóm chỉ tiêu kinh tế – xã hội và 21 chỉ tiêu thành phần, dự báo có 1 chỉ tiêu về tăng trưởng không đạt. Đến thời điểm này các thành viên được giao vẫn chưa triển khai đầy đủ Chỉ thị 12 (chỉ thị tập trung về tăng trưởng). Theo đó, ông Mãi đề nghị các đơn vị phải tập trung, quyết liệt, rà soát lại Chỉ thị 12; các nhiệm vụ được giao phải tập trung triển khai khẩn trương trong quý IV nhằm đóng góp cho tăng trưởng kinh tế xã hội của năm nay, tạo tiền đề cho năm sau và có thể hoàn thành được chỉ tiêu tăng trưởng của nhiệm kỳ.
“Có 14 chỉ tiêu sẽ đạt, có 6 chỉ tiêu chưa đủ cơ sở. Vì vậy, đối với 6 chỉ tiêu này phải hoàn thành, đảm bảo đến cuối năm phải đạt. Như vậy, trong 18 nhóm chỉ tiêu và 21 chỉ tiêu thành phần thì chỉ có chỉ tiêu tăng trưởng là đang thấp. Chúng ta phải tập trung, giải quyết các nhiệm vụ tồn đọng”, ông Mãi nhấn mạnh.
Chủ tịch Mãi cũng đề nghị Văn phòng UBND TP tổng hợp xem còn bao nhiêu nhiệm vụ tồn đọng, phân theo nhóm, có kế hoạch cụ thể từng tháng để đảm bảo các nhiệm vụ của năm nay phải xong. Trong đó, có nhiệm vụ của Chính phủ giao, nhiệm vụ của Thành ủy, nhiệm vụ của HĐND đặt ra và của UBND TP.
Riêng về đầu tư công, Chủ tịch Mãi nhấn mạnh, đây là một nhiệm vụ rất quan trọng.
“Cho đến giờ này, UBND TP chưa có ý định điều chỉnh chỉ tiêu về đầu tư công năm nay và sẽ không điều chỉnh mà tập trung giải pháp để làm sao chúng ta giải ngân được cao nhất, đảm bảo tỷ lệ giải ngân của đơn vị đạt trên 95%. UBND TP sẽ rà soát lại, phân nhóm và có báo cáo các đoàn giám sát của Ban Thường vụ Thành ủy đặt ra để các đồng chí cùng tập trung. Từ nay đến cuối năm, cả hệ thống chính trị phải tập trung toàn lực để đạt được kết quả cao nhất”, ông Mãi nhấn mạnh.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị các sở ban ngành, đơn vị tập trung tháo gỡ những vướng mắc, giải quyết các tồn đọng; liệt kê các dự án đang phải giải quyết nghĩa vụ tài chính. Trong đó, tập trung ở Thủ Thiêm, Hiệp Phước và một số dự án lớn để thu hút nguồn vốn đầu tư.
Ông Mãi cho rằng, các vấn đề nằm ở chỗ quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, thủ tục về môi trường. Vì vậy, cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, giải quyết các tồn đọng theo nhóm vấn đề, nhóm dự án và địa bàn để thúc đẩy nguồn vốn…
Văn Trần
Bình luận (0)