Gần một tháng nữa là đến Tết Nhâm Thìn, song thời điểm này, sức mua sắm của người dân tại HN và TPHCM đã rất rầm rộ. Khác với các cửa hàng bán lẻ, hàng loạt hệ thống siêu thị đã tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm kích cầu sức mua.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, không ít người dân lo ngại về thiếu hụt nguồn hàng do nhiều nơi quá tải, dù các bộ ngành đều khẳng định hàng tết đang tập trung tối đa với lượng hàng dồi dào.
Huy động tối đa nguồn hàng
Trước nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người dân thủ đô dịp cận tết, Hiệp hội Siêu thị Hà Nội khẳng định hầu hết các siêu thị lớn đều sẵn sàng nguồn hàng dự trữ cho tết. Cụ thể, lượng hàng tăng 25 – 30% so với cùng kỳ, trong đó tập trung thực phẩm tươi sống, mẫu mã đa dạng. Siêu thị Hapro cũng huy động khoảng 905 tỉ đồng để dự trữ hàng hóa, tăng 15% so với năm trước. Hệ thống siêu thị này còn tổ chức 40 chuyến bán hàng lưu động tại các quận nội thành Hà Nội với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu để đáp ứng nhu cầu người dân.
Các siêu thị sẽ mở thêm giờ bán vào ngày cao điểm Tết. Ảnh: D.H
Điều đáng lưu ý là ngoài việc tăng lượng hàng, nhiều siêu thị còn đua nhau khuyến mãi giảm giá từ 30 – 50% số hàng kèm các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Chất lượng phục vụ cũng tăng cường tối đa như tăng giờ mở cửa, giao hàng miễn phí tận nhà, nhận đặt hàng qua điện thoại…
Tại TPHCM, theo bà Lê Ngọc Đào – PGĐ Sở Công Thương, dự kiến nhu cầu tiêu dùng tết toàn thành phố tăng 20-22%. Cty Vissan cho biết nguồn hàng dự trữ tăng 10-15% ở các mặt hàng. Co.op Mart tăng lượng hàng thiết yếu gấp bốn lần với 2.800 tỉ đồng dự trữ khoảng 24.000 tấn hàng hóa các loại. Cty Kinh Đô cũng sẵn sàng phục vụ khi dự kiến sẽ tung ra thị trường khoảng 3.200 tấn bánh kẹo. Sở cũng đề nghị các cửa hàng, siêu thị tăng giờ bán vào ngày cao điểm trước, trong và sau tết.
Theo đó, 10 ngày trước tết, các siêu thị Co.opmart, BigC, Vinatex… sẽ tăng giờ mở cửa bán hàng nhiều hơn ngày thường với hình thức mở cửa sớm hơn 1 giờ và đóng cửa trễ hơn 1 giờ. Riêng siêu thị BigC cho hay sẽ bán thông đêm 26, rạng sáng 27 âm lịch. Hôm nay (24.12) siêu thị sẽ bán đến 0h. Co.opmart công bố vào ngày 28 Tết (ngày 21.1.2012) sẽ mở cửa thông đêm, đến 12 giờ trưa ngày 29 âm lịch. Người tiêu dùng còn có thể mua sắm hàng
Bình ổn giá, kiểm soát chất lượng
Theo Sở Công Thương TPHCM, lượng hàng bình ổn giá năm nay cũng được tăng lên, chiếm khoảng 30-40% nhu cầu. Lượng hàng dự kiến là 17.260 tấn gạo, 7.300 tấn đường, 4.430 tấn dầu ăn, 14.830 tấn thịt gia súc, 10.600 tấn thịt gia cầm, 86 triệu quả trứng, 4.910 tấn thực phẩm chế biến, 9.268 tấn rau củ quả, 40 tấn thủy hải sản…
Tại Hà Nội, Sở Công Thương cũng có văn bản chỉ đạo các DN bình ổn giá mở rộng các điểm bán hàng tại các huyện ngoại thành. Sẽ có 9 nhóm hàng thiết yếu bình ổn giá như gạo trắng 6.400 tấn, thịt lợn 1.350 tấn, thủy hải sản đông lạnh 800 tấn, dầu ăn 1.000 lít… Các DN mở rộng thêm 10 siêu thị và cửa hàng tiện ích bán hàng bình ổn giá tại 7 quận, huyện. Siêu thị Hapro sẽ tổ chức 13 phiên chợ tết tại các khu công nghiệp, khu chế xuất với giá cả hợp lý, tổng giá trị tiền hàng 18 tỉ đồng.
Trước lo ngại về chất lượng thực phẩm, hiện các siêu thị cũng đồng loạt đưa ra cam kết đảm bảo VSATTP, lấy mẫu ngẫu nhiên một số thực phẩm để kiểm định chất lượng. Hệ thống siêu thị BigC cam kết kiểm soát chặt chẽ chất lượng các loại hàng hóa đầu vào, đối với các mặt hàng truyền thống chủ đạo như mứt, bánh, giò chả… Một số siêu thị khác duy trì kết hợp chặt chẽ các quy định về an toàn thực phẩm trong hợp đồng kinh tế với đối tác và có đầy đủ cam kết bằng văn bản về đảm bảo VSATTP của các nhà cung cấp.
Sở Công Thương Hà Nội cũng đang ráo riết tăng cường các đợt thanh – kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh điểm giết mổ gia súc – gia cầm, các cơ sở chế biến trên địa bàn thành phố từ nay đến trước Tết Nguyên đán.
M.Thoa – D.H
Theo Pháp Luật
Bình luận (0)