Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tập trung khống chế dịch bệnh

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết đang điều trị tại Phòng cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1

Từ đầu năm 2014 đến nay, ở nước ta nhiều dịch bệnh đã liên tiếp xảy ra. Dịch bệnh này chưa lắng xuống thì dịch bệnh khác lại nổi lên. Và hiện nay, cả nước nói chung, TP.HCM nói riêng đang cùng lúc đối diện với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm.
Phải khống chế sốt xuất huyết và tay chân miệng
Ngày 7-5, Sở Y tế TP.HCM đã giao ban với các quận, huyện về tình hình phòng chống dịch bệnh. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP, từ đầu năm đến nay có 2.607 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gần 600 ca so với cùng kỳ năm 2013) nhập viện điều trị, trong đó 3 ca tử vong. Số ca mắc giảm đáng kể, cụ thể tháng 1 có 776 ca, nhưng tháng 4 giảm chỉ còn 153 ca. Số phường, xã có ca bệnh cũng giảm từ 246 phường, xã xuống còn 110 phường, xã.
Ngược lại, bệnh tay chân miệng lại tăng mạnh từ tháng 2 đến nay. Nếu tháng 2 chỉ có 297 trường hợp mắc tại 161 phường, xã thì tháng 4 đã tăng lên 708 trường hợp mắc tại 236 phường, xã. Tổng số ca mắc trong 4 tháng đầu năm là 2.944 ca, trong khi đó 4 tháng đầu năm 2013 có 2.307 ca. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay chưa có ca nào tử vong, còn cùng kỳ năm ngoái có 2 ca tử vong.
Q.8 là địa bàn có số ca mắc tay chân miệng, sốt xuất huyết khá cao. Đại diện Trung tâm Y tế dự phòng quận cho biết: “Số ca mắc tay chân miệng trong tháng 4 cao gấp 3 lần so với tháng 1, tháng 2. Trong tháng 4 toàn quận có hơn 200 trường hợp mắc, trong đó chỉ có 10% là ở trường học, còn lại là cộng đồng. Số ca mắc sốt xuất huyết là 130 ca. Nguyên nhân vẫn là do đặc thù vệ sinh môi trường trên địa bàn có nhiều kênh rạch, những khu nhà ổ chuột…”.
Trước tình hình này, ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó giám đốc Sở Y tế TP – nhấn mạnh: “Những nơi nào có nhiều ca bệnh thì cần phải khoanh vùng để tìm ra nguyên nhân chính xác và giải quyết triệt để. Bằng mọi giá dịch bệnh phải được khống chế”.
Cùng ngày Bộ Y tế đã có công văn gửi các sở y tế về công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tổ chức tốt việc thu dung, điều trị nhằm hạn chế tối đa số trường hợp tử vong. Phân tuyến điều trị để tránh quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Đồng thời tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kịp thời khoanh vùng, xử lý các ổ dịch, không để dịch bùng phát trong cộng đồng.
Đồng thời, Sở Y tế phải phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức tuyên truyền tại các trường học, đặc biệt là trường mầm non về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng. Huy động học sinh tham gia vệ sinh môi trường, hướng dẫn các hoạt động loại bỏ lăng quăng ở các vật chứa nước trong nhà và khu vực xung quanh.
Tiêm vét vaccine sởi cho học sinh tiểu học
Còn bệnh sởi, từ đầu năm đến nay có 1.301 ca mắc, trong khi cùng kỳ năm 2013 chỉ có 1 ca. Số ca mắc tăng khá nhanh, đặc biệt là từ giữa tháng 4, trung bình mỗi tuần có từ 220-230 ca mắc, trong khi đó cuối tháng 3 chỉ có chưa đầy 100 ca mắc/tuần. Tổng số ca mắc trong tháng 4 là 645 ca tại 220 phường, xã.
Đối với việc tiêm vaccine sởi, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP – cho biết: “Sau 9 tuần tổ chức tiêm vét vaccine sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 3 tuổi, đến nay toàn TP có 65.705 trẻ trong độ tuổi được tiêm. Tuy vậy, hiện vẫn còn một bộ phận phụ huynh vì nhiều lý do mà chưa đưa con đi tiêm. Mặt khác, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, TP.HCM là địa phương có số ca mắc sởi cao nên phải mở rộng đối tượng tiêm vét vaccine sởi lên tới 10 tuổi. Do vậy, trong tháng 5, các trạm y tế phường, xã phải tiến hành tiêm vaccine cùng lúc cho 2 nhóm đối tượng”.
Theo đó, tất cả trẻ sinh từ năm 2004 đến năm 2013 chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi, không rõ tiền sử tiêm chủng sởi; không tiêm vaccine sởi trong tháng 3 và tháng 4-2014 hoặc không tiêm các loại vaccine sống giảm động lực khác kể cả vaccine MMR đều phải được tiêm vaccine sởi đợt này. Dự kiến, toàn TP có gần 300.000 trẻ.
Theo kế hoạch, bắt đầu từ ngày 16-5 đến hết tháng 7 sẽ tiến hành tiêm. Trong đó, ưu tiên tiêm sớm tại khu vực trường học trước khi học sinh nghỉ hè. Trong vòng 10 ngày đầu sẽ tiêm ở các trường mầm non, nhóm trẻ; 10 ngày tiếp theo sẽ tiêm ở các trường tiểu học cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 4.
Tin từ Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, ngày 7-5, cả nước ghi nhận thêm 49 trường hợp mắc sởi xác định. Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 4.184 trường hợp mắc sởi xác định trong số 16.180 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, TP. Trong ngày ghi nhận bổ sung 1 trường hợp tử vong tại Bệnh viện Bạch Mai ngày 6-5.
Bài, ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)