Trước tình hình một số doanh nghiệp (DN) do chịu ảnh hưởng của biến động thị trường thế giới phải cắt giảm giờ làm của công nhân, cho công nhân nghỉ không lương, thậm chí cho nghỉ việc khi chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có buổi làm việc với TP.HCM. Tại đây, ông Lê Văn Thanh – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH – đề nghị TP.HCM có các giải pháp ổn định tình hình lao động, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như ổn định đời sống người lao động, nhất là công tác chăm lo Tết…
Các cấp, ngành TP.HCM đang nỗ lực để chăm lo Tết cho người lao động. Ảnh: TB
Tạo mọi điều kiện để công nhân có Tết
Theo Ban quản lý Khu chế xuất – Khu công nghiệp (KCX-KCN) TP, trước biến động của thị trường thế giới, một số DN thiếu hụt đơn hàng nên đành phải sắp xếp lại lao động.
Cụ thể, theo bà Nguyễn Võ Minh Thư – Phó Trưởng ban KCX-KCN TP.HCM, qua báo cáo của các DN có đơn hàng bị thụt giảm cho thấy những DN này đã giải quyết cho người lao động nghỉ phép năm, bố trí làm việc 2-3 ngày/tuần, với những trường hợp hết hạn hợp đồng lao động thì không tái ký. Ngoài ra cũng có đơn vị cho lao động nghỉ việc, tuy nhiên số này không nhiều. Qua thống kê, có 25 DN bị ảnh hưởng, số lao động dự kiến giảm trong 2023 khoảng 2.000 người. Bên cạnh đó, dự báo 6 tháng đầu năm 2023 tình hình hoạt động chung của DN sẽ bị giảm đơn hàng tập trung vào nhóm cơ khí, hóa nhựa, dệt may, da giày. Ngược lại, cũng trong năm 2023, nhiều DN thuộc các KCN và KCX của TP có nhu cầu tuyển dụng khoảng 12.000 lao động”.
Còn tại Khu Công nghệ cao (CNC), ông Ngô Đình Quân – Phòng Quản lý DN – thông tin, hiện có 110/161 DN đang hoạt động với khoảng 52.000 người lao động làm việc. Thời gian qua Khu CNC không có dấu hiệu giảm lao động, thậm chí tăng nhẹ so với 6 tháng đầu năm. Đáng chú ý, hiện nay hầu hết các DN đang tập trung cho công tác thưởng Tết.
“DN có yếu tố nước ngoài thưởng Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, còn DN Việt Nam thưởng Tết Nguyên đán với mức thưởng tương đối tốt”, ông Quân chia sẻ.
Tại quận Bình Tân – nơi tập trung nhiều DN với số công nhân đông, trong đó có không ít DN bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế, đơn hàng bị cắt giảm nên không thể duy trì công việc cho người lao động, tuy nhiên công tác chăm lo Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 cho người lao động trên địa bàn vẫn được đánh giá là tốt.
Bà Lê Thị Ngọc Dung – Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân – cho biết, Bình Tân là địa bàn khá đông công nhân, trong đó có Công ty PouYuen với hơn 50.000 lao động, mức thưởng Tết cao hơn năm trước khoảng 20%. Đây là tín hiệu vui để các công ty khác nhìn vào PouYuen mà có hướng tổ chức chăm lo Tết cho người lao động chu đáo, phù hợp. Khảo sát cho thấy, tất cả các DN đều có kế hoạch thưởng Tết cho người lao động. Thậm chí có một DN thưởng cao nhất là 300 triệu đồng/người. Về phía quận, dự kiến chăm lo cho hơn 26.000 công nhân với số tiền khoảng 8,6 tỷ đồng; đồng thời vận động các chủ nhà trọ chăm lo cho người thuê trọ là công nhân không có điều kiện về quê ăn Tết”, bà Dung nói.
TP.HCM chú trọng nâng cao trình độ lao động Tại buổi làm việc, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – cho biết, TP.HCM có nhiều DN nên số công nhân lao động cũng đông với nhiều trình độ khác nhau. Thời gian qua, chính quyền TP cũng như các DN luôn có các giải pháp nâng cao trình độ cho người lao động, lấy chuẩn mực châu Âu để làm khung đào tạo; khuyến khích các DN nâng cấp công nghệ. Nhờ vậy mà quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động khá tốt; chủ DN và công nhân hiểu và chia sẻ với nhau khi có vấn đề không như mong muốn xảy ra… |
Bà Lê Thụy Mỵ Châu – Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn – cũng cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 130 DN có kế hoạch thưởng Tết. Theo đó mức thưởng thấp nhất là 300.000 đồng, cao nhất là hơn 100 triệu đồng/người (DN thực phẩm). Về phía chính quyền cũng sẽ tập trung chăm lo cho 2.500 lao động ở lại đón Tết trên địa bàn với số tiền khoảng 2 tỷ đồng.
Đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động
Ghi nhận những nỗ lực của các cấp, ngành, đoàn thể trên địa bàn TP.HCM trong công tác chăm lo Tết Nguyên đán Quý Mão cho công nhân, ông Thanh nhấn mạnh, TP.HCM thực hiện tốt Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới; tiếp tục nâng cao hiệu quả Luật Tổ chức, Luật Quản lý đối với quan hệ lao động.
“Trước thông tin nhiều DN bị giảm đơn hàng nghiêm trọng, tình hình lao động, việc làm hết sức nặng nề, Bộ LĐ-TB&XH cũng rất lo lắng nhưng qua thực tế có hơn 6.000 người mất việc làm thì đây là con số không lớn. Cuối năm 2021, đầu năm 2022 cả nước lo lắng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động nhưng TP.HCM đã giải quyết cung – cầu rất tốt bằng nhiều chính sách khác nhau và quan hệ lao động được quan tâm nhiều hơn. Việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định sẽ giúp ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội”, ông Thanh nhấn mạnh.
Theo ông Thanh, TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, tập trung số lượng lớn DN và người lao động; vì vậy trong thời gian tới TP cần tăng cường chỉ đạo kết nối cung – cầu, nắm bắt tình hình lao động, tránh trường hợp mất cân đối để tiếp tục tăng cường hoạt động đầu tư trong nước, nước ngoài. Chú ý đảm bảo việc làm, chăm lo đời sống và an sinh xã hội cho người lao động, đặc biệt dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới. Bên cạnh đó, đôn đốc người sử dụng lao động có trách nhiệm với người lao động trong các dịp này. Các cơ quan chức năng, nhất là liên đoàn lao động, hệ thống công đoàn cần xuống tận đơn vị sản xuất kinh doanh thống kê cụ thể hoạt động chăm lo Tết để từ đó nắm được tình hình, dự báo các phát sinh nhằm có phương án xử lý. Riêng Sở LĐ-TB&XH TP cần tăng cường kết nối cung – cầu lao động, đặc biệt phát huy vai trò của các trung tâm dịch vụ việc làm để tăng cường công tác tuyển dụng cho DN.
TP cũng nên quan tâm đến những lao động phi chính thức, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ. Cần quản lý chặt chẽ các DN thuê lại lao động nhằm tránh trường hợp tuyển dụng lao động trái phép…
Phú Cát
Bình luận (0)