Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Tập trung phạt người đi bộ sai luật

Tạp Chí Giáo Dục

Người đi bộ vô tư băng qua đường kể cả nơi có mật độ giao thông cao

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ – Công an TP.HCM, trong tuần lễ đầu tiên thực hiện Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng CSGT đã tiến hành xử phạt 61 trường hợp người đi bộ đi không đúng phần đường, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu, đi qua đường không đúng nơi quy định.
Ý thức của người đi bộ rất kém
TP.HCM xây dựng khá nhiều cầu vượt bộ hành, các vạch sơn băng qua đường dành cho người đi bộ, tuy nhiên, tình trạng người bộ hành vi phạm Luật An toàn giao thông (ATGT) vẫn còn. Tại một số khu vực như: trước cổng Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Từ Dũ, chợ Văn Thánh, đại lộ Đông Tây… mặc dù có cầu bộ hành nhưng người đi bộ vẫn ngang nhiên băng qua đường. Trên một số tuyến đường như quốc lộ 1A đoạn qua quận Thủ Đức, quốc lộ 13, xa lộ Hà Nội… nhiều người vẫn thản nhiên trèo lên hàng rào chắn để băng qua đường giữa làn xe cộ đông đúc. Từ trước đến nay, người đi bộ thường tự cho mình cái quyền được đi sai luật, đi không đúng phần đường, qua đường không quan sát các phương tiện tham gia giao thông, coi đường quốc lộ như đường nhà mình nên cứ “vô tư” đi. Khi có sự va quẹt hay tai nạn xảy ra, phần đúng luôn thuộc về người đi bộ và những phương tiện trót va chạm vào họ đều phải chịu thiệt thòi. Điều đó cho thấy sự tùy tiện trong ý thức của người đi bộ là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều vụ TNGT. Tuy nhiên, việc xử phạt liên quan đến các hành vi người đi bộ sai quy định… vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, khi người đi bộ băng qua đường giữa làn xe cộ đông đúc, khi thấy CSGT, họ liền đi ngược trở lại.
Cơ sở hạ tầng giao thông còn thiếu
Bên cạnh sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân, nhiều tuyến giao thông ở trong khu vực đô thị và quốc lộ còn nhiều bất cập, chưa phù hợp và đảm bảo an toàn cho người đi bộ. Việc đầu tư hạ tầng giao thông dành cho người đi bộ vẫn chưa đầy đủ, khiến người dân và cả lực lượng chức năng rất khó khăn trong việc thực thi nghị định một cách nghiêm túc. Cụ thể, như việc bố trí những vạch kẻ sơn dành cho người đi bộ ở các tuyến đường hiện nay vẫn chưa được quan tâm. Nhiều tuyến đường vạch sơn mờ nhạt, không thấy rõ, ở một số nơi hầu như không có vạch sơn dành cho người đi bộ. Khoảng cách giữa các vạch sơn để cho người đi bộ qua đường cách xa nhau nên rất bất tiện. Trên quốc lộ 1A đoạn qua quận Thủ Đức và quận Bình Tân, các vạch sơn cho người đi bộ qua đường chỉ được vạch tại các ngã ba, ngã tư với khoảng cách rất xa. Nhiều công nhân buổi sáng vì vội đi làm, nên quyết định trèo qua dải phân cách giữa đường bất chấp hiểm nguy. Ở các quận, huyện nhiều tuyến đường, vỉa hè bị chiếm dụng để buôn bán, làm bãi giữ xe khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường, lực lượng chức năng vì thế cũng khó xử lý.
Tại các nút giao thông, hệ thống hầm, đường bộ, hành lang cho người đi bộ đã có nhưng còn ít và hiện tại người đi bộ vẫn chưa nghiêm túc chấp hành.
Bài, ảnh: Hà Anh Kiệt
Theo Cục CSGT đường bộ – đường sắt: “Trước hết, chúng ta cần tiến hành tuyên truyền giáo dục pháp luật, tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ cho người dân. Đồng thời Nhà nước cần tạo điều kiện cho người dân chấp hành tốt về trật tự ATGT, các cơ quan chức năng cần kiên quyết trong việc xử phạt người vi phạm”. Bên cạnh việc tuyên truyền, Nhà nước cần đầu tư xây dựng hệ thống biển báo, chỉ dẫn, xây dựng cầu vượt dành cho người đi bộ ở trong đô thị và trên các tuyến đường lộ, quy định các điểm ưu tiên dừng đỗ xe, kẻ vạch sơn, đèn báo hiệu dành cho người đi bộ qua đường.

Bình luận (0)