Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tập trung phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh

Tạp Chí Giáo Dục

“Chống quá tải bệnh viện tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong năm 2013”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác y tế 2012, triển khai kế hoạch năm 2013, tổ chức ngày 24/1.

Tín hiệu tích cực
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong năm 2012 công tác giảm quá tải bệnh viện được đặc biệt chú trọng và đã đạt được một số kết quả bước đầu.
Năm qua, hơn 1.350 giường bệnh mới được đưa vào sử dụng, bao gồm 500 giường tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, 300 giường ở cơ sở Tân Triều của Bệnh viện K, 200 giường tại cơ sở Tam Hiệp của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, 150 giường tại Bệnh viện Bạch Mai… Ngày 16/12/2012, Bộ Y tế đã khởi công xây dựng Trung tâm ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy với quy mô 250 giường và sắp tới đây sẽ khởi công xây dựng mới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương với quy mô 500 giường bệnh.
Để việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế đi đôi với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã tập trung nguồn vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn xã hội hóa… đầu tư cho một số bệnh viện trọng điểm. Đồng thời, Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án xây dựng tại Bệnh viện Phụ sản TƯ, Bệnh viện Việt Đức…, sớm nâng mức giường bệnh tại các bệnh viện tuyến TƯ và tại thành phố lớn. Thời gian qua, số giường bệnh tại tuyến tỉnh, tuyến huyện đã tăng đáng kể nhờ sự đầu tư của Đề án đầu từ trái phiếu Chính phủ cho các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện.
Để góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến dưới, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, công tác cử cán bộ y tế tuyến trên luân phiên hỗ trợ tuyến dưới (Đề án 1816) cũng được ngành y tế chú trọng. Trong năm 2012, hàng ngàn lượt cán bộ từ tuyến trên đã tăng cường cho các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện. Cán bộ y tế luân phiên đã khám, điều trị cho hơn 1,1 triệu lượt bệnh nhân, trực tiếp thực hiện 23.365 ca phẫu thuật góp phần giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến không phù hợp.
Ngoài ra, ngành y tế còn tập trung xây dựng và áp dụng nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn mới trong quản lý chất lượng khám, chữa bệnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế, quản lý hành nghề y ngoài công lập. đặc biệt, việc ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị, một số lĩnh vực điều trị như: ghép tạng, phẫu thuật tim hở, can thiệp tim mạch, hỗ trợ sinh sản, chẩn đoán hình ảnh…, đã đạt tiêu chuẩn ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Năm 2012, Viện Tim mạch quốc gia đã áp dụng phương pháp “phẫu thuật không kháng sinh” đạt hiệu quả cao (chỉ dùng 3g kháng sinh dự phòng và không dùng kháng sinh sau phẫu thuật)… Nhờ vậy, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế đã được cải thiện, thời gian điều trị được rút ngắn, góp phần tích cực trong hoạt động giảm quá tải bệnh viện.

“Giảm nhiệt” ở khu vực quá tải “nóng”
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thì tới cuối năm 2012 tình trạng quá tải bệnh viện tuyến Trung ương và tại các thành phố lớn vẫn còn ở mức cao, đặc biệt là các chuyên khoa tim mạch, ung bướu, chấn thương, sản nhi…
Để từng bước tháo gỡ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay: “Trong năm 2013, ngành y tế sẽ tập trung triển khai Đề án Giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 – 2020 (vừa được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt ngày 9/1/2013). Giai đoạn 2013 – 2015 sẽ tập trung ưu tiên đầu tư các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối của TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; giai đoạn 2016 – 2020 tiếp tục đầu tư cho các bệnh viện thuộc phạm vi Đề án từ Trung ương đến địa phương”.
Năm 2013, công tác giảm quá tải bệnh viện trước mắt tập trung cho các chuyên khoa quá tải trầm trọng ở bệnh viện tuyến Trung ương cũng như bệnh viện tuyến cuối của TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Tại Hà Nội, sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai, xây dựng mới một số bệnh viện trên địa bàn như: Bệnh viện Nhi Hà Nội, Bệnh viện Xanh Pôn cơ sở II, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản cơ sở II, Bệnh viện đa khoa Gia Lâm… Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ triển khai việc xây dựng phát triển mô hình các tổ hợp công trình y tế đa chức năng (nghiên cứu, đào tạo, khám chữa bệnh, sản xuất dược phẩm và trang thiết bị y tế…) có tầm cỡ quốc tế tại cụm đô thị Gia Lâm – Long Biên, Hòa Lạc, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Sơn Tây.
Tại TP Hồ Chí Minh, các cơ sở khám chữa bệnh sẽ phát triển thành các cụm y tế tại 4 cửa ngõ của thành phố. Đến năm 2015, dự kiến sẽ tăng được 4.300 giường bệnh cho các khu vực cửa ngõ thành phố. Hoàn thành đầu tư đối với các dự án xây dựng mới hoặc xây dựng cơ sở 2 cho các bệnh viện Nhi đồng, bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Ung bướu và một số bệnh viện khác.
Bên cạnh đó, trong năm 2013 ngành y tế sẽ triển khai đồng loạt các đề án như: Thành lập và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, thí điểm xây dựng mô hình phòng khám bác sỹ gia đình, thực hiện tốt hoạt động luân chuyển cán bộ, tăng cường nhân lực cho tuyến dưới… để giảm tải cho y tế tuyến trên.

Phương Liên

Theo Báo Tin Tức

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)