GS.TS Gebhard Hafer (Hiệu trưởng Trường ĐH BBW University of Applied Science, Đức) khẳng định: “Lao động ở bất cứ ngành nghề nào cũng đòi hỏi kỹ năng. Nếu thiếu kỹ năng, người lao động sẽ sớm đào thải trước yêu cầu thay đổi ngành nghề từ tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Người lao động có kỹ năng, có tay nghề cao không chỉ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong nước mà còn có thể cạnh tranh ở thị trường lao động quốc tế. Trong ảnh: Sinh viên ngành công nghệ ô tô của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức trong giờ thực hành
Tăng lao động có kỹ năng
Chia sẻ kinh nghiệm của Đức trong việc đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, GS.TS Gebhard Hafer nhấn mạnh vai trò tích cực giữa nhà trường và doanh nghiệp (DN) và sự gắn kết chặt chẽ giữa học tại trường và học qua việc làm thực tế. Điều quan trọng là giáo viên, người dạy ở DN phải có đủ kỹ năng sư phạm khi giảng dạy, đào tạo. Kết quả học tập của người học là một trong những mục tiêu chính của sự hợp tác ấy. Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho biết theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khi tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025. Trong giai đoạn 2015-2025, nhu cầu đổi mới việc làm cần tay nghề trung bình nói chung sẽ tăng nhanh nhất, ở mức 28%, lao động có trình độ kỹ năng thấp là 23%, lao động có kỹ năng cao tăng 13% và sẽ có thêm nhiều cơ hội cải thiện cuộc sống của hàng triệu người. Khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, Cộng đồng kinh tế ASEAN, không gian thị trường lao động trở nên sôi động hơn, lao động tự do di chuyển tạo nhiều cơ hội việc làm, đặc biệt là lao động có kỹ năng tay nghề cao. Sự tự do di chuyển sẽ tạo môi trường cạnh tranh gay gắt, góp phần gia tăng sự mất cân đối cung – cầu lao động, nhất là nguồn lao động có kỹ năng và trình độ cao. Dòng dịch chuyển lao động trình độ cao của các nước trong khu vực sẽ chiếm lĩnh các vị trí việc làm đối với thị trường lao động trong nước. Từ thực tế đó, chúng ta cần đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề, tiếp cận công nghệ hiện đại và được quốc tế công nhận.
Theo ông Tuấn, DN cần lao động chất lượng cao nhưng người học ra trường chưa đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, nhất là kỹ năng. Để có được đội ngũ nhân lực tay nghề cao đòi hỏi phía DN, bên cạnh chủ động trong việc liên kết đào tạo với trường nghề cần tham gia xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu DN. Phía nhà trường cần khảo sát nhu cầu nhân lực chính xác để mang lại hiệu quả liên kết đào tạo.
Ông Thái Văn Thành (Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM DV Cơ khí Đại Thành) khẳng định, những năm gần đây việc đào tạo lại sau tuyển dụng hầu như không còn, nếu có chỉ là đào tạo ngắn ngày về văn hóa DN, về kỹ năng như làm việc nhóm. Riêng kỹ năng nghề, các em đã được đào tạo bài bản tại trường cũng như ở DN mà trường hợp tác. Trong quá trình thực hành, các em được làm việc, tiếp xúc với trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên không quá bỡ ngỡ. “Trước đây, một sinh viên học ngành cơ khí chế tạo nhưng đọc bản vẽ không xong hay như không thể đứng vận hành máy phay, máy tiện nhưng bây giờ đã thay đổi nhiều. Thực tế không phải các em quá yếu kém mà vì thiếu máy móc, trang thiết bị để thực hành. Có không ít trường nghề hiện nay còn đào tạo người học trên trang thiết bị đã ra đời hơn 20 năm trước, đấy là điều thiệt thòi cho người học, đánh mất cơ hội của các em”, ông Thành thẳng thắn nói.
Báo cáo của Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) cho thấy, người học tốt nghiệp các ngành nghề trọng điểm quốc gia và khu vực, tỷ lệ có việc làm ngay sau khi ra trường lên đến 90%. Theo các chuyên gia GDNN, con số này phản ánh khá chính xác trình độ tay nghề, kỹ năng của người học với các chương trình chuyển giao, điều chỉnh phù hợp với điều kiện, bối cảnh của Việt Nam. Trong đó không thể không nhắc đến trình độ của đội ngũ giảng viên, người đào tạo tại DN.
Phát triển nhân lực có tay nghề luôn được quan tâm
Bà Nguyễn Thị Việt Hương (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN) cho biết trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc phát triển nguồn nhân lực có tay nghề đã và đang được thế giới quan tâm. Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg về việc đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Chỉ thị yêu cầu cần tập trung đổi mới, đào tạo, huấn luyện, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng. “Kỳ thi tay nghề quốc gia trước đây đã được đổi tên thành kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, đó cũng là một nội dung mà Tổng cục GDNN tập trung để đổi mới các kỳ thi kỹ năng nghề từ cấp tỉnh/thành đến quốc gia. Thêm nữa, đề thi cũng tiệm cận với kỳ thi tay nghề ASEAN và kỳ thi tay nghề thế giới. Ở kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020 vừa diễn ra, lần đầu tiên ban tổ chức có thêm đại diện của các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế”, bà Hương nhấn mạnh.
TS. Trương Anh Dũng (Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN) cho biết thêm, vừa qua Bộ LĐ-TB&XH đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ chọn ngày 4-10 hàng năm là Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. Việc chọn ngày này là để hưởng ứng Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới (15-7), khích lệ tinh thần học tập suốt đời để nâng cao kỹ năng trong học sinh, sinh viên và người lao động. Ngoài ra, Ngày Kỹ năng lao động còn tôn vinh, khẳng định vị thế, tầm quan trọng của người học, người lao động có kỹ năng, có tay nghề cao không chỉ đáp ứng yêu cầu của DN trong nước mà còn có thể cạnh tranh ở thị trường lao động quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ.
Bài, ảnh: Trọng Tri
Bình luận (0)