Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tập trung thay thế công nghệ xử lý rác tiên tiến

Tạp Chí Giáo Dục

Lãnh đạo Sở TN-MT TP trả lời báo chí tại buổi họp báo. Ảnh: T.A

Sở TN-MT TP.HCM vừa họp báo quý I/2017. Giải đáp thắc mắc của báo chí trước thực trạng khu xử lý rác tập trung trên địa bàn TP hiện đã quá tải, công nghệ xử lý lạc hậu, ông Trần Kim Phát, Giám đốc Ban quản lý Khu liên hiệp xử lý chất thải, cho biết: Hiện nay TP đã chấp thuận một nhà đầu tư với công nghệ xử lý rác tiên tiến nhất tại bãi rác Đa Phước. Công nghệ này sử dụng nhiệt độ kính xử lý rác mà không qua phân loại. Các điểm xử lý rác khác cũng sẽ phải thay thế công nghệ xử lý tiên tiến theo hướng tái tạo đáp ứng yêu cầu của TP.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP, cũng cho biết: Trung bình mỗi ngày toàn TP có khoảng 7.000-8.000 tấn chất thải. Số chất thải này chủ yếu xử lý bằng cách chôn lấp. Mục tiêu của TP là xử lý chất thải theo hướng tái tạo thành nguồn năng lượng, vì thế sở đã làm việc với các đơn vị về việc chuyển đổi sang công nghệ đốt để hạn chế ô nhiễm môi trường. Dự kiến cuối tháng 3 này sẽ công bố các chỉ tiêu pH, NO2, CO2 trong nước và không khí trên địa bàn. Nếu các chỉ tiêu vượt chuẩn cho phép sẽ tìm nguyên nhân và giải pháp quản lý Nhà nước. Đây cũng là giải pháp thực hiện giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong 7 chương trình đột phá của TP.

Theo Trung tâm Quan trắc TN-MT (Sở TN-MT TP), các KCN-KCX và khu công nghệ cao trên địa bàn đã lắp đặt 16 trạm quan trắc tự động để kiểm soát ô nhiễm. Theo đó, dữ liệu quan sát được truyền về cơ quan chức năng và là cơ sở để xử lý vi phạm. Riêng 9 trạm quan trắc lắp đặt trước đây đã hết niên hạn sử dụng, kết quả quan trắc không còn chính xác. Theo đó, Sở TN-MT đã xin ý kiến TP ngưng sử dụng. Thay vào đó là thiết lập hệ thống quan trắc bán tự động để có dữ liệu xuyên suốt. Ngoài các vị trí trên, sở cũng đã phối hợp với Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn và xây dựng trang web quan trắc.

Liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà cho người dân đã mua bán giấy tay sau ngày 1-7-2004 đến ngày 1-1-2008, ông Thắng cho biết có khoảng 37.000 hồ sơ cần được cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, qua rà soát các điều kiện theo đúng quy định thì đến nay đã có 1.400/ 1.500 hồ sơ được cấp giấy. Ông Thắng đề nghị các quận, huyện thống kế số hồ sơ chưa được giải quyết và báo cáo sở để có hướng giải quyết. Với nhà thực hiện mua bán bằng giấy tay có diện tích quá nhỏ sẽ xem xét có tranh chấp hay không mới có thể cấp giấy chứng nhận.

T.Anh

Bình luận (0)