Sự kiện giáo dụcTin tức

Tập trung xây trường mầm non

Tạp Chí Giáo Dục

Trường MN Sơn Ca 14 (Q.Phú Nhuận) vừa được xây mới và đưa vào sử dụng

Ngày 7-6, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức giao ban công tác xây dựng trường lớp của 24 quận, huyện. Theo kế hoạch, trong năm 2012 toàn TP phải có được trên 760 phòng học cho trẻ mầm non (MN) 5 tuổi nhưng hết 6 tháng đầu năm mới chỉ hoàn thành được 50% kế hoạch…
Ông Nguyễn Đình Thái Châu, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành về xây dựng trường học, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở GD-ĐT cho biết: “Ngày 5-3-2012, UBND TP đã ban hành Quyết định 1104 về việc giao kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2012 (đợt 1). Theo đó ngành GD-ĐT được cấp trên 1.500 tỷ đồng để triển khai xây dựng 160 dự án với 3.710 phòng học. Đến đầu tháng 6-2012 đã có 70 dự án hoàn thành, 28 dự án đã triển khai thi công và còn 4 dự án chưa triển khai thi công được do vướng giải phóng mặt bằng, trượt giá…
Nhiều dự án “giậm chân”
Tập trung toàn lực, kêu gọi xã hội hóa giáo dục nên trong thời gian ngắn vừa qua Q.3 đã khởi công được nhiều công trình trường học, qua đó đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn. Nhưng hiện nay nhiều dự án trường đang phải tạm dừng xây dựng hoặc khởi công mới vì không có tiền. Ông Phạm Thế Huy, Giám đốc Ban quản lý dự án (BQLDA) Q.3 kiến nghị Sở Kế hoạch – Đầu tư ghi vốn giai đoạn 2 cho Trường MN Phường 9 do đây là trường MN có nguồn xã hội hóa nên ngân sách của TP chỉ cần hỗ trợ 50%. Hiện công trình đang bị gián đoạn do không được ghi vốn trong đợt 1, trong khi kế hoạch đặt ra phải hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm học mới 2012-2013. Bên cạnh đó là các công trình Trường THCS Bàn Cờ (đã khởi công) và THPT Nguyễn Thị Minh Khai cũng đang “thiếu” tiền nên không thể khởi công.
Q.Phú Nhuận cũng có ba công trình đề nghị được ghi vốn trong đợt 2 là Trường TH Sông Lô, MN Phường 13 và MN Phường 14. Tương tự, Q.9 có các công trình cấp bách do các trường đang trong tình trạng ngập nước và CSVC xuống cấp trầm trọng, đó là TH Trần Quốc Toản và THCS Trần Quốc Toản, dự án đã được phê duyệt nhưng cũng không được cấp vốn trong đợt 1.
Q.12 tiếp tục không được Trung tâm Sâm và Dược liệu phối hợp khi các đoàn của Q.12 đến kiểm tra các giống cây, đo đạc hiện trạng đất không được lãnh đạo tiếp và bảo vệ không cho vào, dù kế hoạch đền bù, giải tỏa đã được phê duyệt. Vì vậy mà dự án xây dựng Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ không biết đến khi nào mới được khởi công! Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó giám đốc BQLDA, Q.Thủ Đức trăn trở: “Thủ Đức có 3 công trình cấp bách và 2 công trình đủ điều kiện để khởi công mới nhưng đến bây giờ vẫn không được rót vốn, đặc biệt hai trường MN Hiệp Bình Chánh và Linh Chiểu nếu không được khởi công trong năm 2012 sẽ không đảm bảo được chỗ học cho trẻ 5 tuổi của hai phường này”.

Tập trung tháo gỡ khó khăn để xây thêm trường là nhiệm vụ quan trọng của ngành GD-ĐT các quận huyện hiện nay

Theo ông Võ Thành Khả, Giám đốc BQLDA huyện Nhà Bè, xã Nhơn Đức của huyện được xây dựng theo mô hình nông thôn mới, các tiêu chí đã cơ bản hoàn thành, trường TH, THCS được xây dựng khang trang, hiện đại nhưng Trường MN Nhơn Đức không khởi công được do vướng phải suất đầu tư. Cùng xây dựng mô hình nông thôn mới, xã Tân Thông Hội, Củ Chi lại có những khó khăn như địa bàn rộng, dân nhập cư tăng mạnh nên trên địa bàn toàn xã có tới 9 trường học (3 trường MN, 4 TH và 2 THCS). Hiện nay có hai trường đang khởi công là THCS Tân Tiến và Tân Thông Hội nhưng cũng đang gặp khó khăn về vốn.
Tại buổi giao ban, đại diện ngành giáo dục các quận huyện cũng cho biết, nhiều công trình sau khi khánh thành và đưa vào sử dụng đã bộc lộ nhiều thiếu sót, hạn chế, chưa phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý của HS tiểu học. “Điều này cho thấy sự phối hợp giữa BQLDA với các trường chưa thật sự chặt chẽ. Nhiều trường được thiết kế theo một barem nên đi từ quận này sang huyện khác đều có chung một kiểu dáng, màu sắc… Có trường nhà vệ sinh học sinh nam được thiết kế, trang bị nhiều hơn nhà vệ sinh học sinh nữ…”, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT nêu ý kiến.  
Còn khó khăn về vốn
Bà Nguyễn Thị Huyền Nhung, Phó trưởng phòng Văn xã, Sở Kế hoạch – Đầu tư TP cho rằng: Hiện nay, sở mới chỉ tiếp nhận và tổng hợp các dự án và chưa biết đến khi nào mới có thể bố trí vốn đợt 2/2012 cho các dự án xây dựng trường học. Do khả năng cân đối vốn đang rất khó khăn! Bên cạnh đó, do vướng Nghị quyết 11 của Chính phủ, kinh tế lạm phát… nên chỉ bố trí vốn đợt 1/2012 cho các công trình chuyển tiếp. Và những công trình chuyển tiếp này phải đảm bảo đã giải ngân được 30% vốn mới được giải ngân tiếp theo. Những công trình dưới 30% đều bị tinh giản và không được rót vốn. TP khuyến khích các quận, huyện tăng cường, đẩy mạnh triển khai các dự án có khả năng về kêu gọi xã hội hóa. Với chủ đầu tư là các trường do năng lực còn hạn chế, không rành về thủ tục đầu tư nên báo cáo chậm hoặc không báo cáo vì vậy mà nhiều dự án liên tục bị trì hoãn, kéo dài từ năm này qua năm khác (như Q.5, Q.10). “Phòng kế hoạch – tài chính, BQLDA và phòng GD-ĐT phải phối hợp, hỗ trợ nhau, trong đó, BQLDA phải tổng hợp chung để trình cho chủ tịch UBND quận, huyện phê duyệt sau đó gửi cho Sở KH-ĐT, thủ tục mới nhanh và các dự án mới được rót vốn. BQLDA phải lường trước được những biến động về vật giá, tăng lương… Dự báo tốt, dự án sẽ không phải điều chỉnh, do nhiều khi điều chỉnh thủ tục rất nhiêu khê, mất nhiều thời gian và đến khi hủy dự án để thiết kế lại sẽ gây ra lãng phí, thiệt hại lớn cho nguồn ngân sách của Nhà nước và TP”, bà Nhung cho biết. Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT yêu cầu: “Nhiệm vụ trọng tâm của các quận, huyện ngoài việc tiếp tục xây dựng và hoàn thành các công trình trường học để kịp đưa vào sử dụng trong năm học 2012-2013 thì trường lớp phục vụ cho trẻ 5 tuổi phải được triển khai sửa chữa, xây mới quyết liệt, tốc độ hơn. Vì theo kế hoạch, trong năm 2012 toàn TP phải có được trên 760 phòng học cho trẻ MN 5 tuổi nhưng hết 6 tháng đầu năm mới chỉ hoàn thành được 50% kế hoạch. Khó khăn, vướng mắc ở những khâu nào phải được giải quyết ngay tại khâu đó thì đến cuối năm 2012 mới hi vọng hoàn thành được kế hoạch này”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy

Bình luận (0)