Trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô đang gặp nhiều khó khăn thì các mặt hàng nông nghiệp đã có sự tăng trưởng xuất khẩu vượt bật và tiếp tục trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2011 ước đạt 14,9 tỷ USD, tăng 39,8% (số % tăng trong bài đều so với cùng kỳ 2010), chiếm tỷ trọng 21,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhờ thuận lợi về giá nên hầu hết các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản xuất khẩu đều tăng trưởng khả quan, như gạo đạt 5,878 triệu tấn, kim ngạch 2,816 tỷ USD, tăng 9,13% về số lượng, tăng 23,71% về giá trị (dự báo xuất khẩu gạo năm nay có khả năng vượt 7 triệu tấn với kim ngạch trên 3 tỷ USD); cao su tăng 60%, đạt 2 2,27 tỷ USD; hạt điều tăng 38,9%, đạt 1,08 tỷ USD; hạt tiêu tăng 93,8%; kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng 27%, đạt giá trị 4,41 tỷ USD; cà phê đạt giá trị kim ngạch 2,18 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 16%, đạt 2,84 tỷ USD, vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 10 thế giới.
Xuất khẩu gạo từ tổng kho Tân Dương (Sa Đéc, Đồng Tháp) của Tổng công ty Lương thực II – ảnh P. Hà
Tuy nhiên, theo nhiều hiệp hội ngành hàng, việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Điều cho biết, các doanh ngiệp luôn trong tình trạng thiếu vốn mua nguyên liệu, việc tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất – kinh doanh từ ngân hàng rất khó khăn, chưa kể lãi suất cao ngất ngưỡng đã làm bào mòn lợi nhuận và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) đề nghị Chính phủ có quy chế để các ngân hàng thương mại cung cấp đủ vốn cho doanh nghiệp có thể mua được lượng cà phê cần thiết theo đúng giá thị trường với thời gian đủ dài để doanh nghiệp có thể chủ động điều tiết việc mua vào bán ra.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, Bộ sẽ tập trung xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm có kim ngạch nhập khẩu lớn, như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước EU. Tập trung nguồn vốn xúc tiến thương mại đối với những mặt hàng có sự tăng trưởng, có đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu. Tiếp tục ký kết các thỏa thuận song phương và công nhận lẫn nhau về kiểm dịch thực vật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm với Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Úc, New Zealand…
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu trong việc thanh toán cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm. “Chúng tôi sẽ luôn đồng hành với doanh nghiệp để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu, hải quan, tài chính, tiền tệ… giúp ổn định sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu” – ông Biên khẳng định.
P.HÀ / DNSG
Tin liên quan
Tối 11-1-2025, Hội Nữ doanh nhân TP.Cần Thơ (CAWE) tổ chức tổng kết và Giao lưu Chúc mừng năm mới 2025. Ông...
Sáng 13-1, đoàn công tác Bộ Công thương do Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng làm Trưởng đoàn đã có...
Chiều 7-1, Sở Công thương TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết ngành công thương năm 2024, triển khai chương trình công...
Sáng 7-1, UBND phường 14 quận 5 đã tổ chức Lễ ra mắt “Phố vải - Soái Kình Lâm”. Ông Lê Đăng...
Bình luận (0)