Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tập vở quá trắng – thủ phạm gây mắt cận

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh vất vả chọn tập ít trắng trong siêu thị
Theo thông tin của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục, giấy quá trắng sẽ ảnh hưởng đến mắt của học sinh (HS) và là một trong những thủ phạm gây cận thị ở trẻ. Năm học mới vừa bắt đầu, không ít bậc phụ huynh đã “chạy ngược chạy xuôi “ tìm tập ít trắng cho con.
Theo nghiên cứu của NXB Giáo dục thì độ trắng tập an toàn cho mắt của trẻ chỉ từ 73-75% ISO. Còn trên thị trường, qua tìm hiểu thì độ trắng thấp nhất cũng là 82% ISO, còn đa phần là 92-95% ISO.
Tập vở trắng tràn ngập thị trường
Có cậu con trai năm nay vào lớp 5 đã phải đeo cặp kính cận to đùng, giờ lại nghe thông tin tập trắng quá sẽ hại mắt trẻ nhiều hơn, chị Nguyễn Thu Hương (Q.3, TP.HCM) rất lo lắng. Cả ngày chủ nhật chị đã đi nhiều nhà sách để tìm loại tập có giấy ít trắng cho con. Tuy nhiên, chị vẫn không thể tìm được loại tập ưng ý theo như khuyên dùng của các nhà khoa học. “Không có quyển tập nào mà độ trắng ít cả. Loại nào cũng ghi độ trắng của giấy là 92-95% ISO. Số còn lại cũng không có thông tin chỉ số độ trắng. Có lẽ là phải nhắm mắt mà chọn cho con để có tập học thôi” – chị Hương cho biết.
Khảo sát tại nhiều nhà sách, siêu thị, nhận thấy các loại tập đều có độ trắng toát như nhau, chỉ khác nhau về số trang, mẫu mã bìa, cách kẻ ô li, độ trơn bóng của giấy. Tập có độ trắng 82% ISO cũng rất hiếm. Một nhân viên nhà sách Nguyễn Văn Cừ (Q.4) cho hay, cả tuần nay rất nhiều bậc phụ huynh đến hỏi mua loại tập ít trắng, thậm chí có người còn nói, tập ngà ngà trắng, vàng vàng cũng được. Nhưng mà làm gì có những loại tập như thế. Đến ngay cả tập của Thành Nghĩa sản xuất thì độ trắng cũng đã là 92% ISO.
Giống như Thành Nghĩa, tập vở của hệ thống Fahasa sản xuất cũng ở độ trắng tương đương nhau, không có loại nào chỉ số độ trắng là 73-75% ISO.
Tức là, trong thời điểm hiện tại, người tiêu dùng chỉ có thể lựa chọn về mẫu mã, số trang, kiểu dáng tập chứ chưa thể lựa chọn về độ trắng của giấy. Điều này xuất phát từ chính tâm lý của người tiêu dùng từ rất lâu cho rằng, giấy ít trắng, ngà ngà là tập kém chất lượng, không tốt, còn giấy trắng tinh, càng trắng thì càng chứng tỏ chất lượng cao và luôn là lựa chọn số một.
Giảm độ trắng sách tập – việc cần làm ngay

HS sử dụng tập vở quá trắng là một trong những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh cận thị học đường. Ảnh: A.Khôi
Trước tiên, sách giáo khoa do NXB Giáo dục sản xuất sẽ đi tiên phong về cải cách độ trắng của giấy sao cho phù hợp với thị lực của HS. Ông Nguyễn Minh Khang, Phó giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, khi kết quả nghiên cứu cho thấy độ trắng 82-85% ISO của giấy mà trước nay NXB dùng để in sách vẫn gây lóa mắt, khó nhìn cho HS, NXB đã đặt Công ty Giấy Bãi Bằng và Công ty Giấy Tân Mai chỉnh sửa độ trắng thành 73-75% ISO cho giấy dùng in sách.
Qua khảo sát tại các nhà sách thì đều dễ dàng nhận thấy rằng, nếu như việc tìm kiếm tập viết có độ trắng của giấy thấp là rất khó thì ngược lại, người tiêu dùng lại không mấy khó khăn để tìm được một cuốn sách in có giấy tối màu (độ trắng ít). Tuy nhiên, hiện tại thì phần lớn các loại sách này đều chưa phải là sách giáo khoa hay tham khảo dành cho HS, mà chủ yếu là các loại sách truyện, sách nghiên cứu.
NXB Trẻ, NXB Văn học, NXB Thanh niên, NXB Văn hóa thông tin… là những đơn vị có nhiều lượng đầu sách sử dụng giấy có độ trắng thấp để in. Sách rất nhẹ và giấy màu ngà ngà vàng. Thậm chí, việc làm này đã được các NXB đi tiên phong từ vài năm về trước. Nhưng phần nhiều mới chỉ áp dụng cho các loại sách văn học, nghệ thuật khi độc giả dường như chỉ chú ý đến nội dung sách, dễ dãi hơn một chút nên có thể chấp nhận sách được in bằng giấy tối màu.
Thầy Lê Thái Minh Hầu – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Q.5) cho biết, nếu nghiên cứu cho thấy rằng giấy quá trắng ảnh hưởng đến mắt của HS thì nhà trường cũng sẽ thay đổi, phối hợp với phụ huynh để chọn tập cho phù hợp với trẻ.
Còn đại diện Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (Q.4) – thầy Đặng Văn An, Hiệu trưởng nhà trường thì chia sẻ, ngày càng có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới thị lực của trẻ. Việc nghiên cứu của NXB Giáo dục chỉ ra rằng giấy quá trắng có khả năng làm trẻ cận thị thì nhà trường cũng sẽ xem xét. Điều gì tốt cho HS thì sẽ làm.
Dù nghiên cứu đã chỉ ra độ trắng của giấy phải phù hợp với thị lực. Nhưng thực tế vì trong một thời gian quá dài giấy ít trắng đã bị người tiêu dùng “hắt hủi” nên trước hết ít nhất là trong năm học này, HS vẫn phải “sống chung” với giấy trắng tinh. Vì thế, các em cần chú ý bảo vệ nhiều hơn đến “cửa sổ tâm hồn” của mình.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Phòng chống cận thị học đường ngay từ trang giấy
Theo thông tin được đưa ra trong nghiên cứu về ảnh hưởng độ sáng của giấy đối với thị lực của trẻ, TS. Nguyễn Đăng Quang – nguyên Phó tổng giám đốc NXB Giáo dục, người chủ trì nghiên cứu khẳng định, giấy quá trắng chính là một trong những nguyên nhân gây cận thị ở trẻ. Trên thế giới, Nhật Bản và Nga là hai trong các nước đã tiên phong thay đổi độ trắng của giấy. Họ chỉ sử dụng loại giấy ngà ngà vàng, độ trắng thấp, từ 73-75% ISO. TS. Quang chia sẻ, nghiên cứu chỉ giúp mang đến loại giấy thân thiện với mắt trẻ, thứ mà trẻ luôn phải dán vào mỗi ngày. Nên cần phải phòng chống cận thị cho trẻ ngay từ trang giấy.
Nhãn tập học sinh Campus số 1 của Nhật khi vào thị trường Việt Nam cũng đã phải thay đổi gu để thích ứng với thói quen tiêu dùng của phụ huynh. Bìa thứ 4 của cuốn tập có dòng chữ: “Sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam”, giấy trắng tinh.
BS. Phan Hồng Mai – Phó khoa Khúc xạ Bệnh viện Mắt TP.HCM cho biết tỷ lệ HS cận thị ngày càng tăng do rất nhiều nguyên nhân như trẻ tiếp xúc quá nhiều với ti vi, máy vi tính, điện thoại, sách vở, ngồi học không đúng tư thế, thiếu ánh sáng. Đặc biệt là tiếp xúc nhiều với sách vở trong thời gian quá dài trong một ngày mà không cho mắt nghỉ ngơi sẽ khiến lóa mắt, mỏi mắt, lâu dần cũng sẽ khiến mắt không khỏe. Vì vậy, nghiên cứu để chỉ ra độ sáng của giấy ảnh hưởng đến cận thị ở trẻ mà điều chỉnh hợp lý là rất cần thiết.
Khi trẻ có những biểu hiện dễ nhận thấy như khó nhìn những vật ở xa, phải nheo mắt lại nhìn cho rõ, đọc sách, xem ti vi phải ngồi rất gần, nhức mỏi mắt, phụ huynh cần đưa trẻ đến BS chuyên khoa về mắt để khám và chỉnh tật khúc xạ.
Y.HOA
 
 

Bình luận (0)