Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tất bật tìm chỗ gửi trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ cần được vui chơiMặc dù còn hai tháng nữa mới bước vào năm học mới nhưng những ngày gần đây các bậc phụ huynh có con đến tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo đang phải tất bật tìm chỗ gửi con. Mấy năm nay số trường mầm non (MN) công lập không tăng, thậm chí ở một số quận còn lấy bớt các điểm lẻ khiến cho áp lực tìm chỗ gửi con càng đè nặng lên vai các bậc phụ huynh…

Trường học: không dám nhận nhiều

Năm học 2008-2009, Trường MN Bến Thành, Q.1 nhận tổng cộng 135 trẻ, trong đó có 5 trẻ từ 12 – 18 tháng tuổi, 10 trẻ từ 19 – 24 tháng tuổi, 80 trẻ từ 25 – 36 tháng tuổi và 40 trẻ lớp mầm (3 – 4 tuổi). Riêng khối lớp chồi và lớp lá thì không dám nhận thêm bất kỳ trẻ nào vì trẻ từ lớp dưới lên đã quá nhiều. Bà Tôn Nữ Thị Kim Anh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chỉ tiêu của trường chỉ có 800 trẻ nhưng năm nào cũng vượt lên 900 – 950 trẻ. Dù vậy vẫn không thể đáp ứng được hết nhu cầu của phụ huynh. Trung bình mỗi năm trường nhận khoảng 100 – 130 trẻ nhưng số đơn xin học lên tới 450 – 500 đơn. Vì vậy mà có phụ huynh khi đã xin cho con được học nhưng đi học 2 – 3 ngày thấy con khóc nhiều nên cho nghỉ ở nhà. Ở nhà nhưng sợ mất chỗ học nên đã tự nguyện đóng học phí cả năm mà không đi học để giữ chỗ cho năm sau…”.

Năm học này Trường MN Thành phố nhận 180 trẻ, tuy nhiên số hồ sơ xin học cao gấp 2 – 3 lần. Tuy trường không bị bó buộc trong việc phân tuyến nhưng do bị hạn chế về chỉ tiêu nên chỉ dám nhận những trẻ có hộ khẩu thường trú tại các quận gần khu vực trường như Q.1, Q.3, hoặc có cha mẹ làm việc ở Q.1, Q.3… “Còn những trẻ không thuộc các diện trên thì nhà trường đành phải khuyên phụ huynh đưa về gửi tại các trường ở địa phương”, bà Thúy Quỳnh – Hiệu trưởng nhà trường tâm tư.

Là trường MN của quận nên Trường MN Quận, Q.Tân Bình không bị hạn chế về việc phân tuyến. Song, trường chỉ có thể nhận 60% trẻ ở P.4, 40% còn lại dành cho những phường lân cận như P.12, P.1, P.2. Năm nay trường được giao chỉ tiêu nhận 100 trẻ sinh năm 2006, “Ngày 4-8, chúng tôi sẽ phát hành đơn xin học. Và chỉ bán cho những phụ huynh có đủ điều kiện chứ không dám phát hành rộng rãi vì trường không thể nhận nhiều trẻ”, bà Trần Thị Kim Thoa – Hiệu trưởng nhà trường khẳng định.

Gò Vấp hiện có tới 3 phường “trắng” trường MN nên các trường trên địa bàn các phường khác luôn bị áp lực quá tải. Tuy vậy, năm học 2008-2009 dù có tới gần 200 trẻ 6 tuổi ra lớp 1 nhưng Trường MN 4A chỉ nhận vào 20 trẻ nhóm nhà trẻ. Bà Trần Thị Bảy, Hiệu trưởng nhà trường lý giải: “Năm học 2007-2008, trường có tới 1.000 trẻ, trong đó có 17 lớp mẫu giáo, nhiều lớp sĩ số lên đến 55 – 60 cháu. Do đó, năm học này trường không thể nhận thêm mà phải dành chỗ để giảm sĩ số cháu/lớp xuống”…

Phụ huynh: Trường nào bán đơn cũng mua!

Theo như thông báo của Trường MN Bến Thành, Q.1 thì tiêu chuẩn để được học ở đây trước tiên là trẻ phải có hộ khẩu ở P. Bến Thành, cha mẹ là CB – CNV. Tiếp theo là có hộ khẩu Q.1, cha hoặc mẹ công tác tại cơ quan đóng trên địa bàn P.Bến Thành. Sau khi nhận hết hai đối tượng ưu tiên này, nếu còn chỗ thì mới xét đến những đối tượng khác. Đã đọc đi đọc lại thông báo này cả chục lần, biết rằng con mình không thuộc diện ưu tiên nhưng chị Minh Hằng (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) vẫn nhất quyết nộp  đơn xin học cho con. Ngay sáng 1-7, từ lúc Trường MN Bến Thành chưa mở cổng, chị và hàng trăm phụ huynh đã đứng ở ngoài chờ mua đơn. Do nhà trường không khống chế số lượng đơn phát ra nên chị cũng mua được đơn. “Năm nay trường chỉ nhận 40 cháu lớp mầm nên con tôi rất khó có khả năng vào được trường. Nhưng vẫn cứ nộp đơn, biết đâu lại còn chỗ. Vài ngày nữa Trường MN 20-10 (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1) sẽ phát đơn xin đăng ký học, tôi cũng sẽ qua bên đó mua. Dù thế nào thì năm nay cũng phải cho thằng bé đi học MN. Năm ngoái không xin được trường nào nên phải gửi trường tư, học phí vừa cao mà chất lượng lại không đảm bảo”, chị Hằng tâm sự.

Mặc dù Q.3 có tới 22 trường MN công lập và công lập tự chủ tài chính nhưng P.12 lại không có trường nên trẻ em trong phường phải đi học nhờ các phường khác. Biết thân phận học nhờ, may mắn thì có chỗ học, nếu không thì ở nhà nên chị Thanh (P.12, Q.3) đã phải “đẩy” tới 5 cái đơn xin đăng ký học cho con tại các trường MN Tuổi thơ 7, MN 11, MN 13, MN 4A và MN Thành phố. “Rớt trường này hy vọng sẽ được trường khác. Năm ngoái ỷ i nên chỉ xin ở Trường MN 11, trường ưu tiên nhận trẻ trong P. 11, con mình ở P. 12 nên bị loại…”, chị Thanh kể lại.

Ba năm nay vợ chồng anh Nam (P. Phú Thạnh, Q.Tân Phú) phải gửi con ở Trường MN tư thục Hoa Mai vì P.Phú Thạnh cùng 2 phường Tân Sơn Nhì và Hòa Thạnh trong quận vẫn chưa có trường MN công lập. Năm nay bé Trang vào lớp lá, sang năm sẽ ra lớp 1 nên anh chị rất muốn gửi con học tại trường công lập. Gần một tháng nay, hai vợ chồng anh Nam thay phiên nhau “chầu chực” ở 9 trường MN công lập trong quận để tìm hiểu thông tin tuyển sinh. “Trường nào bán đơn xin đăng ký học chúng tôi cũng mua rồi nộp, may nhờ rủi chịu. Cho con học ở trường tư thục, chúng tôi không an tâm chút nào”, anh Nam tâm sự.

Thành phố hiện có 385 trường MN công lập với khoảng 160.000 chỗ học cho trẻ từ 12 tháng đến 6 tuổi. Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục MN thì: “Các trường công lập chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu gửi con của phụ huynh”. “Cung” thì nhiều mà “cầu” chỉ có giới hạn nên mới nảy sinh tình trạng cứ đến hè là phụ huynh phải chạy đôn chạy đáo tìm chỗ gửi con…

Tính đến thời điểm này, toàn thành phố vẫn còn 14 phường “trắng” trường MN công lập. Dù rằng, UBND TP đã phê duyệt việc xây dựng trường ở những phường này, tuy nhiên đã nhiều tháng trôi qua nhưng mọi việc vẫn nằm trên giấy. Và ngày nào các trường MN vẫn còn nằm trên giấy thì ngày đó vẫn còn hàng ngàn trẻ đến tuổi đi học nhưng phải ở nhà hoặc học tại các trường tư thục không đảm bảo chất lượng…

Bài & ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)