Những ngày này, nước bắt đầu rút, thầy trò các trường trên địa bàn hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh đang tất bật trở lại trường, tiến hành lau dọn bùn để việc dạy và học được trở lại sớm nhất có thể.
HS và GV trở lại trường sau lũ với ngổn ngang bùn đất |
Nước rút đến đâu dọn đến đó
Trong hai ngày 17 và 18-10, giáo viên (GV) và học sinh (HS) các trường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh đang dốc hết sức để dọn dẹp trường học.
Tại Quảng Bình, ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, đã có khoảng hơn 50% HS trở lại trường. Tuy nhiên, do mực nước ngập sâu mang theo lượng bùn rất lớn vào trường nên HS đến trường chủ yếu dọn dẹp trường lớp, với phương châm nước rút đến đâu thì dọn dẹp đến đó. Hiện vẫn còn hai điểm trường tiểu học đang bị cô lập thuộc xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa). Các trường vùng sâu, dọc sông Gianh ngập rất sâu, lũ xảy ra đột ngột nên trang thiết bị dạy học, đặc biệt là đồ dùng học tập của trẻ mầm non thiệt hại nhiều. Trong 2 ngày này chỉ có một số ít trường tổ chức dạy học. Riêng các trường THPT, sở chủ động cho GV và HS nghỉ để hỗ trợ cho các trường tiểu học, mầm non, THCS dọn dẹp. “Sự chậm trễ do lũ sẽ được tổ chức dạy học bù”, ông Nhân khẳng định.
Ông Trần Đình Ngôn, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, Quảng Trị cho biết: “Cơn lũ làm toàn bộ 15 phòng học của trường chìm trong biển nước, tất cả bàn ghế, đồ dùng học tập… ngập trong bùn. Nhà trường huy động tất cả cán bộ, GV cùng với sự giúp sức của các cán bộ chiến sĩ để dọn dẹp. Tuy nhiên công việc rất nặng nề vì bùn đóng lớp dày đến vài tấc. Hai ngày qua chúng tôi dốc hết sức dọn dẹp bùn đất nhưng vẫn chưa hết. Phải mất thêm ít nhất một ngày nữa, việc dạy học mới bắt đầu trở lại được”.
Tại Hà Tĩnh, lãnh đạo ngành GD-ĐT tỉnh này cho biết: Hiện có khoảng 80% HS đã trở lại trường và cùng với các thầy, cô giáo với sự giúp sức từ các lực lượng như dân quân tự vệ, công an, quân đội, Đoàn Thanh niên để tiến hành dọn dẹp, vệ sinh trường lớp. Ở một số trường có địa hình cao, việc dọn dẹp được tiến hành từ ngày 17-10 nên 18-10 đã bắt đầu vào học trở lại.
Thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn cho biết: “Ngay từ sáng 17-10, nhà trường huy động GV cùng các lực lượng tình nguyện tổ chức dọn dẹp phòng học. Hiện sân trường vẫn chưa rút hết nước, một số tuyến đường làng cũng đang bị chia cắt nên hôm nay (ngày 18-10), nhà trường vẫn chưa thể tiếp tục việc dạy và học”.
Cô Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Đô (Hương Khê) buồn bã: Trường bị ngập sâu đến 3m nên hầu hết các trang thiết bị đồ dùng dạy học bị hư hỏng. Nhà trường cùng hơn 100 phụ huynh, thanh niên tình nguyện và bộ đội biên phòng đã tích cực dọn dẹp nhưng cuối buổi chiều 17-10 nước lại tràn vào trường ngập khoảng 40cm nên hiện tại tình hình cũng chưa được cải thiện.
Tại huyện Hương Khê, một số trường như THPT Hàm Nghi, Tiểu Học Phương Mỹ thuộc huyện Hương Khê vẫn đang bị chia cắt.
Thiệt hại hàng trăm tỷ đồng
Trường Tiểu học Phương Mỹ (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) vẫn chưa hoàn toàn rút hết nước |
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Bình, thiệt hại về giáo dục như sau: Trường Mầm non Võ Ninh (huyện Quảng Ninh) bị lốc xoáy làm tốc mái thiệt hại 30%; huyện Bố Trạch có 20m tường rào Trường THCS Liên Trạch bị sập, 85 phòng học bị ngập nước; TX.Ba Đồn có 250 phòng học bị hư hại một phần; huyện Minh Hóa có 10 trường ngập lụt. Trong đó ngập sâu nhất là Trường Mầm non Tân Hóa (sâu hơn 4m). Điều đau lòng nhất là trong đợt lũ vừa qua, có đến 3 trường hợp tử vong vì đuối nước là các em đang trong độ tuổi đến trường.
Ông Đinh Quý Nhân cho biết thêm, tổng ước tính thiệt hại bước đầu cho ngành giáo dục Quảng Bình là khoảng 200 tỷ đồng.
Còn tại Hà Tĩnh, dù chưa có số liệu thống kê mức độ thiệt hại của các nhà trường nhưng con số đó cũng không hề nhỏ. Thiệt hại nhiều nhất là ở các trường mầm non. Đơn cử như ở huyện Hương Khê, trong số 47 điểm trường tại 23 trường mầm non thì mới chỉ có 8 dãy nhà cao tầng. Khi mực nước dâng cao, việc bảo quản đồ dùng dạy học, bếp ăn, đồ chơi trong các phòng học ở tầng trệt là bất khả kháng. Riêng Trường Mầm non Hương Đô, thiệt hại ước tính đã lên đến hơn 260 triệu đồng.
Hiện ngành giáo dục hai tỉnh này cùng các lực lượng chức năng đang tất bật dọn dẹp với tinh thần nước rút đến đâu vệ sinh đến đó để giúp HS sớm được trở lại trường, ổn định tinh thần học tập. Đồng thời chuẩn bị cả tâm thế phòng tránh cơn bão số 7 đe dọa gây mưa lớn ngập trở lại.
Vĩnh Yên – Thùy Uyên
Bình luận (0)