Sỏi thận là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy thận, chạy thận gây tổn hại lớn về sức khỏe và kinh tế cho người bệnh. Do đó, phát hiện sớm và điều trị khỏi hoàn toàn sỏi thận là điều đáng được quan tâm.
Tìm hiểu về sỏi thận
1. Sỏi thận là gì?
Sỏi thận là hiện tượng các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi. Những viên sỏi nhỏ có thể theo nước tiểu ra ngoài, còn những viên sỏi lớn sẽ tích tụ lại trong thận, ngày càng lớn hơn và gây tắc nghẽn đường tiết niệu, làm cho chức năng thận suy giảm, nhất là khi có sự kết hợp của viêm nhiễm sẽ dễ gây ra suy thận.
Sỏi thận là bệnh thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ, tuổi thường gặp là 30 – 50 tuổi, ít gặp ở trẻ em.
2. Triệu chứng nghi ngờ bị sỏi thận
Sỏi thận là hiện tượng chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi. Sỏi được tạo ra do nhiều nguyên nhân như: uống ít nước, ăn uống nhiều canxi, rối loạn chuyển hóa.
– Một trong những dấu hiệu sớm và thường gặp nhất ở những người bị sỏi thận là đi tiểu nhiều và buốt, dù lượng nước bạn uống vào không thay đổi. Việc đi tiểu buốt là do các viên sỏi đã xuống đến phần dưới của đường tiểu (niệu quản, bàng quang).
– Bệnh nhân thường đau ở mạn sườn và thắt lưng, nhất là nơi có sỏi. Một số trường hợp, các cơn đau có thể di chuyển từ vùng bụng dưới xuống đùi. Người bệnh có thể sẽ trải qua những cơn đau lúc nhẹ, lúc nhói, thậm chí là đau dữ dội (cơn đau quặn thận). Đàn ông bị sỏi thận còn có thể đau ở bìu và tinh hoàn.
– Khi sỏi phát triển thành những viên to, bệnh nhân khó có thể vận động, ngồi hay nằm ở một tư thế nhất định trong thời gian dài. Áp lực lên các khu vực bị ảnh hưởng bởi sỏi cọ xát vào cơ quan nội tạng, làm bệnh nhân đau hơn.
– Ngoài ra, khi bị bệnh này, có trường hợp nước tiểu của bạn sẽ thay đổi màu sắc sang trắng đục, đỏ, có mủ hoặc máu và có mùi hôi, hăng do sỏi cọ xát làm tổn thương niêm mạc niệu đạo.
– Buồn nôn và nôn cũng là hiện tượng thường gặp ở người bị sỏi thận. Bệnh dễ khiến bạn bị nhiễm trùng đường tiết niệu gây nên tình trạng sốt và gai người.
Sỏi thận là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy thận.
3. Nguyên nhân gây sỏi thận
Sỏi được hình thành trong thận có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng có thể do một số nguyên nhân chính sau:
– Sỏi thận do lắng đọng các chất khoáng: do bạn uống không đủ nước (đặc biệt là đối với những người lao động nặng), hay nhịn tiểu; do dị dạng đường niệu hoặc do các bệnh lí làm tắc đường dẫn niệu lâu ngày dẫn đến hình thành sỏi. Những bệnh nhân bị u xơ tiền liệt tuyến, u xơ đội lên trong lòng bàng quang khiến nước tiểu đọng lại ở khe kẽ.
– Chế độ ăn uống không hợp lý (chỉ ăn thiên lệch một loại thực phẩm, ăn quá nhiều thịt hoặc rau, ăn mặn, chế độ ăn quá giàu canxi…) hoặc những bệnh nhân bị chấn thương nặng, phải nằm một chỗ, uống nhiều sữa, ít nước.
– Nhiễm trùng đường sinh dục: Nguyên nhân này thường gặp nhiều ở nữ giới, do đường tiết niệu ngắn hơn nam giới và khi cơ quan sinh dục không được vệ sinh sạch sẽ, nên vi trùng dễ có cơ hội xâm nhập gây viêm đường tiết niệu, tạo mủ và lắng đọng các chất bài tiết của cơ thể, gây nên sỏi.
– Có dị vật trong bàng quang (hiếm gặp): Những dị vật (lá cây, cỏ, rơm, hoặc do thông tiểu bị tụt ống thông vào trong bàng quang) vì những lí do khác nhau mà tồn tại ở bang quang, làm lắng đọng các chất khoáng tạo thành sỏi.
4. Các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển sỏi thận
– Gia đình hoặc bản thân có tiền sử mắc bệnh: Nếu ai đó trong gia đình bạn bị sỏi thận, bạn cũng có khả năng bị sỏi. Và nếu bạn đã bị một hoặc nhiều sỏi thận, bạn có nguy cơ mắc bệnh lại.
– Không uống đủ nước: Không uống đủ nước mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận. Những người sống ở vùng khí hậu ấm áp và những người đổ mồ hôi nhiều có thể có nguy cơ cao hơn những người khác.
– Một số chế độ ăn kiêng: Ăn một chế độ ăn giàu protein, natri (muối) và đường có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại sỏi thận. Điều này đặc biệt đúng với chế độ ăn nhiều natri. Quá nhiều muối trong chế độ ăn uống của bạn làm tăng lượng canxi mà thận của bạn phải lọc và làm tăng đáng kể nguy cơ sỏi thận.
Uống không đủ nước, chế độ ăn nhiều natri có thể dẫn tới sỏi thận.
– Bị béo phì: Chỉ số khối cơ thể cao (BMI), kích thước vòng eo lớn và tăng cân có liên quan đến việc tăng nguy cơ sỏi thận.
– Bệnh tiêu hóa và phẫu thuật: Phẫu thuật cắt dạ dày, bệnh viêm ruột hoặc tiêu chảy mãn tính có thể gây ra những thay đổi trong quá trình tiêu hóa ảnh hưởng đến sự hấp thụ canxi và nước của bạn, làm tăng mức độ của các chất tạo đá trong nước tiểu của bạn.
– Điều kiện y tế khác: Các bệnh và tình trạng có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận bao gồm nhiễm toan ở ống thận, cystin niệu, cường cận giáp, một số loại thuốc và một số bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu.
5. Phòng bệnh sỏi thận
– Uống nhiều nước: Đây là lời khuyên đầu tiên các bác sĩ dành cho bạn. Uống đủ nước sẽ không chỉ làm máu lưu thông tốt hơn, hòa tan các chất mà còn làm nhiệt độ cơ thể được điều hòa tốt, giúp thải trừ các chất cặn bã để ngăn ngừa bệnh tật.
– Hạn chế ăn mặn và giảm lượng canxi: đây là hai yếu tố cần hạn chế trong thực đơn của bạn vì chúng liên quan chặt chẽ đến hình thành sỏi thận.
– Chế độ dinh dưỡng khoa học: giúp cung cấp các yếu tố dinh dưỡng hài hòa, không thiên lệch về bất cứ yếu tố nào.
– Tăng cường uống nước chanh: axit citric có trong quả chanh giúp ngăn chặn các khoáng chất và những thành tố khác của nước tiểu dính vào nhau và hình thành sỏi thận.
– Hạn chế thực phẩm chứa nhiều oxalat: Oxalat là loại axit có thể dẫn đến sự hình thành sỏi thận oxalat canxi. Nếu đã bị sỏi thận, bạn có thể sẽ cắt giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn oxalat khỏi thực đơn của mình. Các thực phẩm giàu oxalat bạn cần lưu ý bao gồm chocolate, rau lang, nước trà, củ cải đường, đậu phộng, hoa quả bóc vỏ.
– Không lạm dụng vitamin C: TS Dương Văn Trung, trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Bưu Điện, Hà Nội cho hay bổ sung vitamin C hàng ngày, suốt thời gian dài có thể dẫn đến thừa chất này, làm tăng hấp thu canxi từ ruột, canxi trong máu cao gây sỏi thận. Bổ sung vitamin C từ thức ăn là tốt nhất, chúng có nhiều trong rau quả tươi. Người dân nên ăn lượng đầy đủ theo khuyến cáo, không cần uống bổ sung thêm.
– Không uống nhiều rượu: Rượu có đặc tính lợi tiểu khiến bạn đi tiểu nhiều hơn. Điều này dẫn đến mất nước, đặc biệt là khi bạn uống quá nhiều rượu. Rượu cũng ảnh hưởng đến khả năng giữ cân bằng nước và chất điện giải trong thận. Điều này dẫn đến suy giảm chức năng của thận và làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
Bệnh nhân thường đau ở mạn sườn và thắt lưng, nhất là nơi có sỏi.
6. Các phương pháp điều trị sỏi thận
Những năm gần đây, nhờ sự phát triển của ngành y – dược, điều trị sỏi thận, sỏi tiết niệu đã có những tiến bộ lớn. Thay vì phải phẫu thuật, bệnh nhân có thể sử dụng các phương pháp điều trị nội khoa, ngoại khoa hay kết hợp thuốc Tây và Đông y cùng các liệu pháp ăn uống, luyện tập.
Việc quyết định lựa chọn phương pháp điều trị bệnh sỏi thận dựa vào các tiêu chí như: vị trí sỏi, kích thước, mật độ của sỏi và chức năng của thận…
– Điều trị ngoại khoa: với những sỏi có kích thước lớn hoặc đã có biến chứng thì thường được chỉ định áp dụng các biện pháp tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da, phẫu thuật lấy sỏi… Trong đó, tán sỏi ngoài cơ thể sẽ được thực hiện bằng tia laser hoặc sóng xung kích để phá bề mặt và đập vụn sỏi giúp cơ thể đào thải ra ngoài theo đường nước tiểu. Bệnh nhân hầu như không đau đớn, phương pháp này áp dụng với bệnh nhân có sỏi dưới 3cm.
– Tán sỏi ngược dòng: bác sĩ sẽ dùng ống soi niệu quản đi từ niệu đạo, lên bàng quang và lên niệu quản tiếp cận trực tiếp viên sỏi, dùng nguồn năng lượng bằng laser hoặc khí nén để phá vụn sỏi, bơm rửa lấy hết sỏi.
– Lấy sỏi thận qua da: tạo đường hầm vào thận và đưa ống nội soi đường kính 10-15mm vào tiếp cận sỏi. Phá vỡ sỏi bằng laser, khí nén hoặc siêu âm phá vỡ sỏi và lấy sỏi ra ngoài.
– Phẫu thuật nội soi lấy sỏi: chỉ định cho những sỏi bể thận, sỏi 1/3 trên niệu quản. Những sỏi lớn, mật độ chắc, khó tán.
– Phẫu thuật mổ mở: hiện nay, hiếm khi bệnh nhân được chỉ định do nhiều tai biến, thời gian hồi phục lâu. Phương pháp này chỉ áp dụng cho những sỏi thận, niệu quản kích thước lớn, chức năng thận kém.
– Phẫu thuật bằng robot: thực hiện ở những nước phát triển, chỉ định cho những sỏi thận lớn, rút ngắn thời gian nằm viện (2-3 ngày) nhưng chi phí rất cao.
– Điều trị nội khoa: bệnh nhân chỉ được chỉ định phẫu thuật khi có cơn đau cấp tính hoặc tiểu khó, thậm chí bí tiểu do viên sỏi làm tắt nghẽn đường niệu. Còn với những trường hợp sỏi nhỏ hoặc chưa có biến chứng thì dùng các thuốc uống giúp tan sỏi sẽ thích hợp hơn bởi tính an toàn, tiện dụng và thích hợp với những người thể trạng yếu hoặc sợ phẫu thuật.
Các thực phẩm cần hạn chế khi bị sỏi thận
– Chất đạm: Theo các bác sĩ, việc ăn nhiều protein và bệnh sỏi thận có mối liên hệ mật thiết do làm gia tăng lượng axit, canxi và phốt pho trong nước tiểu. Vì thế, người bị sỏi thận chỉ nên ăn hạn chế mỗi ngày khoảng 200g protein.
– Muối: Một ngày, người bệnh chỉ được ăn tối đa 3g muối. Bạn nên ăn càng nhạt càng tốt. Hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp vì chúng chứa rất nhiều muối.
– Đường, thức ăn nhiều dầu mỡ.
– Hạn chế đồ uống có ga, nước ngọt, trà, cà phê, bia, rượu…
– Bạn không nên tự ý bổ sung các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng mà chưa có ý kiến của bác sĩ.
– Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định hiệu quả điều trị bệnh sỏi thận. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt những lưu ý về dinh dưỡng để trị dứt điểm bệnh, tránh để sỏi thận kéo dài, tái đi tái lại gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày.
NT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)