Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tất cả vì cái chữ của con

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Anh Tân cùng cô con gái útĐã 11 năm trôi qua kể từ khi ly hôn, anh luôn cặm cụi  với những bó lá xông để có tiền cho các con ăn học. Bà con lối xóm ai ai cũng nể phục anh Nguyễn Văn Tân, nhà ở Hiệp Bình Phước (Thủ Đức) vì  tấm lòng của anh đối với các con…

Khốn khó vây quanh

Theo chỉ dẫn của người dân, tôi đến nhà anh vào một buổi trưa cuối tháng. Trong căn nhà cấp bốn tuyềnh toàng, anh Tân đang “đánh vật” với chiếc xe đạp cà tàng. Cô con gái út của anh đang loay hoay với cái bếp dầu và bó rau muống, chuẩn bị bữa cơm trưa. Chỉ tay vào chiếc xe đạp, anh cười rồi nói như thanh minh: “Tranh thủ lúc nghỉ trưa, siết lại cái tay lái để chiều đi chợ cho yên tâm”. Xuất thân trong một gia đình thuần nông, nhà nghèo lại đông anh em, sự khổ cực đã không còn xa lạ gì với anh. Lấy người vợ cũng đồng cảnh nông gia, lại chịu thương chịu khó, những tưởng vợ chồng sẽ được yên ổn để cùng nhau chăm sóc các con, ai ngờ hạnh phúc đã không mỉm cười với gia đình anh… Cho đến bây giờ, anh vẫn còn nhớ như in cái ngày vợ chồng anh ra tòa ly hôn khi đứa con út mới tròn 1 tuổi. Những ngày đầu vừa làm cha, vừa làm mẹ, anh không biết phải xoay xở thế nào khi mỗi đêm cô con gái út lại khóc thét vì nhớ mẹ. Hai cô con gái đầu đang  ở độ tuổi ăn, tuổi học trong khi anh lại không một “mảnh đất cắm dùi”, không nghề nghiệp. Gần 50 tuổi, những nếp nhăn đã bắt đầu xuất hiện trên gương mặt anh. Thương con, anh đành từ bỏ mọi thú vui đời thường, không còn những buổi sáng nhâm nhi cà phê, chén trà với hàng xóm. Anh lao vào công việc, chăm sóc cho con để bù đắp sự thiếu thốn về tình cảm của người mẹ. Ngày ngày rong ruổi khắp cánh đồng, bờ cây lùm cỏ để hái lá xông, về bó lại rồi chiều đạp xe lên chợ Gò Muối (Q.4) để bán. 30 ngàn đồng một buổi chợ là nguồn thu nhập duy nhất, không thể đủ chi phí tiền điện, nước, thức ăn, rồi tiền sách vở, tiền trường cho con, anh lại thu xếp thời giờ để đi làm thuê. Anh tranh thủ làm bất cứ việc gì miễn là có người gọi. Gánh nặng gia đình ngày một đè nặng lên vai anh, nhất là khi đứa con gái út đã chập chững bước vào trường học, cái ăn, cái  mặc cùng những nhu cầu tối thiểu cứ thế tăng lên. Anh tâm sự: “Lúc đó quả thật rất khó khăn, nhiều lúc tôi muốn buông xuôi tất cả nhưng nghĩ đến các con thì lại tiếp tục gượng dậy mà sống”. Nhiều lúc buồn tủi, nước mắt cứ lăn dài trên hai gò má nhưng anh cố giấu, không để cho các con thấy. Cái nghèo cứ mãi bám riết lấy bố con anh dù anh vừa đi làm thuê vừa hái lá xông để bán.

Niềm hạnh phúc của người cha

Cuộc sống nghèo khó là thế, nhưng với quyết tâm “không để con lặp lại nghề của ba”, anh Tân ra sức lao động, “vay nơi này, đắp nơi kia” để có tiền cho con đến trường. Anh luôn động viên con “cố bám lấy cái chữ” mà sống. Anh quan niệm: “Nghèo về kiến thức thì không thể làm được gì. Có cái chữ, các con tôi mới khỏi nghèo khó như ba mẹ chúng”. Đó cũng là phương châm để anh dạy dỗ động viên con, đồng thời tự nâng cao kiến thức cho mình. Ngày làm, tối đến anh lại ngồi vào bàn cùng con với tờ báo, cuốn tập, trao đổi với con về bài vở mặc dù kiến thức của anh rất hạn chế.  Không bao giờ to tiếng với con, không để con thấy được sự vất vả, lo lắng của mình, anh đã tạo cho các con một đời sống tinh thần vui vẻ, lạc quan. Chính điều này đã giúp gia đình anh vượt qua bao nhiêu khó khăn trong đời sống thường nhật. Chỉ tay lên những tấm giấy khen của các con được treo ngay ngắn trên tường, anh Tân khoe: “Đó chính là động lực, là niềm vui của tôi trong cuộc sống hiện tại và tương lai”. “Trời không phụ lòng người”, quanh năm suốt tháng cực nhọc, lam lũ, đời sống kinh tế của gia đình anh cũng dần được cải thiện. Nhưng niềm vui lớn nhất là ba cô con gái của anh không phụ lòng tin của ba. Cô con gái đầu Nguyễn Thị Như Mây hiện là SV năm 3, ngành Kinh tế. Con gái thứ hai Nguyễn Thị Hồng Loan 11 năm liền đều đạt HS giỏi. Còn cô con gái út Nguyễn Ngọc Trâm Anh cũng không thua hai chị khi 7 năm liền là học sinh giỏi, liên tục đạt danh hiệu “con ngoan trò giỏi” cấp quận.

Ngày qua ngày, sau những giờ phút miệt mài lao động, tối về anh Tân lại cùng con bên trang sách. Thời gian trôi đi một cách nặng nề khi cuộc sống còn nhiều khốn khó, nhưng lòng anh vẫn canh cánh niềm tin, niềm vui “các con mình rồi sẽ không còn cảnh thất nghiệp vì không chữ như cha mẹ chúng”.

Thanh Hải

Bình luận (0)