Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tật khúc xạ ở học sinh và cách phòng chống

Tạp Chí Giáo Dục

Tỷ lệ học sinh mắc TKX ngày càng tăng. Ảnh: H.Triều

Tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ (TKX) ngày càng tăng, đặc biệt ở các trường chuyên, lớp chọn – số học sinh bị TKX lên tới 40%. Các TKX thường gặp gồm cận thị, loạn thị và viễn thị. Hậu quả của TKX sẽ ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của các em, đặc biệt là việc học tập…
Dấu hiệu nhận biết TKX
TKX là một trong những nguyên nhân gây giảm thị lực. Do đó khi xem ti vi, nhìn lên bảng, trẻ thường chạy lại gần mới nhìn thấy được. Trẻ hay nheo mắt, dụi mắt mặc dù không buồn ngủ. Trẻ cũng hay than mỏi mắt – nhức đầu, chảy nước mắt, nhắm một mắt khi đọc hoặc khi xem ti vi… Khác với bạn bè, trẻ thường không thích các hoạt động liên quan đến thị giác gần như vẽ hình, tô màu hay tập đọc. Trẻ cũng không thích các hoạt động liên quan đến thị giác xa như chơi ném bóng. Khi đọc sách, trẻ phải dùng ngón tay để dò chữ vì thường có cảm giác nhảy chữ.
Vì vậy, khi phát hiện một trong những dấu hiệu trên, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám để kiểm tra thị lực.
Khi phát hiện trẻ bị TKX, phụ huynh phải cho trẻ đeo kính đúng độ và thường xuyên. Điều đó sẽ giúp cho thị giác của trẻ phát triển và phát triển bình thường về hoạt động trí não. Đối với loạn thị, đeo kính thường xuyên giúp mắt nhìn thấy rõ và đỡ mệt mỏi. Vì ở mắt loạn thị luôn luôn điều tiết nên gây mệt mỏi và nhức đầu, nhất là đối với các công việc nhìn gần như đọc sách.
Cách chăm sóc và bảo vệ mắt ở trường, ở nhà
Đảm bảo nơi học đủ ánh sáng: ánh sáng dùng làm việc phải có cường độ lớn gấp 3 lần cường độ ánh sáng trong phòng. Cường độ ánh sáng để làm việc gần là 200-500lux. Không nên chỉ dùng ngọn đèn để đọc sách trong phòng tối. Việc chiếu sáng được xem là tốt nhất cho việc đọc sách là chiếu sáng từ sau và từ trên xuống. Cần tránh xa sự phản xạ bề mặt, đó là các phản xạ từ mặt giấy hoặc màn hình máy tính khi chúng ta làm việc gần; kích thước và cách sắp xếp bàn, ghế, bảng viết: phải phù hợp với chiều cao của học sinh ngồi học để có thể nhìn đúng khoảng cách từ mắt đến tập, sách và không phải cúi đầu nhiều; tư thế ngồi đúng: ngồi thẳng lưng, 2 chân khép lại, 2 bàn chân để sát nền nhà, đầu hơi cúi khoảng 10-15 độ. Không cúi gằm mặt, nghiêng đầu, áp má lên bàn học, luôn để mắt xa sách một khoảng cách thích hợp là 35cm; chữ viết trên bảng và trong tập phải to, rõ nét, chiều cao tối thiểu của chữ bằng 1/200 khoảng cách từ mắt tới chữ. Khi cầm viết nên cầm cách đầu viết 2,5cm, để tập xoay nghiêng 25 độ về phía tay cầm viết. Khi đặt sách lên bàn nên để nghiêng sách một góc khoảng 20 độ.
Còn ở nhà, góc học tập phải đặt ở nơi đủ ánh sáng nhưng cũng không nên để ngoài hiên vào những ngày nắng gắt vì ánh sáng hơn 700lux cũng gây hại cho mắt. Nếu học ban đêm cần có đèn đủ ánh sáng, ngoài ánh sáng phòng ra cần một đèn bàn để phía bên đối diện với tay cầm viết. Đèn phải có chụp phản chiếu. Chiều cao bàn ghế phải phù hợp để tránh nhìn gần và cúi đầu nhiều. Tuyệt đối không được nằm, quì mà viết bài.
Không quá thức khuya đọc sách, nhất là học sinh tiểu học và những em thị lực kém. Hạn chế thời gian xem ti vi, chơi trò chơi điện tử, vi tính. Không đọc sách chuyện có chữ hoặc hình ảnh lem nhem. Cho mắt nghỉ ngơi đúng lúc là động tác tương đối đơn giản nhưng khá hữu hiệu để làm giảm căng thẳng do nhìn gần quá lâu. Trung bình mỗi 20 phút làm việc, nhìn ra xa 6 mét trong thời gian 3-5 phút. Không làm bất kỳ việc gì phải huy động thị giác quá 45 phút. Việc nghỉ định kỳ giữa mỗi 45 phút giúp đầu óc thư thái, làm giảm sự căng thẳng…
Ngoài ra, học sinh nên chơi thể thao và tham gia các hoạt động ngoài trời sau những giờ học căng thẳng để giúp mắt hết căng thẳng. Vì các hoạt động này thường đòi hỏi thị giác xa hơn là thị giác gần nên giảm đáng kể áp lực tâm lý, sự mệt mỏi của mắt.
Nên ăn đầy đủ các chất, nhất là các thực phẩm có chứa nhiều vitamin A như gan, trứng, các loại rau có màu đỏ – vàng như cam, cà chua, gấc, cà rốt, bí đỏ và các loại rau có màu xanh đậm.
BS. Trần Huy Hoàng
(BV Mắt TP.HCM)

Bình luận (0)