Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tất toán vàng: không gia hạn, song vẫn có ngoại lệ

Tạp Chí Giáo Dục

Với lượng cung dồn dập thông qua các phiên đấu thầu, đến nay, các ngân hàng thương mại lớn đã cơ bản tất toán xong trạng thái vàng trước 30.6.2013 theo yêu cầu của ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cơ quan quản lý khẳng định không gia hạn tất toán vàng thêm một lần nữa, song sẽ có phương án xử lý riêng với một vài trường hợp không thể về đích đúng hạn.

Nhu cầu vàng miếng giảm do chênh lệch giá trong nước và nước ngoài quá cao. Ảnh: Thanh Hảo
Mãi lực vàng giảm mạnh
Tổng giám đốc ngân hàng Eximbank Trương Văn Phước, cho biết, ngân hàng đã hoàn tất hợp đồng với tất cả các khách hàng gửi vàng tại Eximbank, chỉ còn một số khách hàng vay vàng trung và dài hạn, với tổng lượng vốn khoảng một tấn vàng (xấp xỉ 2.000 tỉ đồng). “Những trường hợp này, ngân hàng đã có phương án xử lý, đảm bảo đóng trạng thái vàng trước 30.6”, ông Phước khẳng định.
Eximbank là một trong số những ngân hàng đã cơ bản hoàn thành tất toán vàng trước 30.6 theo yêu cầu của ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo đại diện lãnh đạo NHNN, đến thời điểm này, các tổ chức tín dụng đã tất toán được khoảng 95% số dư huy động vàng, tương ứng hơn 100 tấn vàng. Trong số 18 tổ chức tín dụng tham gia hoạt động này, hơn mười đơn vị đã xử lý xong. Đại diện lãnh đạo NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết, lộ trình tất toán vàng đã được các ngân hàng trên địa bàn đặc biệt đẩy nhanh trong vài ba tháng trở lại đây là nhờ hai yếu tố quan trọng: các ngân hàng dồi dào thanh khoản và NHNN liên tục cung cấp vàng ra thị trường thông qua các phiên đấu thầu. Do vậy, nhiều ngân hàng tại TP.HCM dù có dư nợ vàng rất lớn, nhưng đã “cán đích” khá sớm, trong đó điển hình như ACB.
Từ ngày 28.3 – 20.6.2013, NHNN đã tổ chức 33 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 839.200 lượng trên tổng số 926.000 lượng chào thầu.
Đại diện lãnh đạo công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho biết doanh nghiệp không tham gia những phiên đấu thầu vàng vừa qua, phần vì không “lại” được với các ngân hàng có nhu cầu tất toán – luôn mua khối lượng lớn và sẵn sàng đặt giá cao; phần khác, mãi lực thị trường thời gian qua giảm mạnh. Theo lãnh đạo PNJ, từ đầu tháng 6 đến nay, mãi lực mua vàng tại PNJ đã giảm tới 50% so với bình thường, chủ yếu do các ngân hàng đã “hòm hòm” nhu cầu vàng phục vụ tất toán.
Cung tín dụng thu hẹp
Phó tổng giám đốc một ngân hàng tại Hà Nội – đã tất toán được 90% trạng thái, cho biết, phần lớn khách hàng sau khi kết thúc hợp đồng gửi vàng đều chọn dịch vụ giữ hộ vàng do ngân hàng cung cấp. Ngân hàng cũng đã làm việc với các khách hàng đang vay vàng để thoả thuận phương án xử lý là chuyển đổi hợp đồng từ vay vốn vàng sang vay vốn tiền đồng. Theo đó, giá trị khoản vay vốn bằng vàng được quy đổi sang tiền đồng theo giá vàng trên thị trường thời điểm chuyển đổi và áp dụng lãi suất vay vốn tiền đồng. “Thời điểm này, giá vàng dao động ở mức thấp; lãi suất VND liên tục giảm cũng là điều kiện thuận lợi, nên hầu hết khách hàng chấp thuận phương án này. Chúng tôi đang nỗ lực để có thể tất toán kịp thời hạn NHNN yêu cầu”, phó tổng giám đốc ngân hàng này nói.
Hầu hết các tổ chức tín dụng đã tiến gần vạch đích sau cuộc đua nước rút cũng là cơ sở quan trọng để thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tuyên bố mạnh mẽ, dứt khoát về yêu cầu tất toán vàng tại hội nghị tổng kết sáu tháng đầu năm của ngành tổ chức hôm đầu tuần (17.6): “Sắp tới sẽ hành động quyết liệt và không chần chừ. Đề nghị các ngân hàng còn trạng thái vàng phải nghiêm túc chấp hành”. Thông điệp từ NHNN cũng khẳng định sẽ không gia hạn lần nữa cho việc đóng trạng thái vàng như hồi cuối năm ngoái. Một vài ngân hàng khó có khả năng hoàn thành đúng hạn, NHNN sẽ có phương án xử lý riêng, trong đó điển hình như ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB ).
Nguyên phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa, cho rằng, NHNN không nên tiếp tục gia hạn tất toán vàng, còn một vài ngân hàng chưa hoàn tất có thể khoanh lại, xử lý riêng. Theo nhận định của ông Nghĩa, sau ngày 30.6, giá vàng sẽ tiệm cận dần với giá thế giới, do cầu vàng trên thị trường giảm mạnh. Ở một khía cạnh khác, cung tín dụng cũng sẽ thu hẹp một phần, do một lượng vốn vàng đã bị rút khỏi nền kinh tế. Cụ thể, lượng vốn vàng hơn 100 tấn (hơn 200.000 tỉ đồng) đó tương đương với lượng tín dụng tăng thêm cả năm 2012.
Tăng trưởng tín dụng sáu tháng đầu năm mới khoảng 3%, trong khi chỉ tiêu năm 2013 là 12%. Tuy thế, phó thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho rằng: “Tín dụng thường tăng mạnh hơn vào cuối năm, nếu tiến độ như năm ngoái thì vẫn đạt. Năm nay có thêm gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ bất động sản và thêm VAMC xử lý nợ xấu nên tín dụng cuối năm là khả quan”.
Thảo Nguyễn
SGTT.VN 
Hôm qua (20.6), thị trưòng vàng trong nước liên tục điều chỉnh giảm, song khoảng cách giữa giá thế giới và trong nước vẫn cao.
Đóng cửa phiên giao dịch chiều 20.6, giá vàng SJC niêm yết ở mức giá mua vào 39,1 triệu đồng/lượng, bán ra 39,4 triệu đồng/lượng. Như vậy, so với giá đóng cửa ngày 19.6, giá vàng SJC đã giảm hơn 730.000 đồng/lượng giá mua vào, giảm 580.000 đồng/lượng giá bán ra. Tuy nhiên, nếu so sánh với giá thế giới cùng thời điểm, giá đóng cửa của vàng miếng SJC tại Việt Nam vẫn đắt hơn xấp xỉ 6 triệu đồng/lượng. Cụ thể, nếu quy đổi theo tỷ giá của ngân hàng, giá vàng thế giới chiều 20.6 tương đương 33.245 – 33.304 triệu đồng/lượng (giá mua vào – bán ra).

Bình luận (0)