Liên quan đến sự cố tàu cao tốc TP.HCM – Cần Giờ – Vũng Tàu gặp nạn khi gần cập bến Tắc Suất (Cần Giờ, TP.HCM), vào chiều 9-4, chủ đầu tư cho biết nguyên nhân ban đầu gây chìm tàu là do tông phải “vật thể lạ”, khiến trục chân vịt gãy và rớt ra ngoài làm cho nước theo đường ống bao trục của chân vịt tràn vào buồng máy.
Chủ đầu tư xác nhận nguyên nhân ban đầu khiến tàu thân Greenlines DP C3 gặp sự cố là do gãy trục chân vịt |
Tạm dừng hoạt động tuyến tàu cao tốc TP.HCM – Cần Giờ
Theo thông cáo báo chí của Công ty TNHH Công nghệ xanh Greenlines DP, chiếc tàu gặp nạn là tàu hai thân Greenlines DP C3 (có sức chở 50 người), chạy tuyến TP.HCM – Cần Giờ – Vũng Tàu. Ở thời điểm thủy triều cao, vào lúc 8 giờ 30 sáng 8-4-2018, tàu đang chạy từ Vũng Tàu về Cần Giờ, khi chỉ còn cách bến Tắc Suất (huyện Cần Giờ) khoảng 300 mét, thì va chạm với vật lạ, sau đó phát hiện nước tràn vào khoang máy. Ngay khi phát hiện sự cố, thủy thủ đoàn đã nhanh chóng cập bến trả khách an toàn, và thu xếp cho các hành khách về TP.HCM bằng phương tiện đường bộ. Trong số 42 khách đi tàu, có 2 em nhỏ, gồm 28 khách về Cần Giờ và 14 khách về TP.HCM.
Giải đáp thắc mắc của một số khách đi tàu về việc không được nhân viên hướng dẫn tiếp cận các phương tiện cứu hộ từ khi lên tàu đến lúc gặp sự cố, phía công ty cho biết, nguyên nhân là do tàu còn trong tình trạng an toàn và điều khiển được khi cập cầu phao nên thủy thủ đoàn không kích hoạt lệnh mặc áo phao. Mặt khác, thủy thủ đoàn đã xử lý sự cố kịp thời nên không để xảy ra tràn dầu gây ô nhiễm môi trường dù thùng dầu còn hơn 500 lít. Trên trang thông tin của mình, Công ty TNHH Công nghệ xanh Greenlines DP đã trích đăng biên bản kiểm tra tàu C3 trước khi rời bến và hình ảnh tàu sau 45 phút kể từ khi hành khách và hành lý cuối cùng rời tàu an toàn. Qua đó cho thấy thủy thủ đoàn đã thực hiện đúng quy trình hoạt động và xử lý rốt ráo khi có sự cố xảy ra theo quy định. Theo xác nhận của ông Trần Song Hải (Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xanh Greenlines DP), tàu C3 được đưa vào phục vụ tuyến TP.HCM – Cần Giờ – Vũng Tàu từ ngày 30-4-2016, tình trạng kỹ thuật cho đến nay vẫn rất tốt, động cơ Rolls Royce vận hành mới chỉ 1.300 giờ, giấy phép đăng kiểm còn hiệu lực đến ngày 22-9-2018, chứng chỉ hành nghề của thủy thủ đoàn đúng theo quy định.
Trước sự cố trên, ông Trần Quang Lâm (Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM) đánh giá nỗ lực của thủy thủ đoàn trong việc đảm bảo an toàn cho hành khách, công tác trục vớt được thực hiện nhanh chóng trong ngày, không để xảy ra sự cố tràn dầu. Hiện tại, Sở GTVT TP đang phối hợp với Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT), Cảng vụ đường sông và CSGT đường thủy điều tra nguyên nhân vụ việc. Nhằm phục vụ cho công tác điều tra, Sở GTVT cho biết tuyến tàu cao tốc từ TP.HCM đi Cần Giờ đã phải tạm dừng hoạt động trong vài ngày. Được biết, tàu cao tốc Greenlines DP được UBND TP.HCM chấp thuận đưa vào khai thác với mô hình vận tải hành khách kết hợp du lịch, nhằm kết nối giữa TP.HCM với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Đề phòng rủi ro khi tàu thuyền gặp sự cố
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đường thủy, tình trạng ảnh hưởng thời tiết (sóng to, gió lớn), triều cường, lòng sông khan cạn vào mùa khô… luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây rủi ro cho hoạt động đường thủy. Điển hình như vụ tai nạn làm 9 người chết vào năm 2013 trên biển Cần Giờ, là do chở quá tải và bị sóng đánh chìm trong khi có mưa gió lớn. Do đó, nhằm chủ động đề phòng rủi ro khi tàu thuyền gặp sự cố, Trung úy Võ Thành Công, Phòng Cứu nạn cứu hộ (Cảnh sát PCCC TP.HCM) lưu ý, khi lên tàu mỗi người phải kiểm tra vị trí của thuyền cứu hộ, nơi để áo phao hoặc phao tròn. Nếu không thấy dụng cụ cứu hộ hoặc có bất kỳ thắc mắc gì, hành khách nên hỏi nhân viên trên tàu để được giải đáp kịp thời. Đặc biệt khi đã lên tàu nên ngồi đúng vị trí, tránh đùa giỡn hoặc ngồi dạt về một bên mạn thuyền gây mất cân bằng.
Công ty TNHH Công nghệ xanh Greenlines DP cho biết, trong thời gian chờ kết quả điều tra nguyên nhân sự cố của cơ quan chức năng, đơn vị đã tạm dừng khai thác loại tàu hai thân composite C3, C4 và C5 (do tiến sĩ Lê Huy Thảo và nhà máy Tân Á Đông – Tiền Giang đóng) để kiểm tra đánh giá toàn bộ công tác an toàn cùng cơ quan đăng kiểm. Riêng các tuyến tàu Bạch Đằng – Vũng Tàu, Vũng Tàu – Bến Tre/ Tiền Giang vẫn hoạt động bình thường với tàu hợp kim nhôm K6, K7, C8, C9 do nhà máy Z189 – Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đóng. |
Trong trường hợp tàu có dấu hiệu bị chìm, hành khách cần nghe theo hướng dẫn của nhân viên trên tàu. Nếu không nghe hoặc không hiểu sự hướng dẫn của nhân viên, hành khách vẫn cần chủ động lấy áo phao, phao tròn hay bất cứ vật nổi nào đó để sử dụng. Sau đó lập tức di chuyển đến vị trí cao hoặc ra ngoài boong tàu, rồi nhanh chóng mặc áo phao, cởi bỏ những trang phục không cần thiết và bơi thật nhanh ra khỏi vị trí tàu chìm. Vì khi tàu chìm sẽ tạo ra một lực hút rất lớn, kéo chúng ta ngược vào dòng nước xoáy nguy hiểm. Ngoài ra, một số điều cần lưu ý thêm là trong tình huống tàu chìm, hành khách cần hết sức bình tĩnh để xử lý sự cố.
Vũ Phương
Bình luận (0)