Hội nhậpThế giới 24h

Tàu chiến Trung Quốc lượn lờ Địa Trung Hải

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Động thái điều tàu của Bắc Kinh có thể ẩn chứa cả âm mưu hợp thức hóa chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông.
Giữa lúc tình hình Syria nóng bỏng, người ta hầu như chỉ chú ý tàu chiến của phương Tây và Nga hiện diện tại đây, mà quên rằng khu vực này có cả chiến hạm đến từ Trung Quốc.
Tạp chí The Diplomat dẫn nguồn truyền thông Ai Cập cho hay đội tàu chiến Trung Quốc gồm tàu khu trục Thanh Đảo, tàu hộ tống Yên Đài, tàu hỗ trợ Vi Sơn Hồ hồi cuối tháng trước đã vượt kênh đào Suez tiến vào Địa Trung Hải. Thời gian qua, Bắc Kinh cùng với Moscow liên tục phủ quyết, bác bỏ và chỉ trích những nỗ lực của phương Tây trong việc gia tăng sức ép đối với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Trước nay, việc Trung Quốc chống đối các biện pháp của phương Tây, trong việc trừng phạt bên thứ 3, không phải là mới. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Bắc Kinh sử dụng phương thức “răn đe” bằng tàu chiến bên cạnh các biện pháp ngoại giao, chính trị. Vì thế, đây cũng là lần đầu tiên phương Tây đối mặt với nguy cơ đụng độ với lực lượng quân sự Trung Quốc tại nơi nằm ngoài khu vực sân sau của Bắc Kinh ở châu Á, theo tạp chí The Diplomat.
Thực ra, vài năm qua, Bắc Kinh liên tục điều động chiến hạm vượt qua Thái Bình Dương để đến Ấn Độ Dương với danh nghĩa thực hiện các sứ mệnh chống cướp biển. Ngày 28.6, Tân Hoa xã đưa tin Trung Quốc triển khai đội tàu chiến thứ 12, gồm 2 tàu hộ tống là Ích Dương và Thường Châu cùng tàu hỗ trợ Thiên Đảo Hồ, đến vịnh Eden vào tháng 7 để tiếp nhận công tác hộ tống của đội tàu thứ 11. Đầu tháng 8, Tân Hoa xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh cho biết Bắc Kinh đã điều động tổng cộng 12 đội tàu chiến với 31 chiếc đến khu vực vịnh Eden kể từ tháng 12.2008.
Song hành cùng nhiệm vụ chống cướp biển, chiến hạm Trung Quốc còn ghé thăm cảng biển của các nước thuộc khu vực tiếp giáp Ấn Độ Dương với Đại Tây Dương. Ngày 3.7, Tân Hoa xã đưa tin đội tàu chiến thứ 11 mang nhiệm vụ hộ tống trên vịnh Eden đã ghé thăm cảng Salalah của Oman. Sau đó, đội tàu này còn tiếp tục sứ mệnh mở rộng quan hệ khi ghé thăm Ukraine, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria và Israel. Đây là lần đầu tiên tàu chiến Trung Quốc ghé thăm Romania, Bulgaria và Israel.

Tàu chiến Trung Quốc ghé thăm cảng Salalah của Oman – Ảnh: Chinamil.com.cn 
Đáng ngờ
Lâu nay, giới chuyên gia quốc tế đã nhiều lần nhận định rằng Bắc Kinh muốn làm chủ biển Đông không chỉ do nguồn tài nguyên mà còn vì vị thế chiến lược của khu vực này. Tạp chí The Diplomat từng đăng bài phân tích của chuyên gia Tetsuo Kotani, thuộc Viện Nghiên cứu Okazaki ở Nhật Bản, nhận định Trung Quốc muốn biến biển Đông thành cụm căn cứ để mở rộng hoạt động cho hải quân nước này. Dường như, nhận định trên đang dần trở thành sự thật, mưu đồ của Bắc Kinh cũng lộ rõ hơn thông qua hoạt động của các đội tàu chiến Trung Quốc khi thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển ở vịnh Eden.
Bằng chứng là việc Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI) ngày 10.7 đăng tải hình ảnh đội tàu thứ 12, trên đường đến vịnh Eden, đã ghé qua cái gọi là TP.Tam Sa để “khẳng định” chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông.
Trong tháng 7, Trung Quốc thành lập cái gọi là TP.Tam Sa rồi đồn trú quân tại đây, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc từng tuyên bố sẽ phát triển đảo Phú Lâm, đang bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép, trở thành điểm trung chuyển của tàu chiến nước này. Kết nối các diễn biến trên với nhau, mưu đồ của Trung Quốc trong việc độc chiếm biển Đông, làm bàn đạp vươn ra thế giới, đang rõ ràng hơn bao giờ hết.
Giao tranh khốc liệt tại Syria
Giao tranh vẫn tiếp tục xảy ra ác liệt tại thủ đô Damascus và các thành phố khác ở Syria khi lực lượng quân đội chính phủ nước này đang ra sức trấn áp phe nổi dậy. AFP đưa tin quân đội trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad hôm qua nã pháo tới tấp vào các quận phía nam của Damascus là Assali, Nahar Aisha và Qadam, cùng các khu vực ngoại ô như Irbin, Al-Tal và New Artuz. Ngoài ra, giao tranh cũng bùng phát tại thành phố Harasta, nằm ở vùng phụ cận thuộc phía đông bắc của Damascus.
Trong khi đó, tình hình chiến sự tại thành phố Aleppo cũng diễn ra vô cùng gay cấn. Ngày 12.8, quân đội Syria tăng cường pháo kích vào các quận Shaar, Tariq al-Bab, Sakhur, Hanano và Bustan al-Qasr tại đây. Chiến sự leo thang khiến mạng lưới thông tin liên lạc tại Aleppo và nhiều khu vực xung quanh bị cắt đứt từ sáng 12.8. Sau khi giành lại quận trung tâm Salaheddin, quân đội chính phủ chuẩn bị tấn công vào quận Sukari nằm ở phía nam thành phố.
Theo các số liệu không chính thức, ít nhất 150 người thiệt mạng trên khắp Syria trong ngày 12.8. Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) đối lập Abdelbasset Sida kêu gọi các lực lượng bên ngoài thiết lập vùng cấm bay gần biên giới Syria với Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan. Theo Reuters, lời kêu gọi được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu rằng cần cân nhắc các biện pháp hỗ trợ phe nổi dậy Syria, bao gồm thiết lập một vùng cấm bay.

Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)