Đây là sản phẩm của nhóm sinh viên Khoa Cơ khí giao thông của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, gồm Võ Văn Nhật, Nguyễn Ngọc Đại Trí, Lê Văn Hoàng, Nguyễn Việt Tiến, Nguyễn Thành Đại và Hồ Văn Tuệ. Sản phẩm này vừa được chạy thử nghiệm tại Ngày hội triển lãm công nghệ TECHSHOW của ĐH Đà Nẵng thu hút được nhiều sự quan tâm.
Võ Văn Nhật (trưởng nhóm nghiên cứu) cho biết sản phẩm tàu du lịch hai thân này được chế tạo từ chất liệu composite, dài 2,1m, ngang 1m, chiều cao mạn tàu là 0,4m và phần chìm là 0,2m. Composite là một phức hợp vật liệu bao gồm keo silicát chịu nén kết hợp với các sợi cacbon chịu lực kéo. Phức hợp này nhẹ hơn 40% so với nhôm ở cùng thể tích, lại không bị ăn mòn hóa học, hiện được ứng dụng rộng rãi trong chế tạo máy, sản xuất tàu thuyền. Tàu có tải trọng dành cho 2 người. Vận tốc chạy đạt 16km/h trong vùng hoạt động có chiều cao sóng nhỏ hơn 0,15m, đồng thời có thể hoạt động liên tục trong vòng 30 phút ở tốc độ trung bình. Nhật cho biết thêm: “Tàu có khả năng tiếp nhận năng lượng từ ánh sáng mặt trời ngay cả trong lúc hoạt động trên mặt nước và cả lúc không hoạt động, thông qua một bộ sạc hấp thu nguồn năng lượng mặt trời, dẫn nguồn điện xuống bình ắc quy cung cấp cho động cơ hoạt động. Để sử dụng được năng lượng mặt trời một cách tối ưu, nhóm nghiên cứu đã bàn bạc và quyết định sử dụng bộ sạc Solar để sạc pin, sau đó chuyển thành năng lượng điện vào bình ắc quy”.
Tàu du lịch chạy bằng năng lượng mặt trời thu hút nhiều sự quan tâm tại Triển lãm TECHSHOW 2015 |
Chia sẻ về quá trình thực hiện sản phẩm, Nhật cho biết ý tưởng bắt nguồn từ bài toán về nhu cầu du lịch bằng tàu cỡ nhỏ ven sông hồ – một mảng du lịch lớn đang bị bỏ sót tại Đà Nẵng – nên các thành viên trong nhóm đã suy nghĩ “làm thế nào để tạo ra phương tiện vừa mang tính thân thiện với môi trường, đồng thời an toàn cho người sử dụng”. Sau hơn một năm từ khi đưa ra ý tưởng rồi bắt tay vào thực hiện, nhóm gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn từ khâu tính toán chi tiết kết cấu hợp lý cho đến khâu tìm kiếm vật liệu phù hợp vừa đảm bảo an toàn vừa đảm bảo độ bền của sản phẩm, nhất là trong thời tiết khắc nghiệt của miền Trung. Khó nhất có lẽ là khâu chế tạo vỏ, cứ làm đi làm lại mấy lần, có khi gần như rất bức bí vì khâu này. Bên cạnh đó, để hoàn thành sản phẩm này phải mất khá nhiều kinh phí, do là sinh viên nên nhóm phải tiết kiệm đủ đường, vay mượn thêm và nhờ sự hỗ trợ từ khoa.
Sau hơn một năm thực hiện, sản phẩm tàu du lịch hoạt động bằng năng lượng sạch, tiết kiệm nhiên liệu tối đa và không gây ô nhiễm môi trường đã được hoàn thành và xuất sắc giành giải nhất trong Hội thi sáng tạo khoa học cấp trường. “Đó là thành quả của sự lao động không mệt mỏi của nhóm trong suốt một năm. Một tín hiệu vui là mới đây sản phẩm này đã được một công ty chuyên về năng lượng mặt trời tại tỉnh Bình Dương đồng ý tài trợ cho sản phẩm tàu du lịch hoạt động bằng năng lượng mặt trời của chúng em. Hi vọng sản phẩm sẽ được nhiều sự hỗ trợ để thực hiện ý tưởng về đa dạng hóa du lịch ven sông hồ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường sống xanh”, Nhật bày tỏ.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Khi được hỏi về độ an toàn khi sử dụng, Võ Văn Nhật (trưởng nhóm nghiên cứu) cho biết tàu được thiết kế với đầy đủ mọi tính năng, tuân thủ khắt khe theo TCVN 6282:2003 về “Quy phạm kiểm tra và chế tạo các tàu làm bằng chất dẻo cốt sợi thủy tinh” của Cục Đăng kiểm Việt Nam quy định. |
Bình luận (0)