Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tàu Trung Quốc vi phạm hải phận Việt Nam: Không thể nói là vô tình!

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều ngư dân nói, họ ra khơi lần nào cũng đụng tàu cá Trung Quốc, không có chuyện tàu Trung Quốc vô tình chạy vào biển của ta như một số người nói…Đầu thân thiện, sau hung hăng.

Lão ngư Nguyễn Văn Trọng (chủ tàu ĐNa 90449) ở Thanh Khê Đà Nẵng nói: Một năm tui ra khơi gần 10 chuyến, vậy hàng chục năm tính cộng lại, hơn nửa đời người tui ăn ngủ trên sóng Hoàng Sa. Không lần nào không đụng tàu cá Trung Quốc.

Tàu của ông giờ do con rể là Nguyễn Văn Tư làm thuyền trưởng, đã ra Hoàng Sa hơn 10 ngày nay. Chuyến biển trước, ngoài việc thu về hơn 100 triệu đồng chia cho 11 thuyền viên, tàu còn thông báo đến bộ đội biên phòng thông tin quan trọng việc có tàu cá Trung Quốc xâm nhập lãnh hải.
“Hồi trước, khi còn đi làm bạn, tụi tui đụng hoài. Gặp nhau còn vẫy chào, mấy lần bọn tui dùng tay, báo hiệu cho họ phải tránh đi, không được chạy lên vùng thả lưới của tàu Việt Nam, họ cũng tươi cười nghe theo. Đó là thời gian đầu. Sau này, khoảng từ năm 1998 lại đây, tụi tui thấy có nhiều biểu hiện khác lạ”, ông Trọng nhớ lại.
Tàu anh Chiến đánh bắt ở Hoàng Sa. Ảnh: Nam Cường.
Biểu hiện lạ của tàu cá Trung Quốc khi vi phạm lãnh hải Việt Nam đầu tiên là lấn vùng biển có quy mô, sau đó là thái độ hung hăng và chống trả quyết liệt mỗi khi bị đẩy đuổi. Hồi đầu chỉ một vài chiếc, đi cùng một đội vào đánh bắt ở biển ta.
Sau này, tàu họ tràn vào mỗi lần 30-40 chiếc, có khi hơn 50 chiếc. Nhiều người nói đó là do họ đi theo luồng cá, mải đánh bắt mà vô tình lạc vào biển ta. Ông Trọng phản đối: “Vô tình sao được khi tàu cá đi đánh bắt mà cứ dàn hàng, đi mấy chục chiếc như dàn quân vậy”.
Anh Lê Văn Chiến (thuyền trưởng tàu ĐNa 90531, tổ 5), đồng tình: “Sau này tụi tui thấy họ quá đà. Xâm phạm trắng trợn và ngang nhiên”. Anh Chiến chuẩn bị ra khơi, có hẳn một cuốn hải trình ghi lại ngày giờ những lần đụng tàu cá Trung Quốc.
Theo Đồn biên phòng 248 (Phú Lộc – BĐBP Đà Nẵng), gần đây nhất, tàu ĐNa của chủ tàu Nguyễn Thị Tới do thuyền trưởng Nguyễn Hậu (Nại Hiên Đông – Sơn Trà) thông báo ngày 25-5, lúc đang đánh bắt ở vùng biển Việt Nam, họ bị tàu Hải quân Trung Quốc số hiệu 44621 tạm giữ và lục soát hầm cá. Sau đó được thả đi.
Ngày 30-5, tàu QNg 98372 do thuyền trưởng Nguyễn Văn Hành (Sa Huỳnh – Quảng Ngãi) cũng đang đánh bắt tại ngư trường Việt Nam, phát hiện tàu sắt Trung Quốc số hiệu 170, màu xám, chạy quanh tàu ông Hành.
Cần những “điểm tựa”
Ông Lê Dũng, thuyền trưởng tàu ĐNa 90323TS chuẩn bị ra khơi từ cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) nói. Ông đang háo hức theo dõi thông tin Nhà nước chuẩn bị thành lập lực lượng kiểm ngư.
Toàn thành phố Đà Nẵng hiện có 1.800 tàu thuyền, trong đó có 97/160 phương tiện tàu thuyền đánh bắt xa bờ được cấp máy Icom với trên 100 tổ đội khai thác hải sản (trung bình 5 – 6 phương tiện/1 tổ đội).
Tại Quảng Nam, theo ông Nguyễn Văn Giỏi – Chi cục trưởng Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh: Quảng Nam có 4.300 tàu thuyền khai thác trên biển, tuy nhiên chỉ có gần 200 tàu có công suất lớn. Từ đầu năm 2011, Quảng Nam áp dụng hỗ trợ lãi suất vay (5%) cho ngư dân đóng mới tàu từ 90CV trở lên, mở các lớp đào tạo miễn phí thuyền trưởng, máy trưởng…
Hàng trăm ngư dân Quảng Ngãi đang mong chờ đề án “Quỹ hỗ trợ ngư dân bám biển”. Trong cuộc họp với ngành chức năng vừa qua, lãnh đạo tỉnh cam kết đẩy nhanh việc thành lập đề án.
Theo Đại tá Dương Đề Dũng – Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP TP Đà Nẵng, không ít tàu cá Trung Quốc lợi dụng chính sách hòa bình, không làm phức tạp vấn đề Biển Đông của nước ta để xâm phạm vùng biển, gây tổn thất cho ngư dân. “Nếu phát hiện tàu cá nước ngoài tiếp tục xâm phạm, chúng tôi không chỉ đẩy đuổi mà tiến hành tạm giữ phương tiện để xử lý”.
Nam Cường – Nguyễn Huy
Tien Phong

 

Bình luận (0)