Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Tàu tự lái 5 tấn sắp vượt Đại Tây Dương

Tạp Chí Giáo Dục

Phiên bản tự động của con tàu nổi tiếng Mayflower sắp thực hiện chuyến đi đầu tiên qua Đại Tây Dương vào tháng sau dưới sự điều khiển của trí tuệ nhân tạo (AI).
Hôm 19/4, tàu tự động Mayflower Autonomous Ship (MAS) sẽ khởi hành từ Plymouth, Anh và tới Plymouth, Massachusetts, Mỹ cách đó 4.800km sau hai tuần. Con tàu nguyên bản chở 102 hành khách mất 10 tuần để tới cùng địa điểm vào mùa thu năm 1620. Mẫu tàu mới không chở bất kỳ hành khách hay thủy thủ nào sẽ đi theo hành trình như phiên bản tiền nhiệm.
Tàu tự động Mayflower.
Tàu tự động Mayflower.
MAS được giới thiệu lần đầu tiên năm 2017 và dự kiến ra khơi vào tháng 9 năm ngoái nhưng phải lùi kế hoạch do Covid-19. Đây là dự án hợp tác giữa Đại học Plymouth, chuyên gia tự động MSubs, công ty công nghệ IBM và tổ chức từ thiện Promare chuyên khuyến khích nghiên cứu và khám phá hải dương trên khắp thế giới. "Thách thức lớn nhất chính là đại dương", Brett Phaneuf, nhà đồng sáng lập tổ chức ProMare, cho biết. "Chưa có con tàu nào được đóng để chống chọi với bất cứ thứ gì đại dương có thể mang tới".
Không có thuyền trưởng hoặc thủy thủ đoàn, MAS sử dụng AI và tự động hóa để băng qua đại dương nhằm thu thập dữ liệu và phát hiện. Được đóng ở Ba Lan theo thông số kỹ thuật của ProMare, con tàu nặng 5 tấn và dài 15m tích hợp nhiều trang bị tiên tiến, nhằm chịu đựng những áp lực của hành trình dài ngày trên biển. MAS sẽ thu thập dữ liệu quan trọng về đại dương như số lượng cá voi, sử dụng microphone và lấy mẫu nước để theo dõi rác thải nhựa.
Con tàu dựa vào nền tảng AI Captain với tầm nhìn vi tính, phần mềm tự động và công nghệ Watson. AI Captain được lập trình với hơn một triệu ảnh chụp để có thể nhận biết tàu thuyền, mảnh vỡ, cây cầu, đất đai và nhiều mối đe dọa khác. Các nhà vận hành sẽ lập trình cho Mayflower về điểm đến, sau đó để con tàu tự tìm cách đi tới, xét theo thời tiết, dòng hải lưu, quy định va chạm và nhiều biến số khác. MAS có thể xử lý lưu thông trên biển theo thời gian thực, sử dụng kết hợp radar, camera và Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) giúp truyền thông tin về tọa độ của Mayflower cho những con tàu khác.
Trong khi tàu Mayflower nguyên bản là một con tàu gỗ có buồm nhẹ, MAS sở hữu nội thất phức tạp hơn nhiều, theo Goetz Linzenmeier, chủ tịch công ty Aluship phụ trách đóng tàu. Nội thất tàu cũng khác với nơi dành cho người ở trên con tàu gốc. Thay vì giường ngủ và nhà tắm, chỉ có phòng dành cho các thí nghiệm khoa học. Một phòng dành cho phân tích mẫu nước sẽ kiểm tra mẫu nước biển trong suốt hành trình và lưu trữ trong chai để thu thập sau khi tàu cập bờ.
HT (theo khoahoc.tv)

Bình luận (0)