Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Tàu vũ trụ đổ bộ lên sao chổi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Khuya 13.11, trang chính của Google đã hiển thị biểu tượng tàu Philae, con tàu đầu tiên của con người đổ bộ lên bề mặt một sao chổi.

 
Toàn cảnh cuộc hành trình “bắt” sao chổi – Đồ họa: Du Sơn

Trong một kỳ công chói lọi về mặt công nghệ cho phép giới khoa học có được cơ hội đầu tiên chạm vào tàn tích từ thời sơ khai của hệ mặt trời, sứ mệnh Rosetta của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) đã thành công khi đáp tàu đổ bộ lên bề mặt một sao chổi đang lao vùn vụt trong không gian. Với thành tựu này, sao chổi không còn là một bí mật hoặc biểu tượng của điềm xui xẻo mỗi khi quét cái đuôi dài của chúng trên bầu trời đêm, mà hiện là một thành viên khác trong hệ mặt trời sắp được khám phá, như mặt trăng và sao Hỏa.

Tổng giám đốc của ESA, Jean-Jacques Dordain, mô tả quá trình đổ bộ lên sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko, một khối cầu đá, băng, bụi, đường kính 4 km di chuyển với vận tốc 60.000 km/giờ, là “một bước tiến lớn của nền văn minh loài người”. Đối với giới khoa học, một trong những bí mật quan trọng nhất mà tàu Philae của Rosetta sẽ khám phá là liệu các đại dương trên trái đất có chứa đầy nước có nguồn gốc từ những sao chổi bị nóng chảy hay không. Các chuyên gia đang thiên về giả thuyết các sao chổi đã đâm vào bề mặt địa cầu lúc sơ khai và mang theo nước từ vũ trụ.

Tàu Philae nặng 100 kg đã truyền thông tin đổ bộ thành công lên sao chổi về trung tâm điều khiển sứ mệnh tại Darmstadt (Đức) vào đúng 23 giờ 03 tối 12.11, đặt mốc thành tựu mới trong sứ mệnh tiêu tốn 1,75 tỉ USD và kéo dài suốt 10 năm. Tuy nhiên, trong vòng 1 giờ, các chuyên gia trái đất bắt đầu phát hiện có vấn đề. Hai lao móc lẽ ra phải được cắm vào bề mặt sao chổi nhưng lại không thể tự động kích hoạt, và tàu đổ bộ đối mặt với nguy cơ có thể không bám được trên sao chổi. Sau khi phân tích các dao động trong kênh liên lạc vô tuyến và năng lượng tỏa ra từ các bảng điện mặt trời trên Philae, Stephan Ulamec, người đứng đầu sứ mệnh tàu đổ bộ, cho hay con tàu đã nẩy lên khỏi bề mặt và đáp xuống một lần nữa, và có vẻ như Philae bị trượt đi trên bề mặt dưới ảnh hưởng trọng lực yếu ớt của sao chổi.

Như dự kiến, tàu Rosetta đã di chuyển khỏi tầm của Philae, khiến liên lạc vô tuyến bị gián đoạn nên nhóm của Ulamec đang chờ tàu mẹ kết nối lại với tàu đổ bộ để biết được chuyện gì đã xảy ra, cũng như hy vọng Philae sẽ truyền về những bức ảnh đầu tiên từ bề mặt thiên thể. Philae liên lạc với trạm trái đất thông qua tàu Rosetta, và tín hiệu mất 29 phút để truyền qua không gian 500 triệu km. Trong thời gian này, tàu đổ bộ và 10 thiết bị mang theo đã bắt đầu các hoạt động khoa học kéo dài suốt 64 giờ trước khi pin cạn kiệt. Hệ thống bảng điện mặt trời sẽ nạp năng lượng lại cho pin, cho phép con tàu có thời gian khoảng 1 giờ để hoạt động trong mỗi hai ngày. Nếu không có gì trục trặc, Philae sẽ tiếp tục hoạt động cho đến khi bảng điện bị mặt trời “nướng chín” trong quá trình sao chổi đến gần mặt trời vào tháng 3.2015. Theo tính toán, bề mặt sao chổi mềm hơn dự kiến, và các kỹ sư sẽ cố gắng phóng lao móc một lần nữa để giữ Philae cắm chặt trong lúc thi hành chặng đường cuối của cuộc hành trình 6,5 tỉ km đuổi theo để kết bạn với sao chổi.
Theo TNO


 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)