Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Taxi chịu giảm giá, xe đò còn “bất động”

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng loạt doanh nghiệp taxi kê khai giảm giá cước trong khi nhiều doanh nghiệp xe đò còn chần chừ chưa kê khai giảm giá. 

Taxi chịu giảm giá, xe đò còn “bất động”
Người dân đi taxi tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM trưa 22-2 – Ảnh: Quang Định

Trước đó, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp giảm giá cước sau khi giá xăng dầu giảm.

Hàng loạt hãng taxi giảm giá

Theo ông Nguyễn Hữu Quang – tổng giám đốc Airport taxi, hãng này vừa giảm 300 đồng/km phù hợp với giá xăng giảm. Airport taxi có khoảng 300 xe nên việc giảm giá cước thực hiện nhanh hơn so với doanh nghiệp khác có vài ngàn xe.

Trong khi đó, hãng Comfort Savico taxi cho biết vừa gửi văn bản đến cấp thẩm quyền kê khai lại giá cước và dự kiến giảm giá cước taxi từ 500 đến 700 đồng vào ngày 26 và 27-2-2016.

Tương tự, tập đoàn Mai Linh cho biết vừa gửi văn bản đến các cơ quan chức năng thông báo giảm giá cước 500 đồng/km đối với taxi 4 chỗ và 600 đồng/km đối với taxi 7 chỗ, bắt đầu thực hiện kể từ ngày 26-2.

Đối với giá cước taxi Mai Linh tại các tỉnh và TP khác, tập đoàn Mai Linh cho biết sẽ căn cứ trên tình hình thực tế của mỗi địa phương để điều chỉnh giảm phù hợp.

Ông Tạ Long Hỷ – giám đốc hãng xe Vinasun taxi cho biết chiều 22-2, đơn vị có văn bản gửi các cấp thẩm quyền kê khai giảm giá cước taxi 500 đồng/km và sẽ thực hiện từ ngày 25-2-2016.

Theo ông Hỷ, trong cuộc họp tại Hà Nội sáng 22-2 với Bộ Giao thông vận tải về giá cước vận tải, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính đồng tình sẽ sửa lại thông tư 152 về quản lý giá theo hướng không can thiệp sâu vào các doanh nghiệp. Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ đưa ra biên độ tăng hoặc giảm giá xăng dầu 10% để các doanh nghiệp tự điều chỉnh khi giá xăng dầu, tăng hoặc giảm.

Theo ông Hỷ, việc đưa ra biên độ trên điều chỉnh giá cước cho phù hợp với giá xăng dầu thay vì hiện nay cứ mỗi lần giá xăng, dầu giảm thì các cơ quan chức năng lại chỉ đạo các doanh nghiệp giảm giá cước.

Hơn nữa cứ mối lần giá xăng, dầu giảm 200-300 đồng thì các doanh nghiệp cũng khó khăn giảm giá cước vì chi phí kiểm định đồng hồ tính cước rất cao – khoảng 105.000 đồng/lần kiểm định.  

Cũng tại cuộc họp trên, thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường đồng ý sẽ đề nghị Bộ Khoa học và công nghệ xem xét giảm mức phí kiểm định đồng hồ taxi khi điều chỉnh cước theo giá xăng dầu và mức phí này sẽ thấp hơn so với kiểm định đồng hồ tính cước taxi theo định kỳ.

Nhiều doanh nghiệp xe đò chưa giảm giá cước

Theo ông Nguyễn Minh Tiến – trưởng phòng điều hành bến xe miền Tây, đến ngày 22-2 mới nhận được văn bản của 3/26 doanh nghiệp có trụ sở tại TP.HCM giảm giá cước vận tải từ 3 đến 5%. Trong đó có doanh nghiệp tư nhân Hảo, Công ty TNHH Văn Lang và Hợp tác xã Toàn Thắng.

Cụ thể tuyến từ Bến xe miền Tây đi Càn Long, giá từ 63.000 đồng xuống còn 60.000 đồng/khách, đi Cà Mau từ 114.000 đồng xuống còn 109.000 đồng. 

Theo ông Tiến, sau khi nhận được văn bản của Sở Tài chính TP.HCM, nhiều doanh nghiệp có trụ sở tại TP đang làm thủ tục kê khai giảm giá cước. Trong khi đó có khoảng 120 doanh nghiệp vận tải của các địa phương khác có xe đang hoạt động ở bến xe miền Tây chưa kê khai giảm giá cước.

Ông Thượng Thanh Hải – phó tổng giám đốc Bến xe miền Đông cho biết đến nay, duy nhất chỉ có doanh nghiệp vận tải chạy tuyến Phú Yên – bến xe miền Đông kê khai giảm 4-5% giá vé.

Theo ông Trần Thanh Bảo, trưởng phòng điều hành Công ty TNHH thương mại và dịch vụ vận tải Thiên Phú, Q.Bình Thạnh, đơn vị hoạt động tuyến bến xe miền Đông – Vũng Tàu cho biết đơn vị giảm 3% giá cước tuyến bến xe miền Đông – Vũng Tàu 82.000 đồng còn 80.000 đồng/khách, tuyến bến xe miền Đông – Bà Rịa từ 80.000 đồng xuống còn 78.000 đồng/khách.

Như vậy, đến nay ở bến xe miền Đông mới có 2 doanh nghiệp kê khai giảm giá cước, trong khi còn đến 215 doanh nghiệp chưa kê khai giảm giá cước sau khi giá xăng, dầu giảm.

Ông Lê Trung Tính – chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM cho biết thời gian qua chủ yếu giá xăng giảm, trong khi giá dầu giảm ít nên các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định (xe đò) chưa giảm giá do chủ yếu sử dụng dầu.

Sở Tài chính đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kê khai lại giá cước và sở GTVT cũng có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp vận tải sau khi kê khai với Sở Tài chính phải thông báo giá cước vận tải mới. 

Taxi chịu giảm giá, xe đò còn “bất động”
Bảng giá cước taxi của hãng taxi Mai Linh (ảnh chụp tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM trưa 22-2) – Ảnh: Quang Định

Giá cước vận tải hàng hóa giảm 7-8%

Ông Bùi Văn Quản – chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết tính từ quí 3-2015 đến nay, giá cước vận tải hàng hóa giảm 7-8%. Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa điều chỉnh giá cước vận tải tùy theo chuyến hoặc thỏa thuận hợp đồng với chủ hàng.

Theo hợp đồng vận chuyển ký kết 6 tháng hoặc một năm, trong thời điểm đó nếu giá xăng dầu giảm, phí cầu đường tăng hoặc các loại vật tư tăng thì chủ hàng với doanh nghiệp vận tải cùng họp bàn xem xét để cân đối điều chỉnh giá cước.

 

NGỌC ẨN  (TTO)

 

Bình luận (0)