Giới vận tải TP HCM đang lo lắng trước nguy cơ bão giá nhiên liệu mới khi xăng dầu tăng. Các hãng taxi, vận tải lập tức tính chuyện tăng giá cước lên 10-20%; còn xe buýt e ngại sẽ phải nằm bến nhiều hơn nữa.
Sáng hôm qua, ngay sau khi xăng dầu tăng giá, hàng trăm tài xế taxi đã ngừng chạy để tính lại chi phí nhiên liệu. Trao đổi với VnExpress, Phó tổng giám đốc hãng taxi Vinasun Tạ Long Hỷ cho biết: “Riêng Vinasun, hàng trăm lái xe đã ngừng tài vì giá xăng tăng cao và đột ngột”. Ước tính của lãnh đạo Vinasun, từ khi điều chỉnh giá xăng dầu đến cuối buổi chiều qua, công ty đã phải bù lỗ 180 triệu đồng cho 1.800 đầu xe taxi.
Theo ông Hỷ, ngay hôm qua, doanh nghiệp này đã phải thông báo rộng rãi đến các lái xe của hãng là sẽ bù lỗ 60% chi phí đội giá xăng dầu thì tài xế mới trở lại làm việc bình thường. Tuy nhiên, thống kê qua tổng đài hãng, số xe quần đảo kiếm khách cũng giảm xuống thấy rõ so với bình thường. Hầu hết xe nằm thụ động chờ chứ không chạy tìm khách nữa.
Lãnh đạo Vinasun cho hay, công ty sẽ cân nhắc điều chỉnh giá cước taxi tăng từ 10 đến 18% để chống chọi với cơn bão tăng giá nhiên liệu lần này.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ngôi sao tương lai (hãng taxi Future Star), ông Võ Ba thì cho rằng, tăng giá xăng lần này không chỉ đột ngột mà còn là đòn sốc rất lớn đối với giới kinh doanh dịch vụ vận tải.
“Tôi chỉ nghĩ đơn giản lần tăng giá này cũng tương tự như các đợt trước, khoảng 2.000 đồng một lít là cùng. Không ngờ giá xăng leo thang đến 4.500 đồng một lít”, ông nói.
Ông Ba cho biết, trước mắt hãng Future Star sẽ cùng gánh một nửa chi phí phát sinh do giá xăng leo thang để hỗ trợ phần nào khó khăn trước mắt cho tài xế taxi. Theo dự tính của ông Ba, với tỷ lệ tăng giá xăng dầu 30% như lần này, chi phí “đội lên” của một tài xế taxi khoảng gần 100.000 đồng mỗi ngày. Đời sống của cánh tài xế sắp tới sẽ còn khó khăn nhiều hơn.
Về lâu dài, ông Ba cho hay, doanh nghiệp sẽ phải tính đến kế hoạch tăng giá cước taxi để tồn tại. Bởi lẽ, nhiên liệu chiếm 30% chi phí đầu vào của ngành vận tải, không tăng giá cước thì khó trụ lại được.
Song, lãnh đạo Công ty Future Star cũng không khỏi lo ngại việc điều chỉnh giá cước vận tải hiện nay sẽ làm giảm lượng khách sử dụng dịch vụ taxi. Trong tình hình vật giá đồng loạt leo thang, người dân sẽ tính đến việc tiết kiệm chi phí càng nhiều càng tốt để cắt giảm chi tiêu. Taxi tăng giá cước có thể sẽ tự đẩy mình vào thế đối kháng với khách hàng, dẫn đến mất khách.
Đồng chung cảnh ngộ, giới xe buýt như ngồi trên “đống lửa”. Ông Phùng Đăng Hải, Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TP HCM lo lắng: “Mức trợ giá mới cho đợt tăng nhiên liệu hồi đầu năm vẫn chưa được tính, bây giờ lại tăng tiếp. Nếu thành phố không có một giải pháp cấp bách rất có thể trong thời gian tới tình trạng trả tuyến, nghỉ hàng loạt lại diễn ra”.
Ông Hải phân tích, trước đây mỗi xe lỗ 6 triệu đồng một tháng thì nay với giá dầu tăng 2.000 một lít, ước tính mức lỗ tăng thêm 3 triệu đồng, giá phụ tùng cũng nhích thêm khoảng 20% nữa. Như vậy, tình tạng chắc chắn sẽ còn khó khăn hơn nhiều, nhất là đối với các hợp tác xã nhỏ.
Người đứng đầu Liên hiệp cho rằng: “Chỉ tới đầu tháng sau, nhiều chủ xe buýt sẽ không chịu nổi và buộc “nằm” lại bến”.
Các doanh nghiệp vận tải cũng đang cân nhắc bài toán thu chi sau khi giá xăng tăng. Ông Nguyễn Ngọc Thừa, Phó giám đốc bến xe miền Đông cho biết, trong ngày tăng giá xăng, chưa có động thái nào từ các doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên nhiều khả năng trong thời gian tới nếu bị lỗ quá nặng do chi phí nhiên liệu tăng, các doanh nghiệp vận tải sẽ buộc phải kê khai lại giá vé cho phù hợp.
Ông Mạch Cát Quân, chủ hãng cho thuê xe Thuận Phát thì than thở: “Hôm nay, chúng tôi vừa nhận tuyến đi Phổ Thạch – Phan Rang 3 ngày với giá 3,5 triệu đồng. Khi nhiên liệu tăng giá, nhà xe yêu cầu khách thêm 200.000 đồng tiền chênh lệch nhưng bị từ chối, vậy chúng tôi buộc phải chịu lỗ”.
Doanh nghiệp của ông hiện có 6 xe chạy tuyến và thời gian tới sẽ phải tăng giá để tồn tại. Cụ thể, chuyến TP HCM – Châu Đốc sẽ tăng từ 2,2 triệu đồng lên 2,4 triệu đồng, TP HCM – Vũng Tàu từ 1,2 triệu thành 1,4 triệu đồng.
Giám đốc hãng xe Minh Dũng, ông Đoàn Hùng Dũng trần tình: “Doanh nghiệp có 10 chuyến Sài Gòn – Nha Trang, xăng tăng kiểu này mỗi chuyến phải bù lỗ 500.000-600.000 đồng, vị chi 5-6 triệu đồng một ngày. Cứ kéo dài không chịu thấu”.
Tuy bối rối với cơn lốc tăng giá xăng này, ông Dũng cho hay, doanh nghiệp chưa dám quyết việc tăng cước vì sợ phản ứng ngược của khách hàng. Ông dè dặt cho rằng, nên đợi đến đầu tháng 8 các hãng xe hãy tăng cước và mức tăng chỉ nên dừng lại ở 10-15%.
Tuy nhiên, trong khi giá xăng dầu tăng cao thì Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải TP HCM Nguyễn Ngọc Lự cho rằng việc tăng mặt bằng chi phí một số dịch vụ trên thực tế sẽ tác động tích cực đến đời sống xã hội.
Theo ông Lự, tăng giá xăng sẽ hạn chế bớt phương tiện cá nhân là xe gắn máy, taxi đa phần phục vụ giới có tiền sẽ không chạy trống để bắt khách như trước đây, giảm khí thải độc hại vào môi trường.
Ông Lự phân tích, giá xăng tăng sẽ giúp nhà nước tiết kiệm được lượng ngoại tệ nhập siêu nhiên liệu trong thời gian tới, cất được một phần gánh nặng cho ngân sách quốc gia trong thời buổi phải thắt lưng buộc bụng vì lạm phát.
Song, ông khuyến cáo rằng, giá xăng tăng có hiệu ứng tích cực bao nhiêu thì giá dầu leo cao sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế bấy nhiêu. Lý do, theo ông vì dầu là nhiên liệu phục vụ sản xuất, vận tải, lưu thông hàng hóa và hành khách. Trong khi đó, xăng chỉ phục vụ máy bay, xe hai – bốn bánh, tức đại đa số người có tiền.
“Riêng phương tiện cá nhân, trong bối cảnh hiện nay Sài Gòn đối đầu với nạn kẹt xe, thì càng giảm được nhiều chừng nào tốt chừng ấy”, ông nói.
Vũ Lê – Kiên Cường (vnexpress)
Bình luận (0)