Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Taxi “mù” tỏa về vùng ven

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Một xe taxi “nhái” hãng Taxi VinaSun hoạt động tại Gò Vấp

Sau một thời gian bị truy quét ở các tuyến đường, khu vực trung tâm và nội thành, giờ đây taxi “mù” chuyển hướng hoạt động sang vùng ven. Bên cạnh đó, thực trạng xe cũ, xe quá đát được tân trang bán ra ngoài cũng là yếu tố giúp cho lực lượng taxi “mù” ngày càng bành trướng. Điều này đồng nghĩa với việc quyền lợi của người dân đang bị thả nổi.
“Thống lĩnh” vùng ven
Anh Nguyễn Văn Sáu (Nguyễn Văn Nghi, P.7, Q. Gò Vấp) rủ chúng tôi: “Nếu không có việc gì làm thì mua một chiếc bốn chỗ giá cỡ 60, 70 triệu ra chạy taxi “mù”. Thời buổi này chạy taxi “mù” có ăn lắm”. Rồi anh khoe: “Lúc trước, tôi chạy xe rước khách ở tuyến đường Củ Chi – Bến Thành gần 15 năm cho hợp tác xã nhưng gia đình vẫn khó khăn hoài. Vậy mà mới mua chiếc Matic cũ hơn 70 triệu đồng chạy chưa đầy 3 tháng đã kiếm được bộn tiền rồi đó”.
Theo như lời anh Sáu, taxi “mù” đừng có dại mà chạy vào nội thành kiếm khách. Sáng sáng mấy bác tài cứ lái xe tàn tàn ra các khu dân cư mới thuộc vùng ven và ngoại thành cũng đủ tiền chi tiêu bởi ở đây người ta không hiểu biết nhiều về taxi “mù” hay hãng, hễ có việc là họ lên xe đi liền. Quả thật, bao quanh những khu dân cư mới mở ở các phường: Thạnh Lộc, Thạnh Xuân (Q.12); P.11, 12, 17 (Q.Gò Vấp); Hiệp Bình Chánh, Linh Đông, Bình Chiểu, Linh Tây (Q.Thủ Đức), Tân Tạo, Bình Trị Đông (Q.Bình Tân) và thậm chí đến cả khu vực An Sương, Bà Điểm, thị trấn Hóc Môn (huyện Hóc Môn)… các bãi taxi mới mọc lên như nấm sau mưa. Quan sát “cận cảnh” chúng tôi nhận thấy tại những địa chỉ nói trên rất ít các hãng taxi uy tín. Thay vào đó là những hãng không tên tuổi như  S, T.T, K.T, M.Đ, hay những hãng taxi thời “quá vãng” như  T.Đ.C. Đội quân taxi “mù” góp phần làm cho hoạt động nơi đây thêm rầm rộ.
Anh Trần Minh Thành, tài xế của một hãng taxi lớn khẳng định: “Hiện nay, tình trạng taxi “mù” có xu hướng “dời đô” về vùng ven và ngoại thành vì ở vùng đất mới này xem ra việc kiếm tiền dễ hơn so với nội thành. Ở ngoại thành, tính cạnh tranh với những taxi hãng không nhiều, xe cũ kỹ có thể sơn phết lại rồi chạy mà hành khách không hề biết, lượng xe ít nên người dân thường không có nhiều cơ hội chọn lựa. Chính vì vậy mà giới xe taxi “mù” được dịp tự tung tự tác và hầu như thống lĩnh mảnh đất mới này”.
Hành khách bị ép đủ đường
Chị Nguyễn Thị Hằng (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn) bức xúc kể: “Tuần rồi do con cháu chuyển dạ nên tôi kêu đại một chiếc taxi đang chạy ngoài đường. Xe cũ mèm, máy lạnh thì lúc có lúc không, vậy mà chạy từ Tân Hiệp tới Bệnh viện Từ Dũ, gã tài xế “bóp cổ” 324 ngàn đồng. Ngày xuất viện, tôi và hai má con nó về nhà bằng chiếc taxi đời mới đầy đủ tiện nghi, chạy rất êm với giá chỉ 170 ngàn đồng”. Bức xúc mà chị Hằng vừa bày tỏ cũng là nỗi lòng chung của hàng ngàn người dân ở các vùng ven và ngoại thành khi có việc phải “nhờ vả” những tài xế taxi “mù”.
Đã 10 ngày trôi qua nhưng đến nay khi kể lại chuyện đi taxi “dù” chị Nguyễn Thị Tuyết Trâm (P.Thạnh Xuân, Q.12) vẫn còn tức: “Chạng vạng tối 28-12-2011, mẹ tôi bỗng dưng đau bụng dữ dội. Trong lúc bối rối tôi thấy chiếc taxi màu đỏ đang chạy ngoài đường nên sẵn dịp ngoắc vào cho bà đi. Chạy được đến đường Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận, xe chết máy. Sau một hồi hì hục sửa chữa bất thành, anh tài xế trẻ nhờ mọi người và trong đó có tôi xuống đẩy hộ, nhưng chiếc xe vẫn không chịu chạy. Cuối cùng anh buộc tôi phải sang xe và bắt trả 180 ngàn đồng. Thấy vô lý, tôi cự cãi thì lập tức anh ta tung ra những lời lẽ sặc mùi hăm dọa. Tôi đành bấm bụng trả tiền cho qua chuyện”.
Hiện nay, đời sống của người dân ở những khu đô thị mới thuộc vùng ven, ngoại thành ngày càng phát triển. Dân số không ngừng gia tăng trong khi phương tiện đi lại khi cần thiết rất ít nên việc chọn taxi để đi đám tiệc hay lúc gia đình có hữu sự hầu như là phương án phổ biến nhất. Thế nhưng, nhiều người không phân biệt được taxi “mù” với taxi hãng nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Bài, ảnh: Huỳnh Sang
Đại diện hãng Taxi Vinasun cho biết, việc kinh doanh taxi “mù” khá đơn giản: người lái chỉ cần mua một chiếc xe bốn chỗ, gắn thêm hộp đèn, đồng hồ tính cước, sau đó đăng ký với hợp tác xã để kinh doanh là xem như có đầy đủ giấy hành nghề. Nhiều người “gan” hơn thì chạy dù luôn (không đăng ký kinh doanh với một đơn vị vận tải nào). Một thực trạng phổ biến hiện nay là taxi “mù” thường lợi dụng các thương hiệu nổi tiếng (thiết kế và sơn màu na ná xe của các hãng uy tín hoặc dùng số điện thoại gần giống) để gây nhầm lẫn cho khách hàng.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)