Hà Nội: Taxi “nổ phát súng tăng giá” đầu tiên
Đúng như những gì được các chuyên gia trong lĩnh vực vận tải, taxi một lần nữa là loại hình dịch vụ vận tải “nổ phát súng tăng giá” đầu tiên. Tại Hà Nội, hầu hết các hãng taxi từ chiều qua và sáng nay đã đồng loạt áp giá mới.
Thay đổi giá cước sớm nhất có thể kể đến Tân Hoàng Minh khi ngay từ chiều qua, các khách hàng của hãng taxi này đã được phục vụ với giá cước thời “xăng tăng giá” với mức bội chi là 800 đồng một đơn vị tính.
Hãng taxi Vạn Xuân tăng giá cước 2.000 đồng mỗi chiều. Cụ thể, giá cước từ sáng nay của hãng này là 9.500 đồng/20 km đầu tiên và 7.500 đồng từ km thứ 21.
Đại diện của hãng taxi Mai Linh cho biết, từ sáng nay giá cước mới của hãng cũng đã được điều chỉnh hơn giá cũ khoảng 1.500 đồng. Cụ thể, với xe 7 chỗ, 30 km đầu tiên giá cước là 12.500 đồng/km, từ km thứ 31 giá cước là 9.000 đồng/km. Với xe 4 chỗ, 30 km đầu tiên có giá 11.500 đồng/km, từ km thứ 31 có giá 8.500 đồng/km. Giá xe Matiz, giá chạy sân bay Nội Bài vẫn được giữ nguyên.
Điều này cũng phù hợp với nhận định của ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội trong cuộc trao đổi với chúng tôi vào trưa ngày hôm qua.
Trong khi đó, các hãng xe vận tải đường dài vẫn chưa có thay đổi gì về giá cước. Về vấn đề này, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe khách Nam Hà Nội cho biết, “kinh nghiệm” từ những lần tăng giá trước, các hãng xe sẽ đồng loạt tăng giá từ 7 – 10 ngày sau khi xăng có giá mới.
Ông Vũ Văn Tuyến, Tổng Giám đốc công ty TNHH vận tải Hoàng Long, hiện giá cước vận tải khách tuyến Hà Nội – TPHCM của Hoàng Long là 800.000 đồng/vé. Trong đợt tăng giá xăng dầu vừa qua Hoàng Long chịu lỗ 13 tỉ đồng riêng trong quý II/2008. Công ty này đã phải điều chỉnh tăng thêm 10% giá cước từ đầu quý III/2008.
Theo giám đốc một doanh nghiệp vận tải Bắc – Nam, nhiều doanh nghiệp vận tải nhỏ do không chịu nổi sức ép chi phí xăng dầu ngày càng đội lên quá lớn đã phải bỏ tuyến, cho xe đắp chiếu. Tuy nhiên, theo thông tin của chúng tôi, ngay từ chiều qua lái xe trên các tuyến nóng như Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Nam Định đã chủ động “áp” giá mới.
TPHCM: Taxi, xe đò cùng dự kiến tăng 10-20%
Theo tìm hiểu của chúng tôi ngay sau khi giá xăng tăng lên 19.000 đồng/lít, rất nhiều tài xế taxi tại TPHCM đã ngừng chạy để tránh lỗ, quyết định đợi các hãng phải bù lỗ thì họ mới chạy tiếp. Các chủ xe khách đường dài cũng đang than vãn.
Thông tin mới nhất chúng tôi có được, hãng Taxi Vinasun đã phải bù lỗ 60% chi phí đội giá xăng dầu, hãng Future Star thì chịu gánh một nửa chi phí phát sinh do giá xăng tăng… khi đó các tài xế mới chịu hoạt động trở lại. Nhưng hầu hết chỉ nằm chờ khách trên đường chứ không chạy quần đảo tìm khách như trước nữa.
Ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng Giám đốc hãng taxi Vinasun cho biết, mỗi ngày hãng này phải bù lỗi gần 200 triệu đồng cho 1.800 đầu xe. Theo cách tính của ông thì bình quân mỗi xe chạy khoảng 200 km/ngày, xăng tăng thì chi phí tăng thêm khoảng 100.000 đồng/xe/ngày.
Để đối phó, các hãng này đều đã có kế hoạch tăng giá cước. Taxi Vinasun dự kiến sẽ tăng khoảng 15%, hãng taxi Future Star cũng dự kiến tăng chừng 10%… Tuy nhiên, đó là dự kiến, còn đến sáng hôm nay vẫn chưa có hãng nào chính thức công bố tăng giá vì các hãng đều e ngại tình hình lạm phát sẽ khiến khách hàng quay lưng lại với taxi. Nhưng tăng là không tránh khỏi.
Còn tài xế xe khách cũng đang lao đao vì giá dầu cũng tăng chóng mặt. Tại bến xe Miền Đông, hai hãng xe đò Việt Tân Phát và Phương Trang đã thông báo đến BQL bến xe xin tăng giá vé các tuyến TPHCM đi Gia Lai, An Khê, Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn và Đà Nẵng lên 10 – 20% so với giá cũ. Tuy nhiên, hai hãng này vẫn còn phải chờ thủ tục xét duyệt, ít nhất phải tuần sau mới chính thức tăng giá vé.
Hôm qua và hôm nay cũng đã xuất hiện tình trạng xe dù bắt khách dọc đường tăng giá cước vô tội vạ với lý do xăng giá. Ban quản lý bến xe khuyến cáo hành khách nên vào bến mua vé để tránh tình trạng chặt chém do trong bến xe vẫn chưa tăng giá.
Tình hình ngành xe buýt cũng không kém phần lao đao. Bởi cho đến nay, TPHCM cũng chỉ mới phê duyệt trợ giá cho đợt xăng tăng cuối năm 2007, còn đợt xăng tăng đầu năm 2008 vẫn chưa duyệt trợ giá.
Nay xăng lại tiếp tục tăng đến 30% làm nhiều xã viên các hợp tác xã xe buýt méo mặt, chạy quanh tìm người nhượng lại xe mà không có. Ông Phùng Đăng Hải, Chủ tịch Liên hiệp HTX vận tải TPHCM, lo lắng: “Nếu thành phố không có ngay biện pháp gì hỗ trợ thì trong thời gian sắp tới, tình trạng bỏ tuyến, nghỉ chạy chắc chắn sẽ xảy ra”.
Đà Nẵng: Xe ôm cũng tăng giá để “bù lỗ”
Từ sáng nay 23/7, các hãng taxi trên địa bàn Đà Nẵng đã đồng loạt tăng giá với mức bình quân 2.000 đồng/km tiếp theo. Hiệp hội taxi Đà Nẵng đã thống nhất “quy định” này.
Theo Công ty cổ phần và quản lý Bến xe Đà Nẵng thì hiện nay vẫn chưa có sự điều chỉnh giá vé xe. Bởi đây là vấn đề rất khó vì không thể thay đổi giá cước trong thời gian ngắn được, để điều chỉnh được giá cũng mất cả tháng vì còn phải bàn bạc, trình lên trên, in vé mới…
Thế nhưng, theo quan sát của chúng tôi sau khi giá xăng tăng, một số xe chạy tuyến ngắn và trung bình từ Đà Nẵng đi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế… đã lấy thêm của hành khách từ khoảng từ 10 – 15.000 đồng với lý do để “bù lỗ”.
Một thành viên của Hiệp hội vận tải hành khách thành phố cho biết: Hiệp hội đã nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các thành viên, đề nghị nhanh chóng tổ chức hiệp thương điều chỉnh giá cho phù hợp với giá nguyên liệu hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề tăng giá trong thời gian ngắn gặp rất nhiều khó khăn, muốn điều chỉnh giá cũng phải mất cả tháng.
Còn xe ôm cũng lên giá 2.000 – 3.000 đồng/cuốc. Anh Phan Trần Đăng, chạy xe ôm đã 3 năm tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng cho biết: Chắc phải tăng giá xe lên chứ không thì không đủ sống. Mấy ngày đầu này chưa tăng được, vì khách hàng đã quen đi giá cũ, phải vài bữa nữa họ mới chấp nhận giá mới.
Theo dantri.com.vn
Bình luận (0)