Đến với boxing, những cô gái từ nhiều miền quê lam lũ khác nhau mang theo giấc mơ đổi đời. Nghe tin boxing nữ mới được đưa vào chương trình thi đấu Olympic 2012, họ lại có thêm động lực phấn đấu.
Đội tuyển quyền Anh nữ mới được thành lập từ năm 2006. Dù lực lượng còn non trẻ nhưng vốn liếng đã tích lũy được không ít.
Võ sĩ Nguyễn Thị Yến, hạng cân 46 kg, hoa khôi của đội boxing nữ VN, trước khi thượng đài |
Sức mạnh từ những cô gái yếu đuối
Lò đào tạo nữ võ sĩ quyền Anh lớn nhất cả nước hiện nay đặt tại Trung tâm Thể thao Quần Ngựa (Hà Nội), tập hợp được khoảng 30 VĐV chuyên nghiệp. Định hướng phát triển boxing nữ trước đây mới chỉ nhắm tới đấu trường chính là SEA Games. Tuy nhiên, trong quá trình gây dựng và phát triển môn này, thành quả mà thầy trò đội boxing nữ thu được còn lớn hơn sự kỳ vọng.
Tại Giải Vô địch boxing nữ thế giới năm 2008 diễn ra tại Trung Quốc, lần đầu tiên có một VĐV VN qua được vòng loại và xếp hạng 5 thế giới sau khi bị loại ở tứ kết. Đó là VĐV Lê Thị Ngân Hằng ở hạng cân 52 kg. Hai tấm HCB châu Á của Nguyễn Thị Vui (hạng 60 kg) và Ngô Thị Phương (hạng 48 kg) cho đến nay vẫn là niềm tự hào của đội dù thầy trò họ đã xác định đó mới chỉ là những thành quả rất nhỏ bé. HLV Nguyễn Như Cường cho rằng: “Tiềm năng của boxing nữ VN là rất lớn, dù trong khu vực chúng ta vẫn phải rất cố gắng để có huy chương mỗi kỳ SEA Games. Năm 2007 mới là lần đầu tiên boxing nữ VN góp mặt tại một kỳ SEA Games nhưng chúng ta đã có HCB. Năm nay, chúng tôi mạnh dạn đặt chỉ tiêu vàng cho những hạng cân thế mạnh”.
Cứ đến đội boxing nữ thì thấy ngay sức mạnh cơ bắp và cả ý chí của những cô gái trông có vẻ rất yếu đuối. Thành viên của đội hầu hết là những cô gái đến từ những gia đình có điều kiện kinh tế tương đối khó khăn nên họ không ngại khó, ngại khổ.
Đấm bốc vẫn trông rất xinh
Vượt lên tất cả những dị nghị và điều tiếng xã hội, những nữ võ sĩ quyền Anh có cái lý của riêng họ khi lựa chọn môn này. Hằng ngày, họ nhìn lên tường của phòng tập, nơi đặt hai hàng khẩu hiệu lớn: “Có chí khí, dũng cảm sẽ lập kỳ tích” và “Có khát khao, ước mơ sẽ lập chiến công”, tất cả như có thêm động lực để tiếp tục tiến về phía trước.
Ông Vũ Đức Thịnh, trưởng bộ môn boxing (Tổng cục TDTT), tâm sự: “Mỗi VĐV đến đây có một hoàn cảnh khác nhau nhưng điểm chung của tất cả các em là có ý chí và nghị lực đáng nể mà những cô gái sinh ra trong điều kiện tốt khó có được. Gia đình các em đều nghèo nên sự nỗ lực của các em cũng gấp đôi, gấp ba bình thường. Cũng phải nói thật là nếu có điều kiện kinh tế thì cũng chẳng cô gái nào theo môn thể thao nhiều nhọc nhằn nhưng ít vinh quang này”.
Nhưng đừng nghĩ con gái quyền Anh chỉ biết đánh đấm suốt ngày. Họ mạnh mẽ trên sàn đấu, sẵn sàng đổ máu để “lập chiến công” nhưng cũng rất nữ tính khi trút bỏ găng tay, mũ bảo vệ. Chỉ cần lướt qua cũng có thể chọn ra không ít gương mặt khả ái từ đội boxing nữ. Nguyễn Thị Yến, hoa khôi của đội, có vẻ ngoài không giống một nữ võ sĩ nhưng khi bước lên sàn đấu cô như trở thành một con người khác- mạnh mẽ và quyết đoán.
Cửa vào Olympic rất hẹp
Theo trưởng bộ môn Vũ Đức Thịnh, khi boxing nữ được chọn để đưa vào chương trình thi đấu của Olympic 2012 tại London (Anh) cũng là lúc đội quyền Anh nữ VN phải đặt ra mục tiêu tranh giành vé tới đấu trường này. Cánh cửa để VĐV VN đến Olympic là rất hẹp bởi số suất dành cho boxing nữ chỉ có chưa tới 40 VĐV ở ba hạng cân, trong đó đáng gờm nhất là võ sĩ Thái Lan và Trung Quốc. Hiện tại, đội tuyển quyền Anh nữ VN vẫn có chuyên gia của Triều Tiên – nước rất mạnh trong môn này – hỗ trợ.
Mạnh Duy (theo NLD)
Bình luận (0)