Trung tuần tháng 6, tại làng Plei Bông, xã Ayun, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai), Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Mang Yang phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mang Yang đã khai giảng lớp dạy đánh cồng chiêng cho thanh thiếu niên trên địa bàn huyện, lớp học do 3 nghệ nhân cồng chiêng người Ba Na có nhiều kinh nghiệm tại địa phương truyền dạy.
Cồng chiêng là nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
|
Tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) cũng tổ chức khai giảng lớp truyền dạy cồng chiêng cho 25 thanh thiếu niên người DTTS thuộc làng Kon Chênh, xã Măng Cành (huyện Kon Plông). Trong thời gian nửa tháng, nghệ nhân A Đrế (thuộc đội chiêng làng Kon Ke, xã Đăk Long, huyện Kon Plông) sẽ truyền dạy cho thanh thiếu niên các giai điệu, tiết tấu và nhịp xoang của cồng chiêng, lấy nền tảng từ các bài chiêng của đồng bào Ba Na, kết hợp với nét văn hóa bản địa để tạo nên sự độc đáo, tinh túy bản sắc riêng.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện đồng bào các DTTS ở khu vực Tây Nguyên còn lưu giữ hàng ngàn bộ cồng chiêng quý, đã hạn chế được tình trạng “chảy máu” cồng chiêng. Chỉ riêng tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, đồng bào còn lưu giữ gần 9.800 bộ cồng chiêng. Đáng chú ý, tỉnh Đắk Lắk đã có kế hoạch đầu tư gần 49 tỷ đồng để bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng.
Theo SGGP
Bình luận (0)