Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tây Nguyên: Quá nhiều rủi ro với cây chanh dây

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi một số nông dân trồng chanh dây thu được lợi nhuận 700 – 800 triệu đồng/ha, phong trào trồng chanh dây đã phát triển rầm rộ từ Lâm Đồng sang Đắc Nông. Tuy nhiên, giá mua chanh dây hiện đang nhảy múa liên tục, dịch bệnh lại bắt đầu hoành hành, gây thiệt hại lớn cho nông dân.

“Sốt” vì lợi nhuận cao
Tại Đắc Nông, tính đến thời điểm này, riêng HTX Tia Sáng đã đầu tư cho nông dân các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắc R’lấp trồng khoảng 150ha chanh dây. Theo hợp đồng ký kết, nông dân được đầu tư 50% vốn, được bao tiêu sản phẩm với giá 4.200 đồng/kg loại 1 và 2.800 đồng/kg loại 2.
Mức giá này thấp hơn nhiều so với giá thị trường, nhưng vì HTX có hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp, có bảo hiểm giá nên độ an toàn khá cao. Mặt khác, chỉ với giá bình quân 3.000 đồng/kg, mỗi hécta chanh dây cũng đã cho doanh thu 300 triệu đồng (100 tấn quả) và nông dân có lãi khoảng 250 triệu đồng.
Vườn chanh dây đang trĩu quả, nhưng nông dân rất hồi hộp.
Có thời điểm, giá chanh dây lên tới 15.000 đồng/kg, người trồng lãi được 700 – 800 triệu đồng/ha, gần bằng 20 năm trồng càphê trên cùng đơn vị diện tích. Vậy là phong trào trồng chanh dây phát triển rầm rộ mà không cần hợp đồng bao tiêu, nông dân nhiều nơi đã chặt bỏ cây công nghiệp để trồng chanh dây như tại xã Đắc Nia (thị xã Gia Nghĩa), xã Đắc Sin (huyện Đắc R’lấp) …
Chỉ trong vòng 2 năm, diện tích chanh dây ở Đắc Nông đã lên tới 400ha, với sản lượng khoảng 40.000 – 50.000 tấn/năm. Ông Nguyễn Văn Hai – ở xã Đắc Sin, vừa đốn sạch 3ha điều, đầu tư 150 triệu đồng trồng chanh dây – cho biết: “Trồng cây này cũng hồi hộp lắm. Nhưng thấy người ta trúng dữ quá, mình không làm thì không chịu được. Thôi thì được ăn cả, ngã mất vốn”.
Thật ra, phong trào trồng chanh dây rầm rộ ở Đắc Nông có nguồn gốc từ việc bắt chước tỉnh Lâm Đồng, giống như cây khoai lang Nhật Bản trước đây. Tại Lâm Đồng, chanh dây được trồng từ năm 2005, hiện toàn tỉnh có khoảng 500ha.
Quá nhiều rủi ro
Sự bấp bênh dễ thấy nhất là dù được trồng ồ ạt, nhưng ở Tây Nguyên vẫn chưa có nhà máy nào chế biến, xuất khẩu sản phẩm từ chanh dây. Các thương lái chỉ xây kho lạnh, móc ruột trái chanh dây bỏ vào thùng xốp, chờ đủ hàng là chở đi tỉnh khác. Giá mua thì nhảy múa liên tục, có thời điểm lên tới 15.000 đồng/kg, có khi tụt xuống 2.000 đồng chỉ trong thời gian rất ngắn. Thực tế, đã có nhiều người điêu đứng vì không bán được sản phẩm, như hợp đồng bao tiêu bị đổ vỡ giữa HTX nông nghiệp Hoà Ninh và hội cựu chiến binh các xã ở Lâm Đồng.
Cũng tại Lâm Đồng, ít nhất 2/3 diện tích chanh dây đã bị nhiều loại sâu bệnh như nhện đỏ, bọ xít, rệp sáp, phấn trắng tấn công khiến năng suất giảm tới 80%. Mới đây, Sở NNPTNT Đắc Nông phải thành lập 2 trạm kiểm dịch thực vật, xử phạt một số doanh nghiệp Lâm Đồng đưa giống chanh dây không qua kiểm dịch vào Đắc Nông. Tuy vậy, lãnh đạo các trạm này thừa nhận không thể kiểm soát hết lượng giống trôi nổi nhập về ngày càng nhiều, nhất là từ Lâm Đồng.
Ông Nguyễn Đức Luyện – Giám đốc Sở NNPTNT Đắc Nông – cho biết: “Chanh dây là cây trồng mới, cần theo dõi khả năng thích ứng, tình hình sâu bệnh và thị trường trong vài năm. Chúng tôi có khuyến cáo chưa nên trồng đại trà, một số huyện cũng đã quy hoạch khống chế diện tích, nhưng nhiều nông dân vẫn bất chấp do chạy theo lợi nhuận”. Thực trạng trên cho thấy, việc trồng chanh dây ở Lâm Đồng, Đắc Nông đang tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.

Đặng Trung Kiên / Lao Động

 

Bình luận (0)