Từ khi còn trẻ, tôi đã nghe câu: “Nhà văn, nhà báo, nhà giáo cộng lại thành nhà nghèo”. Không biết câu nói ấy được đúc kết từ cuộc sống thực tế của những ngành nghề đó hay là vì những nhân vật trong các quyển tiểu thuyết, trong các vở diễn trên sân khấu…, nhà giáo, nhà văn, nhà báo đều có cuộc sống nghèo nàn, khổ sở? Câu nói ấy luôn in sâu vào tâm trí tôi. Thế mà giờ đây, tôi lại vừa dạy học, vừa viết báo.

Hiện tại, nếu nói nhà giáo, nhà báo là “nhà nghèo” thì không chính xác nhưng rõ ràng hai nghề này không phải là “nghề hái ra tiền”. Với những ai chọn nghề để giàu tiền bạc thì dạy học hay viết báo không là lựa chọn hàng đầu. Thế nhưng, với những ai muốn “làm giàu” kiến thức, “làm giàu” vốn sống… thì nhà giáo, nhà báo là một lựa chọn thích hợp, nếu không nói đó là một chọn lựa tuyệt vời. Một người thầy nếu muốn có được bài dạy hay phải có kiến thức chính xác, phải có kinh nghiệm sống rộng thì mới chuẩn bị được kế hoạch bài dạy chu đáo và có được bài giảng hay, thu hút được học sinh học tập. Có kiến thức, có vốn sống, bài giảng của người thầy sẽ phân tích, chứng minh… cho học sinh thấy điều đúng, điều hay, điều sai, điều trái một cách sinh động hơn, thực tế hơn. Tôi đã từng dự giờ một cô giáo mới ra trường dạy lớp 1. Khi dạy bài vần ơi, với từ con dơi, bất ngờ một học sinh hỏi: “Cô ơi, con dơi ăn cái gì vậy cô?”. Cô giáo hơi lúng túng, rồi trả lời: “Con dơi ăn chuột”. Sau tiết dạy, tôi hỏi cô giáo ấy đã từng thấy con dơi ăn chuột hay đọc tài liệu nào nói dơi ăn chuột chưa thì cô trả lời đã xem trong một bộ phim kinh dị nào đó. Tôi đã nhắc cô nên xem lại kiến thức từ sách vở đến thực tế và phải vào lớp trả lời lại câu hỏi của học sinh cho chính xác.
Một nhà báo cũng thế, kiến thức phải gắn liền với tìm hiểu thực tế thì mới có thể viết được những bài báo hay, thu hút độc giả. Chỉ cần thiếu kiến thức hay vốn sống, chắc chắn bài báo sẽ bị đánh giá là tác giả dốt, tác giả thiếu thực tiễn… Trong thời gian dịch Covid-19, giáo viên phải dạy online. Tôi đã đọc được một bài báo, tác giả cho rằng giáo viên trẻ tiếp nhận công nghệ nhanh hơn nên dạy trực tuyến hiệu quả hơn giáo viên lớn tuổi. Tôi không biết nhà báo ấy có thâm nhập thực tế bằng cách vào dự các tiết dạy trực tuyến để thấy giáo viên lớn tuổi dạy thế nào hay không mà đã viết như thế. Thực tế, đại dịch bùng phát bất ngờ, việc dạy trực tuyến cũng được triển khai trực tuyến nên giáo viên trẻ nhanh nhẹn tiếp thu hơn. Các giáo viên lớn tuổi phải hỏi han, nhờ chỉ dẫn nhiều lần để sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy online. Thế nhưng, với kinh nghiệm dạy nhiều năm, các thầy cô lớn tuổi quản lý lớp dạy trực tuyến tốt hơn và bài giảng trực tuyến của họ ngắn gọn, dễ hiểu, có trọng tâm hơn. Trong khi đó, giáo viên trẻ chưa có kinh nghiệm nên việc quản lý lớp học trực tuyến chưa tốt lắm và với thời lượng dạy trực tuyến một tiết học chỉ 20 đến 25 phút (một tiết học bình thường ở lớp từ 35 đến 40 phút), các thầy cô trẻ đã loay hoay, vất vả mà vẫn không kịp giờ, không đạt được hiệu quả cao. Trong thời gian dạy trực tuyến, các thầy cô trẻ còn phải hỏi thầy cô dạy lâu năm các biện pháp để quản lý lớp học trực tuyến sao cho học sinh nghiêm túc hơn, tập trung trong giờ học hơn, cũng như cách truyền đạt nội dung bài học ngắn gọn thế nào để kịp thời gian dạy. Kiến thức thì mênh mông nên phải luôn học hỏi, tìm hiểu mỗi giờ, mỗi ngày. Kinh nghiệm sống muốn có thì phải làm, phải thực hiện, phải trải nghiệm. Đã làm nghề dạy học, nghề viết báo thì phải nhớ trang bị kiến thức và trải nghiệm cuộc sống thì mới thành công. Chính vì kiến thức phổ thông, vốn từ ngữ, cách diễn đạt phong phú và vốn sống “giàu” hơn một số ngành nghề khác nên trong các cuộc tranh luận vui vẻ với bạn bè, bạn tôi khi “cãi không lại” tôi đã phát biểu rằng: “Đừng cãi với nhà báo, đừng nói láo với thầy cô!”.
Với tôi, dạy học và viết báo còn “giàu” niềm vui. Nghiên cứu bài học, lựa chọn phương pháp, kỹ thuật dạy học phù hợp, chuẩn bị được đồ dùng dạy học đúng ý đồ dạy, soạn xong một kế hoạch bài dạy vừa ý, người thầy đã thấy vui vì sự chuẩn bị hoàn hảo. Đến lớp, giáo viên truyền tải hết được những điều mình mong muốn dạy, học sinh hứng thú học, tích cực tham gia các hoạt động để tiếp thu các kiến thức, người thầy lại có thêm một lần vui. Với các kiến thức của bài học đã dạy, học sinh làm bài tốt hay biết ứng dụng vào cuộc sống, người thầy lại có một lần vui nữa. Còn để viết một bài báo, người viết phải suy nghĩ viết về nội dung gì, đặt tựa bài thế nào cho cô đọng, gây ấn tượng với người đọc đến việc chọn lọc ý cần viết, lựa từ ngữ phù hợp, diễn đạt câu sao cho hấp dẫn độc giả… Viết xong một bài báo, người viết sẽ rất vui vì những nội dung, ý kiến, cảm xúc của mình từ trong trí não đã hiện hữu thành những con chữ cụ thể trên trang giấy. Bài báo được đăng, người viết lại có thêm một niềm vui nữa vì sản phẩm của mình lúc này thực sự mới được ra đời. Khi bài báo đăng, phản hồi từ người đọc sẽ đem đến một niềm vui lớn hơn nữa cho người viết vì người viết nhận thấy được những gì mình viết ra đã lan tỏa đến cộng đồng, góp được một phần nhỏ bé của mình cho cuộc sống này tốt đẹp hơn. Khi hai bài viết “Bao nhiêu năm ấy, bấy nhiêu ân tình” và bài “Nhớ mãi dự án Môi trường học thân thiện” của tôi đăng trong quyển sách “50 năm, Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh”, bạn bè, đồng nghiệp, người quen biết đã đọc đều nói với tôi hoặc nhắn tin cho tôi với những lời lẽ chân tình, xúc động: “Đọc bài viết của anh, em nhớ và muốn khóc”, “Đọc bài này, em mới biết các thầy cô dạy thời bao cấp khổ quá!”, “Cảm xúc quá thầy ơi”, “Nhớ quá một thời gian khó nhưng máu lửa của tụi mình há”, “Các thầy cô trẻ trường chúng ta hãy đọc và cố gắng tiếp bước truyền thống của các thầy cô trường mình nhé”…
Nghề dạy học và viết báo còn giúp chúng ta tự soi lại mình để điều chỉnh bản thân cho tốt hơn. Người thầy dạy học sinh hướng đến các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm thì bản thân người thầy đã phải nhắc nhở mình tự rèn luyện các phẩm chất ấy. “Thầy cô giáo là tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, tấm gương mờ xấu thì không thể hoàn thành trách nhiệm dạy học. Một nhà báo viết các bài báo ca ngợi cái tốt, cái đẹp, hướng mọi người đến cái tích cực thì người viết cũng đã phải tự nhắc nhở mình tránh xa cái xấu, cái ác, cái tiêu cực để có thể mạnh dạn viết mà không phải đắn đo vì mình “viết một đằng mà làm một nẻo”.
Theo tôi, nhà giáo và nhà báo có nhiều điểm tương đồng như thế. Chính vì vậy, tôi có thể “tay phải” dạy học, “tay trái” viết báo với niềm hạnh phúc được làm cả hai việc trong suốt những năm qua. Nhà giáo và nhà báo có giỏi đến thế nào cũng phải nhớ luôn học tập không ngừng và khiêm tốn thì mới có thể thành công. Đại thi hào Nguyễn Du với tuyệt tác Truyện Kiều bất hủ còn khiêm nhường nói: “Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh” thì nhà giáo, nhà báo lớp “hậu thế” giỏi đến thế nào mà dám “tự cao, tự đại”?
Lê Phương Trí
Bình luận (0)