Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tê bì – triệu chứng của nhiều chứng bệnh nguy hiểm cần phải thận trọng

Tạp Chí Giáo Dục

Với cách nhìn của Y học cổ truyền (YHCT) tê bì còn gọi là "ma mộc", triệu chứng rối loạn cảm giác của tay, chân hay một phần thân thể và chia làm hai mức độ: Tê (ma) là hiện tượng da bị tê rần nhưng vẫn còn cảm nhận được với kích thích. Bì (mộc) là mất hết cảm giác, tê dại hoàn toàn, không còn cảm nhận được gì nữa và có thể kết hợp với tổn thương cơ nhục gây teo nhão, yếu liệt cơ.

Nguyên nhân thường do sức đề kháng của cơ thể suy giảm nên dễ bị tác động của gió (phong), lạnh (hàn), ẩm thấp (thấp), khí hư, khí trệ, huyết hư, huyết ứ, đàm thấp làm tổn thương gây tê bì.
Tê bì là một triệu chứng rất phổ biến, xuất hiện ở nhiều chứng bệnh khác nhau từ những bệnh lành tính dễ điều trị đến những chứng bệnh phức tạp nguy hiểm đến tính mạng. Tê bì có thể khởi đầu rất nhẹ nhàng như tê rần ở các đầu ngón tay, cảm giác như châm chích hoặc giảm cảm giác. Những triệu chứng này có thể ngày càng nặng hơn lan dần lên phía bàn tay, cổ tay, cẳng tay, cánh tay, có thể xuất hiện tương tự ở bàn chân, cổ chân, cẳng chân, đùi mông, vùng thắt lưng… Tê bì có thể xuất hiện ở đỉnh đầu, một nửa đầu (kèm theo nhức đầu hoặc không), ở vùng mặt, cổ, vai, ngực, lưng, thắt lưng, tê rần quanh bộ phận sinh dục.
Nhằm giúp bạn đọc trang bị thêm kiến thức để phòng và chữa bệnh, chuyên mục “Sống chất lượng” sẽ tập trung giới thiệu một số bệnh lý phổ biến có nguy cơ cao như:
* Các chứng bệnh liên quan đến tê mỏi chân tay.
* Tai biến mạch máu não (đột quỵ).
* Xơ vữa động mạch và các bệnh lý liên quan.
* Bệnh ở người cao tuổi.
* Giải đáp thắc mắc của bạn đọc, giúp bạn đọc phòng trị bệnh hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhìn chung tê bì có thể xuất hiện bất cứ đâu trên cơ thể người bệnh tùy vào vị trí và nguyên nhân gây bệnh. Tê bì thường xuất hiện ở những người làm các công việc dễ bị chấn thương hoặc những chấn thương nhỏ lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày. Ví dụ những người làm việc văn phòng sử dụng máy vi tính liên tục, những người làm công việc nặng nhọc khuân vác hằng ngày, phải chạy xe máy nhiều giờ, công nhân làm ở các công ty thủy sản thường xuyên phải tiếp xúc với nước lạnh ẩm hay công nhân xây dựng sử dụng những thiết bị rung nặng nề để khoan phá bê tông, đào móng các công trình… Tê bì cũng thường gặp trong các bệnh đau cột sống cổ, cột sống thắt lưng, viêm các khớp, hội chứng viêm ống cổ tay… Những bệnh rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, cao mỡ máu, xơ vữa động mạch, béo phì… Bệnh thiếu vitamin đặc biệt là Vitamin B1, thiếu Calcium… Một số bệnh lý do nhiễm độc và gây viêm thần kinh như nghiện rượu, nghiện ma túy…
Thầy thuốc YHCT có thể sử dụng các loại dược thảo có tác dụng tăng cường lưu thông khí huyết, châm cứu và những phương pháp  khác để điều trị triệu chứng tê bì rất hiệu quả ở giai đoạn sớm chưa có biến chứng.
 Hãy chú ý đến một câu nói rất phổ biến trong dân gian "tiền tê, hậu bại" (bắt đầu bằng triệu chứng tê và sau đó sẽ xuất hiện triệu chứng yếu liệt). Nếu chúng ta chủ quan để bệnh tiến triển nặng và kéo dài, khi ấy dù có được điều trị tích cực bao nhiêu cũng không hồi phục hoặc hồi phục không hoàn toàn, để lại những di chứng tê bì hay yếu liệt cơ  theo suốt cả cuộc đời…
BS.Lê Hùng (theo TNO)
Nguyên Phó viện trưởng Viện YDHDT TP.HCM

 

Bình luận (0)