Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tệ nạn học đường

Tạp Chí Giáo Dục

Diễn biến phức tạp, không kiểm soát nổi!
Đảm bảo an ninh trật tự trong trường học là vấn đề được Bộ GD-ĐT và Bộ Công an đề cập tới từ 6 năm nay qua Thông tư liên tịch giữa hai bộ. Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện, cả ngành giáo dục và công an đều nhận thấy diễn biến vi phạm pháp luật về trật tự an toàn xã hội của học sinh, sinh viên (HS, SV) đang ngày càng phức tạp và khó kiểm soát…
Báo động tệ nạn từ internet
Năm 2002, khi Bộ GD-ĐT và Bộ Công an đưa ra Thông tư liên tịch về công tác bảo vệ an ninh trật tự trong trường học thì mạng internet chưa phát triển như bây giờ. Hiện nay an ninh mạng đang là vấn đề cần được đặt ra khi đây được coi là nơi khởi nguồn nhiều hoạt động gây bất ổn an ninh trật tự xã hội và rất khó kiểm soát, trong khi đó HS, SV lại là đối tượng thường xuyên tiếp xúc với công nghệ thông tin. Nhận định về tình hình an ninh trật tự trong trường học, đại diện Phòng Công tác HS – SV ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, cùng với sự phát triển vượt bậc của đời sống kinh tế, xã hội trong những năm gần đây thì mọi vấn đề phức tạp trong xã hội đều tác động và phản ánh trong đời sống HS, SV. Điểm lại các tệ nạn xã hội đã len vào trường học như ma túy, mại dâm, cờ bạc, hiện nay đời sống học đường còn nổi lên các vấn đề như nạn cầm đồ, cho vay nặng lãi, nghiện game, chat sex hay những quan điểm lệch lạc về lối sống tự do, buông thả. Những mảng tối học đường còn được đề cập dưới góc độ nữ SV đang có một “nghề” rất thịnh là làm gái bao, gái gọi cao cấp, thậm chí, tổ chức quảng cáo, rao bán trên mạng internet. Tình trạng trấn lột trong học đường, trong ký túc xá, tiêm chích ma túy, tự tử vì nhiều lý do… cũng là những vấn đề bức xúc đang tồn tại như một góc khuất trong các môi trường sư phạm. Với những góc khuất như trên, theo đại diện Công an tỉnh Thừa Thiên Huế là rất đáng báo động và là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ hóa tội phạm. Vụ Công tác HS – SV, Bộ GD-ĐT cũng cho biết, tình trạng HS, SV bỏ học, sống lang thang, thông qua mạng internet để kết thành băng nhóm, sử dụng ma túy, gây rối trật tự xã hội… có xu hướng gia tăng. Đáng chú ý hơn nữa là các hành vi vi phạm đạo đức do tiêm nhiễm từ băng đĩa đen, trang web có nội dung khiêu dâm, đồi trụy… đang đe dọa môi trường giáo dục.
Nhà trường không quản lý xuể…
Mặc dù, Bộ GD-ĐT đã đề ra nhiều giải pháp như tăng cường giáo dục toàn diện, tổ chức đối thoại giữa SV và nhà trường, tạo ra những sân chơi bổ ích lành mạnh cho HS, SV… Đồng thời, phối hợp cùng Bộ Công an xây dựng thông tư liên tịch số 10/2002 năm 2002 về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trường học. Nhưng với những biến động không ngừng của đời sống xã hội thì để làm “sạch” hóa môi trường học đường là điều không đơn giản và không thể chỉ trông chờ vào các biện pháp mang tính tuyên truyền và hô hào chung chung. Vấn đề được nhiều trường đề cập đến là việc thiếu thông tin chính thống đối với các tình huống, sự kiện liên quan đến an ninh chính trị trong nước và thế giới. “Bộ GD-ĐT và Công an cần có cơ chế cung cấp thông tin đa chiều, chính thống về các vấn đề trật tự xã hội cho nhà trường”, ông Trần Đình Mai – Trưởng ban Công tác HS-SV ĐH Đà Nẵng rất lo lắng khi nhà trường chưa tìm được cách kiểm soát thông tin trên mạng liên quan đến HS, SV. “Hàng triệu blog cá nhân, bao nhiêu địa chỉ diễn đàn có sự tham gia của HS, SV. Làm sao nhà trường có thể nắm bắt được thông tin ở đây để có thể tìm hiểu cũng như đề phòng những vấn đề gây mất ổn định tư tưởng, chính trị, ảnh hưởng đến lối sống của SV?” – ông Trần Đình Mai đặt câu hỏi. Còn đại diện Trường Đại học Sài Gòn thì cho rằng trường chưa hài lòng cách thức phối hợp với lực lượng công an khu vực trong việc quản lý HS, SV. “Phía công an tìm đến nhà trường chủ yếu là để nắm bắt thông tin còn chúng tôi hầu như không nhận được tham vấn nào của công an về vấn đề quản lý SV ngoại trú hay việc nắm bắt các hoạt động, tâm tư của nội bộ SV trong trường” – đại diện nhà trường phát biểu. Rút kinh nghiệm từ một số sự kiện chính trị, xã hội xảy ra gần đây, ông Đỗ Duy Truyền – Phó hiệu trưởng ĐH Hà Nội  cũng cho rằng các trường đại học vừa qua rất bị động, phải tự tìm kiếm thông tin, thẩm định lại để phổ biến cũng như nắm bắt những phản ứng của SV trong trường. Theo ông Truyền, Vụ Công tác HS-SV nên chú ý tới vấn đề này, phối hợp với cơ quan công an phụ trách để kịp thời cung cấp thông tin cũng như đưa ra định hướng cho các trường khi có sự việc ảnh hưởng đến an ninh trật tự trường học cũng như ngoài xã hội.
Trước tình hình trên, đại diện Công an Thừa Thiên Huế đề nghị cần có chế tài cụ thể trong việc xử lý SV tụ tập trái pháp luật, đồng thời sớm ban hành quy chế quản lý SV ngoại trú, quy chế quản lý trường quốc tế, liên doanh với nước ngoài trong đào tạo… Với xu thế du học nước ngoài ngày càng gia tăng, ngành giáo dục cũng cần có quy chế quản lý lưu HS Việt Nam ra nước ngoài học tập cũng như lưu HS nước ngoài vào Việt Nam học. Ngoài ra, các loại học bổng nước ngoài cũng phải được quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng các thế lực thù địch âm mưu lôi kéo, lợi dụng HS, SV để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” chống phá nước ta.
Tiếp thu ý kiến của các trường, Trung tướng Vũ Hải Triều – Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an cho biết, sẽ giao trách nhiệm cho các ngành liên quan phối hợp với các trường xây dựng một số tình huống cụ thể liên quan đến vấn đề an ninh trật tự để tập huấn cho các trường. Trung tướng Vũ Hải Triều cũng thống nhất ý kiến cần cập nhật và cung cấp thông tin cần thiết cho các trường để kịp thời định hướng cho cán bộ, giảng viên và HS, SV trước những sự kiện chính trị xã hội lớn.
Nghiêm Huê
Trung tá Nguyễn Văn Tráng, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết: năm 2007, toàn quốc phát hiện 10.361 vụ trẻ em vi phạm pháp luật gồm 15.589 em. Riêng 6 tháng đầu năm 2008, phát hiện 5.746 vụ, gồm 9.000 em, trong đó, độ tuổi dưới 14 chiếm khoảng 8%, từ 14 – 16 tuổi chiếm 32%, từ 16 đến dưới 18 tuổi chiếm khoảng 60%. Số vụ án do người chưa thành niên gây ra chiếm khoảng 20% tổng số vụ hình sự.
 

Bình luận (0)