Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tệ nạn tràn vào bệnh viện: Trộm cắp hoành hành

Tạp Chí Giáo Dục

Một tối tháng 6, chị Nguyễn Thị Kim Chung (quê Bình Thuận), quần ống thấp ống cao hớt hải hỏi thăm hết người này đến người kia để tìm lại túi đồ vừa bị mất. Tiếng gào khóc trong tuyệt vọng của chị làm cả khuôn viên bệnh viện (BV) Chợ Rẫy náo động. Số là đứa con trai bị tai nạn giao thông, nhà nghèo, chị phải bán tất cả vườn tược, vay mượn thêm 15 triệu đồng để chạy chữa cho con, nhưng mới vừa cho con nhập viện thì toàn bộ số tiền trên bị bọn trộm “cuỗm” hết. Tính mạng con trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” mà trong tay không có lấy một xu, lòng dạ chị quặn thắt…

Không chừa một ai

Địa điểm thân nhân của người bệnh nghỉ ngơi - nơi dễ xảy ra mất cắp (ảnh chụp tại bệnh viện Chợ Rẫy)Anh Trương Quang Được ở Tiền Giang đưa con lên khám bệnh tại BV Nhi Đồng I, vừa vào thanh toán tiền phí khám bệnh quay ra thì đã bị kẻ gian rạch túi lấy mất 6 triệu đồng. Người vợ chỉ còn biết khóc lóc, khi chưa biết bệnh tình của con thế nào mà đã không còn đồng tiền nào trong túi. Anh Được đành phải gọi điện thoại về quê vay mượn cho con nhập viện.

Phần lớn những người bị trộm cắp là từ quê lên do tính thật thà, cả tin và thiếu sự cảnh giác nên rất dễ trở thành nạn nhân của những kẻ bất lương hiện đang sống trà trộn tại các BV trong thành phố. Cuối tuần vừa qua, anh N.T.H là công an, đưa người nhà vào BV Ung Bướu TP, khi anh H. rời phòng cấp cứu cũng là lúc nhận thấy cái bóp của mình đã không cánh mà bay!

Chị Nga, nhà ở quận 9 đi nuôi em trai bệnh ở BV Chợ Rẫy cho chúng tôi biết: “Đêm qua tôi thấy tiếng động ở chân, mở mắt ra xem thì thấy hai thanh niên đang trèo lên phía trên khoa Hồi sức. Biết tôi đã nhìn thấy, bọn chúng vội vàng leo xuống và chạy mất. Từ ngày vào trong này tôi chứng kiến nhiều vụ mất trộm, nên lúc nào tôi cũng nơm nớp lo sợ và cảnh giác mất cắp, nhiều đêm tôi không ngủ được”.

Chập choạng tối ngày 2-7 tại BV Chợ Rẫy, vừa bồng con, chị Vũ Thị Vui (quê ở Đà Nẵng) vừa đưa tay lau nước mắt. Hỏi chuyện mới biết chị vừa bị kẻ gian lấy hết tiền bạc. Con chị bệnh nặng, gia đình đông con lại không có khoản thu nhập nào khác ngoài việc làm ruộng. Chị Vui vừa ra mua cơm thì bị kẻ gian rạch túi lấy hết tiền. Những người chứng kiến sự việc không khỏi xót xa, gom góp cho chị ít tiền đủ ăn uống qua ngày chờ chồng về quê mượn tiền mang vào. “Gia đình chỉ còn mái nhà cấp bốn, để lấy chỗ chui ra chui vào cho mấy đứa nhỏ. Bữa ni (nay) không biết lấy gì sống, tiền đâu lo thuốc cho con” – chị Vui vừa khóc vừa kể.

Tình trạng trộm thường xuyên “viếng thăm” BV đang là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay ở các BV đóng trên địa bàn TP, đặc biệt là các BV có số lượng bệnh nhân lớn như Chợ Rẫy, Ung Bướu, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2… Bọn trộm nhắm đến tất cả những đối tượng từ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đến cả các cán bộ, bác sĩ, công nhân viên BV cũng bị kẻ trộm “viếng thăm”. Tại các bãi giữ xe, chuyện mất cắp xảy ra như cơm bữa. Anh N.H. (đang công tác tại một tờ báo) đi thăm người bệnh tại BV Quốc tế Columbia (quận Bình Thạnh) vừa vào BV đã bị kẻ gian móc túi lấy cắp điện thoại, khi trở ra xe thì mũ bảo hiểm cũng biến mất từ lúc nào.

Điều đáng nói, phần lớn người vào viện là những gia đình nghèo, như trường hợp của chị Vui, chật vật lo tiền viện phí, thuốc thang chị phải bán cả gia tài. Khi những đồng tiền cuối cùng dành dụm được bị mất thì chị chỉ biết nhìn cái chết đến gần với con mình!

Bảo vệ bó tay!

Nạn trộm cắp trong BV không còn là vấn đề mới mẻ, thế nhưng thực trạng này đã và đang hoành hành với chiều hướng ngày càng gia tăng nhưng các sở ngành chức năng vẫn chưa tìm ra được giải pháp để ngăn chặn. Đặc biệt hình thức của bọn trộm ngày càng tinh vi hơn như giả dạng người đi khám bệnh, hay làm người nhà bệnh nhân để chờ cơ hội ra tay. Ông Trần Anh Dũng – Đội trưởng Đội bảo vệ BV Chợ Rẫy cho hay: “Hiện nay đối tượng trộm cắp có nhiều thủ đoạn rất tinh vi, có khi chúng là người mẹ mang con đi khám, khi là bà già với nét mặt khắc khổ, khi lại là một người ăn mặc lịch sự vàng đeo đầy tay… Vì vậy chúng tôi rất khó phân biệt để triệt phá tận gốc. Vào giờ cao điểm chúng tôi cho các anh em trà trộn vào đám đông hay mai phục lúc đêm khuya thì mới bắt được bọn chúng”.

Ông Trần Văn Sang – Đội trưởng Đội bảo vệ BV Nhi Đồng I tâm sự: “Bệnh nhân hay người nhà từ quê lên thật thà, chất phác nên quá tin người và chưa lường hết những trò lừa đảo đầy thủ đoạn, toan tính của bọn trộm cắp nên rất dễ bị mắc bẫy. Thường bọn trộm ra tay vào lúc đông người”.

Hiện nay lượng bệnh nhân và thân nhân người bệnh tập trung vào các BV rất đông như BV Chợ Rẫy khoảng 30 -32.000 lượt người/ngày nhưng chỉ với hơn 30 bảo vệ; BV Nhi Đồng I mỗi buổi sáng tiếp nhận gần 5.000 người đến khám bệnh, chưa tính những người nằm viện và người thăm nuôi nhưng chỉ 29 bảo vệ cả ngày lẫn đêm. Với lực lượng bảo vệ mỏng so với số lượng người đông và địa bàn phức tạp, vì vậy việc dẫn đến tình trạng trật tự, an ninh chưa đảm bảo tại các BV là điều khó tránh khỏi. Mặt khác khi BV bắt được các đối tượng giao cho công an phường sau một thời gian ngắn thì… đâu lại vào đó. Cách xử lý “bắt cóc bỏ dĩa” này cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các đối tượng tội phạm hoành hành ngày càng gia tăng đến mức báo động.

 

Theo báo cáo hết tháng 5-2008 của BV Chợ Rẫy (TP.HCM):

Lấy cắp bắt quả tang: 29 vụ; vào BV vi phạm nội quy: 123 vụ; đưa sang Công an phường 12, Q.5: 45 vụ, cảnh cáo 15 vụ. Thu hồi trả lại cho bệnh nhân: 9 chiếc điện thoại di động, mũ bảo hiểm 29 cái, 2 chỉ vàng, một xe gắn máy. Riêng trong tháng 6: Lấy cắp bắt quả tang: 6 vụ, vi phạm nội quy: 30 vụ, lừa gạt tiền: 2 vụ. (Trong đó trao trả cho người mất 2 chiếc xe máy cùng tiền và giấy tờ khác).

 

Văn Mạnh

(Còn tiếp)

Bình luận (0)