Tòa soạnThư đi – tin lại

Tệ nạn trong nam công nhân: Bài 1: Những “cung đường ăn nhậu”

Tạp Chí Giáo Dục

Những quán nhậu bình dân này là điểm đến của công nhân, cả việc “giải quyết” mâu thuẫn khi có men. Ảnh: C.Luận

Dịp cuối tuần hoặc cuối tháng, các quán nhậu gần khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) tại TP.HCM lại nhộn nhịp hẳn lên. “Chén anh chén chú” xong, nhiều khi những mâu thuẫn, tư thù trước đây của các nam công nhân sẽ được “giải quyết” tại chỗ…
Cận cảnh
Một đêm thứ bảy, chúng tôi có mặt tại phố nhậu công nhân quanh KCN Tân Tạo, Q.Bình Tân. Kim đồng hồ đã chỉ quá 22 giờ. Nơi chúng tôi dừng chân là một con đường nhỏ dẫn vào KCN, hai bên đường la liệt hàng quán bình dân. Ban ngày nơi đây bán cơm, phở, tối đến tận dụng mặt bằng kinh doanh quán nhậu. Rượu đế, bia hơi, bia tươi… là những thức uống bán chạy nhất tại khu vực này. Mồi nhậu cũng rất đạm bạc: xoài, cóc, ổi, đậu phộng luộc, lòng heo, khô các loại… Từng lượt công nhân kè nhau ra về, bước chân xiêu vẹo. Tốp này vừa đi, tốp khác lại kéo đến. Một công nhân lên giọng với chủ quán: “Bà chủ, bộ hôm nay bán đủ sở hụi rồi hay sao mà không thèm đếm xỉa đến tụi này vậy?”. Bà chủ chưa kịp trả lời, một công nhân khác đã la om trời bằng giọng đao búa: “Bà có tin ngày mai bà không còn được bán ở đây không?”. Bà chủ quán chừng ngoài 50 tuổi bước đến gần ra vẻ chiều khách: “Hôm nay các cậu nhậu gì, con bé phụ quán về quê, một mình làm không xuể, thông cảm nhé”. Người lớn tiếng lúc nãy hối: “Một dĩa khô đuối, mắm me và nửa lít Gò Đen, nhanh nhé”. Tranh thủ lúc vắng khách, chúng tôi lân la hỏi chuyện. Chủ quán cho biết mình tên Thanh (quê Chợ Gạo, Tiền Giang) mới ra đây bán hơn một năm nay. Trước bà Thanh làm tạp vụ ở Công ty Bao bì cơ khí Đại Phú (Q.Tân Phú). Hỏi chuyện công nhân ăn nhậu, bà Thanh lắc đầu ngao ngán: “Tụi nó đủ trò, coi trời bằng vung. Nhiều lần ăn uống ở đâu no say rồi kéo đến đây gây sự với khách, đập phá bàn ghế. Quán tui là ít đó, sang quán bên kia đường hỏi là biết, hầu như ngày nào cũng xảy ra ẩu đả giữa công nhân với nhau hoặc công nhân với khách vãng lai”. “Chính quyền địa phương có biết chuyện này không?”, tôi hỏi. “Vừa mời về phường làm việc, xử phạt tụi nó hôm trước, hôm sau vẫn chứng nào tật nấy. Mình lên tiếng mất công đêm nào tụi nó cũng kéo đến quậy phá thì khỏi buôn bán luôn. Có đứa biết điều, đập phá rồi bồi thường, bằng không mình cũng chẳng làm gì được”, bà Thanh rầu rĩ.
0 giờ, chúng tôi ngược trở lại khu vực gần KCX Tân Thuận, Q.7. Thời gian đã bắt đầu cho một ngày mới nhưng những quán nhậu bình dân ở đây dường như mới mở cửa đón khách. Cho xe chạy chậm trước một quán nhậu không tên xập xệ trên đường Bùi Văn Ba, một thanh niên xuống đường, vẫy tay đón chúng tôi, mời mọc: “Nhậu đi anh, tụi em bán đến sáng”. Không do dự, chúng tôi vào quán gọi hai chai bia. Lúc này trong cái khuôn viên chật chội của quán, ngoài chúng tôi còn có một bàn khách 3 người đến trước. Quán tối om vì chủ trương tiết kiệm điện.
Lời biện minh
Chưa kịp xã giao, làm quen với ba công nhân bàn bên cạnh, chúng tôi phải chạy thoát thân vì trận ẩu đả bằng vỏ chai giữa bạn nhậu với nhau.
Đến một quán nhậu khác nằm gần đó, đem chuyện hỗn chiến lúc nãy kể cho ông chủ quán trẻ tuổi nghe, ông ta phán: “Tụi em chạy thoát khỏi quán mà không có thương tích gì là hay rồi đó. Khu này công nhân say xỉn, giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí là chuyện xảy ra như cơm bữa, nhiều khách còn bị vạ lây”.
Về đêm, các con đường Nguyễn Thần Hiến, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Tất Thành… (thuộc địa bàn Q.4 và Q.7) cũng nhộn nhịp không kém. Đây là những con đường tập trung nhiều nhà trọ công nhân nên quán nhậu bình dân mọc lên như “nấm sau mưa”. Vào dịp cuối tuần hoặc cuối tháng (có lương), lượng công nhân đổ về các quán nhậu này rất đông. Giải pháp an toàn, hạn chế đổ máu sau những vụ hỗn chiến mà các chủ quán sử dụng là tuyệt đối không để dao hay các vật sắc nhọn, nặng… gần khu vực khách ngồi.
Hầu như những công nhân mà chúng tôi tiếp xúc, ai ai cũng có chung một câu cửa miệng: “biết đi đâu bây giờ” như lời biện minh cho thói hư tật xấu của mình. Anh Nguyễn Trọng Hoàn, cán bộ Đoàn thanh niên KCX Tân Thuận tâm tư: “Chúng tôi cùng các tổ chức đoàn thể của địa phương thường xuyên phối hợp tổ chức các lễ hội, đêm sinh hoạt văn hóa thiết thực với công nhân nhưng chẳng mấy ai quan tâm. Có chăng cũng chỉ là nữ công nhân. Chúng tôi đã cố gắng tìm mọi cách để tuyên truyền nhưng xem ra nam công nhân vẫn còn “lơ”, xem thường với các hoạt động vui chơi, giải trí tập thể”.
Trần Trần

Môi trường sống ở các dãy trọ gần KCN, KCX là rất phức tạp, thế nhưng chính quyền địa phương lại quá tin tưởng vào chủ nhà nên có phần buông lỏng trong việc quản lý người tạm trú. Mâu thuẫn nảy sinh trong công ty, ở chỗ trọ hoặc những xích mích, gây hấn không đáng có bên ngoài… thường được giải quyết sau khi “rượu vào lời ra”. Hậu quả ấy đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về tệ nạn xã hội trong nam công nhân.


 

Bình luận (0)