Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Teen đua nhau sắm dế

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Vừa bước chân khỏi cổng trường, một số học sinh nhanh chóng đưa tay vào cặp để lấy điện thoại, số khác lại lục tìm tai nghe gắn với "dế"…Hiện điện thoại đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của teen.

Tại trường THPT Nguyễn Thị Diệu, quận 3, TP HCM, một nhóm 6 học sinh nam và nữ sau giờ tan trường, lao nhanh vào quán trà sữa đối diện trường để nghỉ trưa. Cô nữ sinh vội vàng rút điện thoại gọi cho bạn nhờ mua giúp hộp cơm trưa rồi nhanh chóng tụ lại bàn bạc về những chú “dế”.

Một cô học sinh lớp 11 kể, ngày trước ba mẹ cũng không cho dùng điện thoại di động. Nhưng khi em vào lớp 10, công việc của ba mẹ thường xuyên đi công tác nên ông bà quyết định chọn một chiếc. "Lúc đó em xem quảng cáo có loại Sony Ericsson W760 màu tím, em “chết ngay cái nhìn đầu tiên” nhưng khi mua em lại chọn cái màu xanh cốm nhìn cho “mát con mắt”. Bây giờ em được mẹ mua cho một cái mới, điện thoại cảm ứng Samsung … màu hồng. Bạn bè em đứa nào cũng khen em có “dế” xinh và sành điệu", cô bé khoe.

Hầu hết học sinh THPT đều có điện thoại. Ảnh: Nhật My.

Một nam học sinh lớp 10 trường Lương Thế Vinh, quận Tân Bình cho biết, em "đến với điện thoại" vì thấy bạn bè trong lớp ai cũng có. Đưa ra vô vàn những lý do như hỗ trợ đắc lực trong công việc học tập, tiện lợi khi trao đổi bài vở, dễ dàng để ba mẹ theo dõi quản lý… em cũng được phụ huynh "tậu" cho.

“Từ khi dùng “dế” đến nay em đã qua 3 “chú”. Ban đầu là “cục gạch” màn hình trắng đen, chỉ gọi, nghe, nhắn tin. “Chú” thứ hai, ba mẹ cho em “lên đời” hơn một tý và hiện giờ em đang sở hữu con N72 màu đen, được thưởng vì đủ tiêu chuẩn học trường công. Nhưng thấy thằng bạn cùng lớp em đang xài “con” Nokia E63, em cũng thấy thích nhưng phải đợi một dịp khác mới xin được”, nam học sinh hồn nhiên kể.

Cậu học sinh khác thì cho hay, lớp cậu hầu hết đều đã có điện thoại, nhưng “tùy hoàn cảnh gia đình” mà mỗi bạn có các loại “dế” khác nhau. Thị trường giờ lại đầy sim, card khuyến mãi nên nhiều bạn "tậu" cả 2 cái điện thoại, một để dùng số cố định, ba mẹ bạn bè liên lạc, một cái “cùi mía” để gọi, nghe, nhắn tin cho rẻ.

Em kể, mỗi ngày đi học, ba mẹ cho 50.000 – 100.000 tiền ăn sáng, cơm trưa và tiêu vặt tại trường nên tiền card điện thoại trích ra từ đó. Khi nào có nhiều tiền em nạp card nhiều, không có thì nạp card 10.000 đồng, 20.000 đồng nhắn tin “tạm” mấy ngày.

Một cô bạn ngồi cạnh ngắt lời bạn: "Ba mẹ cho em dùng thuê bao trả sau nên mỗi tháng em mà dùng nhiều là bị mẹ la, rồi càu nhàu nghe đau đầu lắm. Em lén mẹ mua sim khuyến mãi dùng để khỏi phải tăng cước phí hàng tháng".

Về phía phụ huynh, chị Đặng Thị Mỹ Hạnh, quận Bình Thạnh kể, chị bắt đầu cho con mình dùng điện thoại khi cháu học lớp 8 để dễ quản lý. Cuối tháng trước, nhận hóa đơn chị "choáng" khi tiền tin nhắn 500.000 đồng, gọi thì chỉ có vài cuộc.

Thấy việc học gần đây của con giảm sút, chị Hạnh tịch thu luôn điện thoại từ sau thời gian đó, cháu cứ đóng cửa ở trong phòng, hành vi bí hiểm. Hóa ra, cậu lấy tiền tiết kiệm của mình để mua điện thoại khác và giải thích lý do là "sợ bạn bè biết “chọc quê” nên con lén mẹ mua một chiếc giống như cái mẹ đã tịch thu"

Theo chuyên gia tâm lý trẻ vị thành niên Lương Minh Nhật, Giảng viên khoa tâm lý trường Đại học Sài Gòn, các trường THCS và THPT đang ban hành nội quy cấm học sinh dùng điện thoại di động. Nhưng đôi khi cha mẹ vẫn cho con dùng chủ yếu xem con đang ở đâu, làm gì… Thực tế, các em sử dụng điện thoại vào nhiều việc khác nhau như: nghe nhạc, nhắn tin, chụp hình thậm chí chụp các bạn nữ, quay phim từ dưới bàn học.

Nhật My (VNE)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)