Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Teen lạm dụng máy tính cầm tay

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày nay, teen mình đi học bạn nào cũng có một chiếc máy tính cầm tay để tiện tính toán. Nhưng vì thế mà có nhiều bạn đã hơi lạm dụng dùng máy tính, khiến cho đến khi rời máy tính ra tài những phép tính đơn giản cũng không tính được.

Hoặc có những bạn quên hết các công thức, giá trị mà bắt buộc phải học thuộc.
Phép tính nào cũng dùng máy tính
H.Mai (lớp 10, THPT N.) sử dụng 1 máy tính bỏ túi Casio Fx500, chiếc máy tính thực sự giúp ích rất nhiều cho Mai trong việc tính toán, làm các bài tập. Nếu không có máy tính thì công nhận là teen mình sẽ rất khó khăn trong việc học bài, nhất là các môn tự nhiên cần dến tính toán. Thế nhưng Mai lại lúc nào cũng dùng đến máy tính, kể cả những phép tính đơn giản có trong bảng cửu chương cho đến những phép tính 0,4/2… Mai kể không có máy tính Mai không chắc kết quả, thế nên dù có biết trước kết quả thì cứ phải kiểm tra lại băng máy tính cho chắc ăn, cũng không tốn nhiều thời gian lắm mà.
T.Hưng (lớp 11, THPT C.) thì không giống Mai, sử dụng máy tính trong cả những phép toán quá đơn giản, nhưng khi tính góc lượng giác, giá trị góc lượng giác, rồi tính tổ hợp, chỉnh hợp…Hưng đều dùng đến máy tính, nhanh thì rất nhanh nhưng đến khi hỏi lại công thức thì Hưng quên sạch. Hưng bảo mấy công thức ấy chẳng quan trọng, cứ tính máy tính cho nhanh đã, kiểm tra trên lớp nếu có kiểm tra công thức thì đi hỏi bạn bè, hoặc cùng lắm là bỏ qua, có được bao nhiêu điểm đâu, còn thi đại học thì chẳng ai người ta hỏi đến mấy cái đấy, mất công sức đâu mà đi học những cái công thức dài lê thê, đã thế lại còn nhanh quên nữa, có máy hiện đại, lợi ích thế tội gì mà không dùng. Hưng còn bảo rằng nhiêu bạn lớp Hưng cũng thế.
Và hậu quả tất yếu
Cô bạn H.Mai vì quá quen với máy tính, đến khi làm bài kiểm tra, nhất là bài kiểm tra trắc nghiệm thời gian hạn hẹp, cứ mải miết bấm máy tính với những phép tính nhỏ nhặt mà không biết rằng một lần tính có thể không tốn thời gian lắm, nhưng nhiều lần làm những thao tác không cần thiết như thế thì sẽ rất tốn thời gian, mà có khi chỉ cần 1 vài phút là xong một câu trắc nghiệm rồi. Thế nên hậu quả tất yếu là thời gian làm bài sẽ không đủ. Có lúc vội quá Mai tính nhẩm luống cuống thế nào lại ghi “1+ 4= 6”, đến khi phát hiện ra thì còn chỉ biết tiếc hùi hụi thôi. Nếu Mai hàng ngày vẫn tính bình thường những phép tính ấy, thì đến lúc kiểm tra chắc không luống cuống đến như vậy. Thậm chí nhân chia số thập phân, số mũ dù đơn giản, chỉ cần giản ước nhưng Mai cũng không biết làm, trong khi điều đó các em học tiểu học cũng có thể làm được, thế mà Mai học đến lớp 10 rồi vẫn còn lúng túng.
Còn T.Hưng vì hay làm ma trận trên máy tính nên máy gặp trục trặc, tính toán, giá trị lượng giác…sai hết mà chẳng biết gì cả. Hay hôm nào quên máy tính thì Hưng chẳng học hành gì được vì không tính toán được, giờ kiểm tra không mượn máy tính bạn nào được. Công nhận là nếu phải tính toán với những công thức dài sẽ rất lâu, dùng máy tính sẽ nhanh hơn, nhưng khi làm bài tập lượng giác, nếu nhớ giá trị mà không cần phải bấm máy tính thì chắc chắn là sẽ làm bài nhanh hơn, nhưng Hưng vẫn phải dùng đến máy tính. Hoặc cũng có những phép tính, bài tập không thế dùng máy tính được vì quá phức tạp, phải tự giải thì vì không có kỹ năng nên Hưng không biết làm.
Thầy giáo cũng đã cảnh báo Hưng rằng không có máy tính nào bằng được kỹ năng chủ động giải nhanh của chính bản thân mình, phụ thuộc vào máy móc mãi làm sao được, đâu phải lúc nào cũng mang máy tính đi theo để tính được, chẳng lẽ đi ra chợ cũng lôi máy tính ra để tính tiền thì mình đi học để làm gì?
Kết
Không thể phủ nhận lợi ích của máy tính với việc học của teen, nhưng cũng không nên lạm dụng máy móc quá nhiều vì teen mình cũng hoàn toàn có thể làm được những phép tính đơn giản và làm bài tập để nhớ công thức, mà nhiều khi tính nhẩm còn nhanh và dễ dàng hơn là bấm máy tính nữa, teen nhỉ!
Theo Mực Tím

Bình luận (0)