Khuôn mặt điềm tĩnh kiên nhẫn, ánh mắt sắc lạnh nhìn chăm chăm vào phao câu lơ lửng theo dòng chảy, nín thở nhìn từng tăm cá sủi trên mặt nước, những bạn trẻ sung sướng khi giật được con cá rô phi to tướng.
Vào hè, tạm "xếp bút nghiên", teen Sài Gòn í ới gọi nhau, tìm nơi mua sắm dụng cụ, đồ nghề… lên đường "săn" cá. Thú chơi tưởng chừng chỉ dành cho người lớn, các bậc trung niên bỗng thời gian gần đây trở thành mốt mới của giới trẻ.
Bạn Văn Minh và nhóm bạn đang say sưa câu cá ao ruộng ở huyện Bình Chánh. Ảnh: Tá Lâm. |
Bạn Văn Minh, học sinh trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) cho biết: "Câu cá ngoài dịp thư giãn sau một năm học căng thẳng, còn là để tăng thêm vốn hiểu biết và gặp gỡ bạn bè. Đó là những phút giây tâm hồn tĩnh lặng, xa cuộc sống vốn dĩ xô bồ nơi phố thị ồn ào và náo nhiệt".
Còn Huy Tuấn, cậu bạn cùng trường với Minh lại cho rằng: "Trước đây, việc chờ đợi làm mình khó chịu. Nhưng từ khi đi câu cá, mình học được tính kiên nhẫn để đợi cá đớp mồi. Câu cá còn giúp mình biết nhường nhịn người khác, biết nhường phần ao câu mà mình thường ngồi cho người khác khi đến muộn. Sống là để sẻ chia, là vì cộng đồng".
Theo ghi nhận của PV, trong một buổi chiều tại khúc sông đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) có khoảng vài chục teen, chia thành nhiều nhóm. Họ đến từ nhiều nơi khác nhau, có bạn ở quận 7, quận 3, lại có bạn ở tít quận Thủ Đức… Đồ nghề đi câu của các bạn lỉnh kỉnh đủ thứ. Ngoài cần và mồi câu, các bạn còn mang theo cả nước ngọt, thuốc xức muỗi và cả máy tính xách tay, máy chụp hình để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Có bạn còn dự trù cả ghế xếp để nằm nghỉ thư giãn trên bờ ruộng.
Hạn chế về kinh tế nên các cô cậu tuổi teen tỏ ra khá nhạy bén. Không câu được những nơi được xây dựng theo mô hình câu cá giải trí nổi tiếng ở Sài Gòn như khu vực Thanh Đa – Bình Quới, khu Ao Đôi, Đông Triều (quận 8), hay Đầm Sen (quận 11)… các bạn kéo nhau đến các địa điểm ao hồ, đầm lầy tự nhiên ở Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi…
"Vừa đỡ phí cả trăm ngàn mà lại câu được nhiều loại cá khác nhau", một bạn trẻ hào hứng kể. "Chiến tích" là cá rô phi, cá trê, thát lát… Có bạn còn bắt được những loài khó câu như: lươn, cá chạch…
Nói về thú vui này, các bạn đều có cùng quan điểm, phải biết tập trung và kiên nhẫn chờ đợi. Ngắm một bạn trẻ đang trầm tư nhìn phao câu lúc đứng yên lúc lại lay động do cá rỉa mồi, rồi bậm môi, giật mạnh tay cần khi thấy dây câu rung mạnh… cười hả hê khi bắt được cá to, hay tiếc nuối khi để vụt mất con cá ham mồi… mới thấy sự say mê mà bạn dành cho bộ môn này. Mỗi ngày, bạn câu được nhiều nhất lên đến 10 kg cá, ít nhất cũng được 1 kg.
Chiến lợi phẩm là một chú cá to bằng ba ngón tay. Ảnh: Tá Lâm. |
Ngoài xem câu cá như một thú vui tiêu khiển, không ít sinh viên coi "câu cá như một nghề… câu cơm". Không chỉ để dùng cho các bữa ăn hằng ngày, có bạn còn đi câu cá, đem bán cho các sạp ở chợ, hay quán nhậu để lấy tiền trang trải chi phí sinh hoạt và học tập.
Trần Nhâm, sinh viên trường ĐH Sài Gòn, mỗi ngày kết thúc học tập ở trường lúc 4h30, lại sắm sữa cần câu đến ao đầm ở huyện Củ Chi, thả mồi và chờ cá "đớp" là "giật". Gần như tối nào Nhâm cũng đi câu, vào thứ Bảy và Chủ nhật thì câu cả ngày. Có ngày Nhâm câu được 10kg cá, đưa vào chợ bán được trên 100.000 đồng. Bình thường bạn cũng kiếm được 50.000 mỗi lần đi câu. Số tiền Nhâm kiếm được dành một phần mua gạo, số còn lại để dành đóng học phí và mua sách vở.
"Kể từ ngày mình học được nghề câu cá, cuộc sống của mình bớt khó khăn. Mình trả được nhiều phí là nhờ những con cá câu được đấy", Nhâm vui vẻ, nói. Đó là lý do vì sao, phòng trọ của Nhâm ở cũng khác biệt với phòng khác. Ngoài những cuốn sách về Toán học, Kinh tế, Kinh doanh…, anh chàng còn trang bị cho mình thêm một vài cuốn sách chuyên về nghề câu cá.
Học tập Nhâm, một số bạn chung khu vực trọ cũng bắt đầu sắm sửa lỉnh kỉnh cần câu, đồ nghề… để kiếm tiền từ cá cắn câu.
Tá Lâm (Ngoisao.net)
Bình luận (0)