Mặc cảm thua kém bạn bè, tự ti về ngoại hình có nhiều khiếm khuyết, xấu hổ khi thi trượt đại học..v.v.., nhiều teen tự giam mình trong thế giới tối tăm của sự thất bại.
1. Những kiểu mặc cảm
Không may để rớt quá nhiều môn và bị đình chỉ học một năm, P.Anh ( ĐH Nông Lâm) luôn mang trong người cảm giác mặc cảm, xấu hổ khi đi chung với nhóm bạn thân. Nhiều lúc ngồi ở nhà không biết làm gì, vừa buồn vừa nản, P.Anh muốn nhắn tin rủ đám bạn đi chơi nhưng lại không dám vì sợ làm phiền tụi bạn học hành thi cử. Nhìn lại mình, cô bạn cảm thấy mình chẳng khác nào một đứa bất tài, vô dụng, rồi P.Anh tự vẽ nên ý niệm trong đầu rằng: mọi người đều đang nhìn mình bằng cặp mắt khinh bỉ!
Một lần nhóm bạn P.Anh đi uống nước và trò chuyện. Một người bạn đã lỡ buông một câu bông đùa (dù chẳng có ẩn ý gì) rằng: "Dạo này tụi bây rủ rê tao cúp học đi chơi hoài nha! Làm tao hổng hiểu bài gì hết trơn, tối về phải ngồi tự học quá chừng luôn!". Trong khi đám bạn vẫn cười giả lả và trêu chọc thì bỗng, P.Anh ngồi phắt dậy với vẻ mặt lạnh lùng rồi quay lưng đi thẳng một nước về nhà. Khi được hỏi, cô bạn mới gằn giọng rằng: "Phải rồi! Tụi bây toàn đứa chăm học, còn tao học dốt, lại ham chơi, bị đình chỉ, suốt ngày nằm ở nhà rủ rê tụi bây, làm phiền quá! Xin lỗi! Mốt cứ đến trường đều đặn đi! Nhỏ rảnh hơi này không dám làm phiền nữa đâu!" Dù người bạn kia đã giải thích rằng chẳng có ẩn ý gì trong câu nói đó nhưng P.Anh vẫn một mực nghĩ rằng câu nói đó là nhằm vào mình. Tự cô lập trong thế giới của riêng mình, P.Anh dần dần đánh mất những người bạn thân thiết.
Cũng như P.Anh, anh bạn Đ.Thông (ĐH GTVT- TP.HCM ) vốn xuất thân từ một gia đình giàu có và được bao bọc như trứng. Dù có đưa ra hàng ngàn lý do thì gia đình vẫn không chấp nhận chuyện cho Thông đi làm thêm ngoài giờ học. Tết đến, bạn bè tận dụng thời gian rảnh đi làm những việc làm thời vụ thì Thông vẫn nằm chèo queo ở nhà mà xấu hổ.
"Nhóm có 4 đứa mà hết 2 đứa sống tự lập ở phòng trọ, đứa còn lại vẫn ở chung với ba mẹ nhưng các khoản chi tiêu đều do chính nó làm ra, không phải ngửa tay xin tiền bố mẹ như mình. Nhiều lúc đi chơi nghe tụi nó than vãn về áp lực công việc mà thấy buồn tủi ghê gớm. Chán nản nên dạo gần đây mình cũng không muốn đi chung với tụi nó. Kiếm đám bạn nhà giàu, công tử tiểu thư như mình mà chơi xem ra hợp hơn!" – Thông tâm sự.
Và còn rất nhiều những kiểu mặc cảm khác với lý do vô cùng…củ chuối của teen: Không đẹp bằng người ta, không có ai để cặp kè, sở hữu một thân hình "hai lưng" (trước sau phẳng lì như một ), có ba là xe ôm, có chị bị mất vì HIV…v.v..
2. Ý kiến của người ngoài cuộc
Cảm giác mặc cảm khiến teen luôn chìm trong những suy nghĩ tiêu cực, cảm thấy thế giới đang dần quay lưng với một đứa bất tài, vô dụng như mình và thế là teen đóng cửa trái tim, rụt rè không dám dấn thân vào xã hội. Thật ra, những rào cản vô hình đó hoàn toàn có thể vượt qua được, chỉ bằng cách bạn dám nói "I can" thay vì "I cant"!
Người bạn của P.Anh cho biết: "Chưa bao giờ bọn mình có ý nghĩ xem thường P.Anh. Việc bị đình chỉ học chỉ là một sự xui xẻo ngoài ý muốn. Tất cả bọn mình đều lớn lên và trải qua những vấp váp, đó không phải là điều đáng xấu hổ, chỉ xấu hổ khi P.Anh không dám bước tiếp thôi! Trong mắt bọn mình, P.Anh luôn là một người bạn tốt, hết lòng vì bạn bè, có những tài năng riêng mà không phải ai cũng có được! Mình hy vọng P.Anh hãy suy nghĩ lại, thay vì bỏ cuộc, hãy đứng dậy và làm lại. Nhất định thành công sẽ mỉm cười"
Bạn thấy đó! Chẳng ai có cái nhìn khắt khe về bạn. Đó chỉ là những ảo ảnh do bạn tự đặt ra khi gặp phải vấp váp mà thôi. Để thoát khỏi những ám ảnh đó, để khẳng định lại chính mình, sao bạn không làm một điều gì đó thật khác để không phụ lòng kỳ vọng của mọi người thay vì nằm đó giơ cờ trắng để nỗi ám ảnh trong bạn thành hiện thực.
3. Khi bạn bước qua những rào cản
Là một học sinh cá biệt, luôn đứng bét lớp, hạnh kiểm trung bình, T.Quỳnh luôn sống trong những nỗi dằn vặt khi biết được rằng mình không hề tồn tại trong mắt người khác. Trong những buổi họp mặt gia đình, họ hàng, ai ai cũng nhắc đến người chị của Quỳnh, người đã đỗ cao vào trường ĐH QG TP.HCM. Trong khi đó, Quỳnh ngồi thui thủi ở một góc nhà với tấm thẻ sinh viên hệ Cao đẳng của một trường dân lập không tên tuổi. Mặc cảm thua kém không hề làm Quỳnh nhụt chí, trái lại, cô bạn nỗ lực hết mình từng ngày để khẳng định lại bản thân bằng những việc thật khác.
Quỳnh biết mình không có khiếu học những bài giảng trong sách vở, cô bạn thích tìm tòi và khám phá nhiều hơn. Thế rồi Quỳnh trở thành cộng tác viên cho một tờ báo của tuổi teen. Sau một thời gian tập tành viết lách, Quỳnh giành được khá nhiều giải thưởng lớn nhỏ trong các các cuộc thi trên báo chí. Số tiền tự mình kiếm được khi chưa đầy 20 tuổi khiến bạn bè ngưỡng mộ, họ hàng bắt đầu công nhận sự tồn tại của cô bạn này, và thôi so sánh với chị gái.
M.Huy (24 tuổi- chuyên viên thiết kế website) cho biết: "Hồi ấy nhìn tụi bạn đi làm mình cũng ham. Nhưng ba mẹ không cho, mà cũng chẳng còn thời gian khi lịch học quá dày. Thay vì buồn tủi, ghen tức với các bạn, mình chú tâm vào bài học trên lớp nhiều hơn. Bây giờ, dù mình xuất phát chậm nhưng với một mớ kiến thức vững chắc, mình đã tốt nghiệp ra trường và được nhận vào làm ở một công ty nước ngoài. Lùi một tiến mười, đời còn dài mà, lo gì những thua kém tức thời, bạn nhỉ?"
Thẩm Quỳnh Trân (MTO)
Bình luận (0)