Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Temerloh thanh bình

Tạp Chí Giáo Dục

Chúng tôi đến Temerloh, một thị trấn của bang Pahang, cách thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia khoảng 130km vào một buổi chiều cuối tháng 9. Đi hết con đường Kuantan-Kuala Lumpur phủ rợp cây xanh, Temerloh hiện ra là một miền quê thanh bình, yên ả, những mái ngói đỏ lác đác dưới những hàng cây xanh, dọc theo những con đường dốc quanh co.

Sau khi cất hành lý ở nhà một người dân, chúng tôi dạo một vòng trong làng. Dọc đường, chúng tôi được chào đón bằng những nụ cười thân thiện từ những người đàn ông mặc áo dài và những phụ nữ Hồi giáo trùm khăn lên đầu với áo choàng dài.
Con sông Temerloh hiền hoà lúc chiều tà. Ảnh: Mỹ Loan
Qua câu chuyện làm quen, vài người trong làng cho hay thu nhập chủ yếu của họ là từ việc kinh doanh dịch vụ tiếp đón du khách tại nhà (homestay), một số bà con khác làm nghề đánh cá. Có điều đáng chú ý là 50% số dân ở đây nhận được trợ cấp của chính phủ.
Những ngôi nhà ở Temerloh thường thấp hơn so với mặt đường, được xây dựng theo phong cách thuộc địa xưa, thấp và mái nhà thường quét sơn màu đỏ. Trong không gian chiều tà yên ả, xa xa đâu đó thoáng nghe tiếng kinh Koran từ các nhà nguyện của người Hồi giáo. Người hướng dẫn nói, các tín đồ Hồi giáo cầu nguyện một ngày sáu lần như vậy.
Thật may mắn khi đến Temelor vào Chủ nhật, chúng tôi được đến thăm phiên chợ cuối tuần, tiếng Malaysia gọi là Pekan Sehari, là phiên chợ lớn nhất, diễn ra từ 7 giờ đến 10 giờ sáng mỗi Chủ nhật, dọc con sông Temerloh hiền hòa. Đầu chợ phía bên phải chợ là một thánh đường Hồi giáo uy nghiêm.
Chợ phiên ở đây bán hầu như đầy đủ các mặt hàng như ở một khu chợ thông thường Việt Nam như rau quả, thực phẩm, quần áo, sách vở, đồng hồ, bánh kẹo… và được bán với giá khá rẻ. Nhưng có một nét rất đặc biệt là cách trưng bày của người bán hàng, các loại rau không nhiều và không chất thành từng đống như chợ Việt Nam mà họ xếp vào từng dĩa nhỏ nhỏ, trông cứ như là một triển lãm sắp đặt thực phẩm.
Sau khi tham quan chợ phiên, chúng tôi trở về khu nhà nghỉ và không thể nào bất ngờ hơn vì trước sân ngôi nhà chúng tôi nghỉ lại, đang diễn ra một lễ hội với bữa tiệc buffet các món truyền thống của Malaysia. Chủ nhà cho biết, hôm đó nhằm dịp một ngày lễ của đạo Hồi.
Bữa tiệc buffet vào một ngày lễ Hồi giáo ở Temerloh. Ảnh: Mỹ Loan
Ở Malaysia, người theo đạo Hồi thì không ăn thịt lợn và uống rượu, người theo đạo Hindu thì không ăn thịt bò. Các món ăn dọn cho bữa tiệc buffet này chủ yếu chế biến từ cá; tuy nhiên cũng có món truyền thống là satay bò (nướng), cari hầm thịt bò, và các món rau. Chúng tôi cũng được thưởng thức món cơm nấu trong ống tre và món cá cơm kho mặn bắt từ sông Temerloh.
Trong các món ăn, du khách có thể cảm nhận vị cay nồng của ẩm thực Ấn Độ, vị béo và hơi ngọt của ẩm thực Trung Hoa… kết hợp với hương vị của người Malay bản địa cùng một chút gia vị của phương Tây đã tạo nên những món ăn rất đặc biệt, vừa quen vừa lạ miệng.
Sau khi ăn uống, chúng tôi được thưởng thức các tiết mục múa truyền thống rất ấn tượng của các chàng trai, cô gái trẻ trong trang phục đầy màu sắc. Sau khi biểu diễn, các vũ công mời chúng tôi cùng nhảy theo giai điệu những bài hát truyền thống.
Một điệu múa truyền thống của Malaysia. Ảnh: Mỹ Loan
Khiêu vũ không phải là điều gì đặc biệt, nhưng khi bạn được người dân bản xứ mời tham gia các điệu nhảy truyền thống trên đất nước họ, lúc ấy, cảm giác không còn chỉ là nhảy cho vui, cho khỏe mà bạn thực sự đắm mình vào một không gian lễ hội mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống với cảm giác gần gũi, thân thương. Tiếp nối những vũ điệu là biểu diễn võ thuật truyền thống Malaysia.
Chiều đến, chúng tôi tiếp tục tham quan khu bảo tồn voi, nơi thu hút khá nhiều du khách nước ngoài. Khi thấy ở đó người ta không thu tiền vào cổng, tôi thật sự tò mò, hỏi người hướng dẫn và thật ngạc nhiên khi biết chính phủ Malaysia đặt nặng mục tiêu kêu gọi ý thức và hành động bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã của mọi người hơn là lợi nhuận kinh doanh.
Cũng như các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, văn hóa Malaysia cũng có nhiều nét tương đồng, gần gũi với Việt Nam. Tuy nhiên, trong văn hóa ứng xử của người Malaysia có những điều khách du lịch cần biết như cởi giày dép, bỏ mũ nón trước khi vào đền thờ, thánh điện hay vào nhà của người Malaysia; khi ngồi không được vắt chéo chân (theo người Malaysia thì hành động này rất mất lịch sự). Thêm vào đó, du khách không nên mặc quần ngắn đến những nơi thờ cúng hoặc những nơi thiêng liêng.
Trên đường quay về Kuala Lumpur, những giai điệu và vũ điệu truyền thống, hương vị món satay và hình ảnh thân thiện của người dân Temerloh liên tục trở lại trong suy nghĩ của chúng tôi với cảm giác thật thú vị, ấm áp. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng về cách chào của họ. Khi gặp và chào người khác, người Malaysia hơi cúi đầu, đưa một hoặc hai tay ra chạm vào một hoặc hai tay của người đối diện rồi áp bàn tay lên ngực, cử chỉ mang ý nghĩa thân thiện và trân trọng như muốn lưu giữ vào trái tim mình tình cảm về người khách mới gặp.
Theo TBKTSG

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)