Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cận kề, mặc dù nguồn kinh phí hạn hẹp nhưng nhiều trường học ở miền Trung vẫn nỗ lực để các giáo viên, nhân viên có một cái Tết ấm áp. Các món quà hỗ trợ dù còn nhỏ nhưng đó là nguồn động viên tinh thần to lớn, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đến trường nhiều nơi tạm dừng, chuyển từ hình thức dạy học trực tiếp sang trực tuyến, online…
Hoạt động dạy học về ẩm thực Tết cổ truyền trước bữa cơm tất niên dành cho giáo viên Trường Mầm non Bình Minh (Đà Nẵng)
Bữa tiệc tất niên đầm ấm
Khuôn viên Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) ngày giáp Tết, qua bàn tay trang trí của các cô giáo rộn rã không khí xuân. Các hoạt động gói bánh chưng, bánh tét, làm mứt, bánh thuẫn… được các cô giáo chuẩn bị và thể hiện rất chu đáo. Từng hoạt động được ghi lại một cách chi tiết cùng với sự hướng dẫn của giáo viên. Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Các năm trước, cứ đến cận Tết cổ truyền là nhà trường tổ chức các hoạt động ẩm thực truyền thống, trò chơi dân gian… để cho học sinh trực tiếp tham gia, trải nghiệm. Năm nay do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, học sinh phải tạm dừng đến trường nên các cô giáo sẽ ghi lại thành các video có hướng dẫn cụ thể để phụ huynh cho các cháu xem. Đó cũng là một cách giúp các cháu được học hỏi, biết thêm về Tết cổ truyền cũng như cảm giác không dừng học khi dừng đến trường”.
Sau hoạt động tổ chức làm các món ẩm thực Tết cổ truyền, nhà trường tổ chức tiệc tất niên cho giáo viên. “Việc tổ chức tất niên sớm tạo điều kiện cho các giáo viên xa quê về ăn Tết sớm để tránh bị vướng vào khoảng thời gian cách ly nếu có theo quy định từng địa phương”, cô Thư Trâm cho biết thêm. Để tất cả giáo viên, nhân viên đều có Tết, ngoài phần thưởng Tết 2 triệu đồng/người từ ngân sách, Trường Mầm non Bình Minh còn chia sẻ thêm mỗi giáo viên, nhân viên một phần quà nhỏ trị giá 350 ngàn/phần. Cô Thư Trâm bày tỏ: “Dù kinh phí eo hẹp, suốt cả thời gian dài không thể tổ chức dạy học trực tiếp, nguồn thu hạn hẹp, việc lo lương cho các nhân viên cấp dưỡng gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực để tất cả mọi CBCNV đều có Tết. Tết là sẻ chia”.
Giáo viên trường Mầm non Bình Minh (Đà Nẵng)
Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Linh xúc động cho biết: “Được dự bữa tiệc tất niên, nhận tình cảm từ nhà trường và Công đoàn em rất vui. Món quà không chỉ mang giá trị vật chất mà còn là sự động viên về mặt tinh thần, giúp em cảm thấy ấm áp hơn. Quê em ở Quảng Ngãi, Tết này em được nhà trường tạo điều kiện không trực trường để về thăm nhà. Không chỉ Tết, chồng em là bộ đội, thường xuyên vắng nhà, những lúc khó khăn, gia đình Bình Minh luôn ở bên động viên, chia sẻ và hỗ trợ. Ở Bình Minh, em thấy mình như được sống trong một gia đình yêu thương”.
Không chỉ chăm lo cho nhân viên trong trường, Ban giám hiệu Trường Mầm non Bình Minh còn sẻ chia với nhiều hoàn cảnh khó khăn. Từ quỹ nuôi heo đất, tổ chức hoạt động gói quà gây quỹ và kêu gọi chung tay từ các mạnh thường quân, nhà trường lên kế hoạch hỗ trợ cho trẻ em đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng.
Trường vùng cao sẻ chia Tết cùng giáo viên
Nằm ở địa bàn huyện Đakrông (Quảng Trị) – một trong 62 huyện nghèo nhất nước, Tết với các giáo viên, nhân viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Tà Long nhiều năm qua là một nốt lặng. Không có lương tháng 13, mỗi dịp Tết đến, nhà trường và Công đoàn trích ngân sách để tất cả mọi người đều có Tết. “Năm nay, nhà trường và Công đoàn trích quỹ hỗ trợ mỗi nhân viên, giáo viên 1 triệu đồng. Món quà tuy nhỏ nhưng là sự sẻ chia đến với các thầy cô giáo vùng khó”, thầy Hoàng Đình Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Hơn 2 năm ròng rã, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Với nhiều người, Tết đến còn hằn in nhiều âu lo. Dẫu vậy, với những món quà nhỏ từ nhà trường, từ các giáo viên sẻ chia với người khó vẫn cảm nhận đủ đầy sự ấm áp, yêu thương dành cho nhau và cho mọi người. Đó cũng là động lực để cùng nhau vượt qua khó khăn, hướng về phía trước. Nơi thềm xuân hứa hẹn nhiều xanh tươi và hy vọng. |
Tròn một năm sau trận lũ kinh hoàng quét qua xã Hướng Việt (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), Trường THCS Hướng Việt đã được quan tâm khắc phục hậu quả. Còn nhớ đận tháng 10-2020, chính quyền các cấp đã phải huy động gần 1000 ngày công giúp trường dọn dẹp bùn đất sau lũ. Hàng trăm mét khối bùn đất được đẩy đi. Trước thềm xuân năm mới, tường rào và nhà công vụ cao 2 tầng, bếp ăn tập thể vững chãi được đầu tư xây mới giúp giáo viên yên tâm công tác. Thầy Nguyễn Văn Tý – Hiệu trưởng nhà trường bảo, câu chuyện thưởng Tết với giáo viên nói chung và giáo viên vùng cao nói riêng lâu nay là một nốt lặng. Dù vậy, nhà trường và Công đoàn cũng tiết kiệm chi phí để cuối năm các giáo viên có một món quà nhỏ động viên tinh thần. Thời gian qua với nhà trường là một hành trình hồi sinh. Vì vậy, dù với các giáo viên, tiền thưởng Tết không có nhưng đây là cái Tết vui.
Cũng như nhiều trường vùng cao khác, thầy Nguyễn Hữu Thịnh – Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa) chia sẻ: “Xác định giáo viên không có thưởng Tết nên ngay từ đầu năm học, nhà trường chủ động trích ngân sách, cộng thêm chi phí từ Công đoàn để cuối năm các giáo viên đỡ tủi thân. “Khéo có thì ấm”, giáo viên chúng tôi lên vùng cao xác định niềm hạnh phúc của mình là các em học trò đến lớp đều đặn, học cái chữ để kiếm nghề nghiệp, thoát khỏi cảnh nhọc nhằn nương rẫy”.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)