Tòa soạnThư đi – tin lại

Tết của mẹ tôi

Tạp Chí Giáo Dục

Quê tôi vốn là một vùng thuần nông nghèo của mảnh đất Quảng Nam lắm nắng mà cũng nhiều giông bão. Suốt một năm dằng dặc, để gia đình có cái ăn, để anh em tôi được đến trường, mẹ phải quần quật với ngọn rau, gốc lúa và bươn chải nơi phố chợ để kiếm từng đồng bạc lẻ. Cho đến chiều 30 Tết, mẹ vẫn còn phải khản giọng mời người ta mua những bó rau, những cây cải cuối cùng để có thêm vài đồng sắm sửa cho Tết. Đêm 30 Tết, mẹ vẫn còn lo dọn dẹp những thứ cần cho một năm mới, lo ngồi đếm lại những đồng bạc lẻ cuối cùng của năm vừa kiếm được ở buổi chợ chiều. Và trong sự mỏi mệt của cả một năm dài, mẹ thường ngủ trước khi mọi người đón giao thừa và dậy thật sớm trong ngày đầu năm để lì xì cho anh em tôi mỗi đứa vài đồng lấy hên. Sau khi nấu nướng để cúng đầu năm xong, trên chiếc xe đạp cà tàng, mẹ đèo em tôi về quê ngoại thắp hương và đi thăm bà con xóm giềng thân thuộc. Chiều mùng Một, mẹ lại ra đồng nhổ cỏ, bắt sâu cho những luống cải mới cấy, lo chăm cho luống rau vừa ra lá non. Lặng lẽ, âm thầm, mẹ một mình cặm cụi giữa cánh đồng rau với nắng chiều và gió xuân. Rồi mẹ lại tranh thủ nhổ cải, bó rau để sáng sớm mùng Hai kịp buổi chợ Tết. Lại quần quật, lại miệt mài tiếp theo cái vòng năm cũ.
Cứ thế, năm nào Tết của mẹ tôi cũng chỉ là nửa ngày mùng Một, nửa ngày của những phút nghỉ ngơi. Người ta chơi Tết đến cả 10 ngày, nửa tháng vẫn còn than là chưa hết vui Xuân. Vậy mà Tết của mẹ chưa có năm nào kéo dài quá 2 giờ chiều ngày mùng Một. Chắt chiu cả từ những chút thời gian đáng ra được ngơi nghỉ, mẹ một đời hi sinh để mong anh em tôi được có cơm ăn áo mặc, được học hành bằng bạn bằng bè. Năm tháng cứ qua đi, Tết hờ hững xuôi trên mái đầu mẹ đã dần bạc trắng. Chưa một lời than van, chưa một lần tiếc nuối, mẹ cứ bình yên đi về phía Tết, để rồi bằng lòng với nửa ngày mồng một ngắn ngủi.
Nguyễn Thành Giang (Quảng Nam)

Bình luận (0)