Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tết đến và nỗi niềm của nhà giáo

Tạp Chí Giáo Dục

Với nghề giáo, khái niệm thưởng tết không có, nên giáo viên nào cũng mong ngóng khoản quà tết, thu nhập từ nguồn kết dư của trường mình. Và câu chuyện nơi ít, nơi nhiều, nơi chẳng có gì ngoài lương… vẫn là nỗi niềm khó nói, khó giãi bày.

Nhiều trường thưởng 10 – 12 triệu đồng/người

Chỉ còn 2 tuần nữa đến tết cổ truyền của dân tộc. Không khí tết đang lan tỏa và khắp các trường học, cơ sở giáo dục ở trên địa bàn TPHCM, giáo viên, người lao động đều râm ran câu chuyện “thưởng tết, quà tết” năm nay nhiều hay ít? Khảo sát một vòng cho thấy, mặt bằng thưởng tết ở nhiều trường THPT thuộc nội thành vẫn cao hơn nhờ vận dụng hiệu quả chủ trương tiết kiệm chi tiêu thường xuyên để tăng thu nhập theo tinh thần của Nghị định 43/CP về tự chủ tài chính. Hơn nữa những trường có ưu thế mặt bằng rộng cho thuê, sĩ số học sinh đông, trên dưới 2.500 – 3.000 em thì nguồn tiết kiệm dư cộng với quỹ tự có cũng dồi dào hơn những trường khác.

Tết năm nay, giáo viên Trường THPT Giồng Ông Tố được nhận thu nhập tăng thêm từ nguồn kết dư 12 triệu đồng/người.

Không muốn công bố mức thưởng tết, hiệu trưởng một trường THPT ở quận 1 bộc bạch: “Nhờ tính toán kỹ lưỡng các khoản chi tiêu, tiết kiệm tối đa, chúng tôi mới dành dụm được khoản tiền kha khá, gộp lại cuối năm chia cho giáo viên, công nhân viên khoảng 12 triệu đồng/người. Cũng tạm đủ cho giáo viên, cán bộ công nhân viên sắm tết, vui xuân như mọi người”. Nhìn chung, nhiều trường THPT có mức chi tiền tết bình quân trên dưới 10 triệu đồng, có nơi trên 15 triệu đồng/người. Nhưng ở bậc THCS, tuy được quyền tự chủ về tài chính nhưng nhiều trường không thể kết dư đồng nào hoặc có cũng không nhiều. Lý do là nhiều phòng tài chính của quận, huyện “chặt tay”, cấp vừa đủ khoản chi lương, thường xuyên trên đầu học sinh. Một hiệu trưởng ở quận 10 bộc bạch: Dù khéo chi nội bộ đến mấy, chúng tôi cũng không thể có nguồn kết dư cao để tăng thu nhập cuối năm cho giáo viên. Trong khi nhiều trường THCS ở nội thành không có nguồn để tạo quỹ phúc lợi, than thở “chẳng biết lấy nguồn nào thưởng tết cho giáo viên” thì một số trường THCS ở quận ven lại bật mí niềm vui. Cụ thể, một số trường THCS ở quận Gò Vấp có mức chi tiền tết khá cao, trong đó mỗi cán bộ, giáo viên nhận bình quân khoảng 10 – 12 triệu đồng/người và tùy theo mức thi đua, kiêm nhiệm công việc được cộng thêm 1 – 2 triệu đồng nữa.

Ở khu vực các trường ngoài công lập, mức thưởng tết áp dụng theo Luật Doanh nghiệp nhưng nhiều hiệu trưởng cũng giãi bày sự bế tắc: “Mỗi năm mức thưởng tết giảm dần và năm nay thấp hơn nữa vì tuyển sinh đầu vào cứ teo tóp. Sĩ số ngày càng giảm, nguồn thu học phí không đủ bù chi, lấy nguồn đâu thưởng tết? Nhưng khó mấy cũng phải chăm lo cho giáo viên, giữ chân họ gắn bó với trường…”. Ở những trường tư thục giữ được thương hiệu nên mức thưởng vẫn tương đối khá, bình quân 1 tháng lương hoặc cao hơn. Bà Thúy Vĩnh, Hiệu trưởng hệ thống Trường Ngô Thời Nhiệm, cho biết: “Mỗi giáo viên, người lao động của trường sẽ được thưởng bình quân 3 – 6 triệu đồng, tùy theo công việc và kiêm nhiệm”.

Ấm lòng món quà sẻ chia…

Mức quà tết mang hương xuân cũng thấp dần đối với bậc tiểu học, mầm non, trong đó những cơ sở giáo dục đặc thù như nuôi dạy trẻ khuyết tật, có hoàn cảnh bất hạnh thì chỉ gói gọn trong khoản quà tết của UBND TPHCM và quận, huyện cho thêm. Theo ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình TPHCM, thực hiện chủ trương tự chủ tài chính, tiết kiệm chi thường xuyên, các trường ít nhiều đều có nguồn kết dư để tăng thu nhập, lo tết cho giáo viên, nhân viên. Ngoài ra, phòng GD cũng lên danh sách hỗ trợ, chăm lo thêm cho trên 100 giáo viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn của các trường.

Tương tự, ông Lê Hùng Sen, Trưởng phòng GD huyện Củ Chi, TPHCM, cho biết: “Theo báo cáo của 91 trường trên địa bàn huyện thì mức thu nhập tết bình quân khoảng 3 đến 4 triệu đồng/người, trong đó cao nhất 11 triệu đồng và thấp nhất 200.000 đồng”. Để hỗ trợ cho những giáo viên, người lao động gặp khó khăn, ở xa, công đoàn giáo dục huyện Củ Chi và TPHCM đã hỗ trợ quà tết cho 285 trường hợp. Ngoài ra, công đoàn giáo dục huyện còn hỗ trợ 18 vé xe, cao nhất giá 1 triệu đồng, cho những giáo viên, người lao động về quê ăn tết. Công đoàn ngành giáo dục TPHCM cho biết, năm nay những cán bộ, giáo viên, công nhân viên thuộc diện khó khăn sẽ được hỗ trợ phần quà tết trị giá 500.000 đồng.

Như thế, gói ghém những gì được UBND TPHCM, công đoàn ngành giáo dục và cơ sở chăm lo thì mỗi giáo viên, người lao động khó khăn nhất cũng có quà tết khoảng 1,5 – 2 triệu đồng/người. “Và nếu so với vùng sâu, vùng xa, vùng cao hẻo lánh thuộc các tỉnh khác – nơi những giáo viên không có tết thì chúng tôi cũng… ấm lòng” – Đó là chia sẻ của một giáo viên khi nhận quà. Theo nhận định của một cán bộ quản lý của ngành giáo dục TPHCM, từ khi được trao quyền tự chủ về tài chính, nhiều trường phổ thông ở TPHCM đã có nguồn kết dư cao, tăng thu nhập dịp tết cho giáo viên không thua gì thưởng tết của doanh nghiệp. So sánh như thế sẽ không tránh khỏi khập khểnh nhưng phải thừa nhận nhờ cởi trói về quản lý tài chính, thu nhập của giáo viên ở TPHCM đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây. Thế nhưng, xung quanh câu chuyện nhạy cảm về thu nhập tết cao hay thấp (như nêu trên) luôn nảy sinh nhiều nỗi niềm, kể cả so sánh, chạnh lòng.

Cũng hành nghề và tận tâm gieo con chữ, lấp đầy kiến thức cho học trò như nhau, thế nhưng do cơ chế tài chính “co giãn”, cào bằng, cấp trên đầu học sinh, cộng thêm có lợi thế mặt bằng rộng cho thuê,…thì ở đó giáo viên, nhân viên có thu nhập khá hơn, và ngược lại. Âu đây cũng là nỗi trăn trở nặng trĩu tâm tư của các nhà quản lý giáo dục. Và để khỏa lấp nỗi vui buồn với đủ cung bậc khác nhau, các nhà giáo phải động viên nhau vượt qua khó khăn, đặt mục tiêu trồng người lên trên hết.

KHÁNH BÌNH

(SGGP)

Bình luận (0)