Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tết kể chuyện Bác “họa” thơ Đường

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh thời Bác rất thích làm thơ, ngâm thơ, họa thơ, lẩy Kiều, nghe hát dân ca và “trước lúc đi xa Người muốn nghe một câu hò xứ Nghệ”. Nhưng ở Nhật ký trong tù Người nói “Ngâm thơ ta vốn không ham” mà chỉ để “vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do”.
Một trong những bài thơ mà Bác rất thích, đó là bài Phong Kiều dạ bạc (Đêm đậu thuyền ở bến Phong Kiều) của Trương Kế (?-?). Trong những năm kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc mặc dù hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, trăm công nghìn việc nhưng lúc rảnh rỗi, cảm hứng, tức cảnh sinh tình Bác “họa” lại một số bài thơ theo kiểu hình thức “bình cũ rượu mới” giữ nguyên âm hưởng của thơ Đường nhưng diễn tả cảm xúc, nghĩ suy mới của Bác với mục đích dùng thơ ca để phục vụ kháng chiến tạo niềm phấn khởi, lạc quan của quân và dân ta.
1. Bài Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng) là một bài thơ như vậy. Đầu đề bài thơ chỉ có hai chữ nhưng rất ấn tượng miêu tả đêm nguyên tiêu ở giữa núi rừng Việt Bắc trong hoàn cảnh chiến tranh khẩn trương, ác liệt. Bài thơ của Bác làm theo thể thơ tứ tuyệt, chỉ có 28 chữ, toàn tả cảnh, không có từ ngữ nào chỉ người mà vẫn toát lên các yếu tố của thi pháp thơ Đường là con người, không gian và thời gian. Bốn câu tả cảnh đêm nguyên tiêu Bác dựng nên một bức tranh trăng tròn vành vạnh (Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên) và cảnh sông mùa xuân, nước mùa xuân tiếp liền với bầu trời mùa xuân (Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên). Nếu hai câu thơ trước tả cảnh thiên nhiên thì hai câu thơ sau tả con người – Con người khẩn trương, bận rộn và đầy cảm hứng lãng mạn trước cảnh đẹp của đêm nguyên tiêu. Con người ở đây là Bác và các đồng chí của Người đang “bàn bạc việc quân ở nơi sâu nhất của dòng sông” (Yên ba thâm xứ đàm quân sự). Từ “khói sóng” (yên ba) thường xuất hiện trong thơ Đường, cụ thể là trong câu thơ “Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” (Yên ba giang thượng sử nhân sầu) trong bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu (?-754). Câu thơ “Giữa dòng bàn bạc việc quân, Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền” (Yên ba thâm xứ đàm quân sự, Dạ bán qui lai nguyệt mãn thuyền) của Bác giàu hình ảnh, đầy tinh thần lạc quan của người chỉ huy cuộc kháng chiến.
Bài Nguyên tiêu của Bác là “họa” bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế. Bài thơ tả cảnh đạo và đời của Trương Kế cũng thể loại tuyệt cú, chỉ 28 chữ, hai câu đầu tả cảnh thiên nhiên và hai câu sau nói về đạo Phật với hai địa danh lịch sử, nổi tiếng là thành Cô Tô và chùa Hàn San ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô. Cảnh trong bài thơ của Trương Kế là cảnh đêm mùa thu buồn, lạnh và cô đơn. Hai câu thơ đầu của Trương Kế tả cảnh người cô quạnh buồn chán trước cảnh buồn. Cảnh trong bài thơ của Trương Kế là cảnh trăng tà, quạ kêu, sương rơi đầy trời, cây phong bên sông, ánh đèn chài le lói và đối xứng với nó là con người cô đơn, nằm trong con thuyền nhỏ mà không ngủ được (Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên/Giang phong ngư hỏa đối sầu miên). So sánh hai câu thơ của Trương Kế với hai câu thơ trong bài Nguyên tiêu của Bác thì thấy Bác tả cảnh đêm nguyên tiêu ở giữa núi rừng Việt Bắc vui và cảm xúc. Hai câu cuối bài thơ của Trương Kế là nói về Phật giáo, khuyên mọi người khi đời buồn, lạnh lẽo thì nên nghĩ đến Phật giáo, cụ thể là nghĩ đến một ngôi chùa (chùa Hàn San) và lắng nghe một tiếng chuông chùa giữa đêm khuya (Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự, Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền). So với bài Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế bài Nguyên tiêu của Bác chỉ giữ lại 3 chữ (Dạ bán, thuyền) và âm điệu của bài thơ không thay đổi nhưng nội dung thay đổi. Đêm trong bài thơ của Trương Kế là đêm mùa thu trăng tà, quạ kêu, sương rơi và cây phong lá rủ thì đêm trong bài thơ của Bác là đêm nguyên tiêu, bầu trời, mặt nước và dòng sông đương sắc xuân. Trong cảnh đêm ấy trong khoang thuyền thi sĩ không ngủ được vì buồn bã thì ở giữa dòng sông yên tĩnh Bác làm công việc quốc gia đại sự. Trương Kế nằm nghe tiếng chuông chùa thì Bác lại trở về khi con thuyền bát ngát trăng ngân.
2. Bác “họa” thơ Đường tiêu biểu nhất là bài Thanh minh (Tết Thanh minh) trong Nhật ký trong tù. Thanh minh là một bài thơ nổi tiếng của Đỗ Mục (803-852) thời Đường. Như tên gọi bài Thanh minh của Đỗ Mục miêu tả hành nhân, lữ thứ đi đường trong ngày thanh minh với tâm trạng buồn khi mưa phùn lất phất, đường trơn, gió rét, đường xa vừa đói vừa rét (Thanh minh thời tiết vũ phân phân, Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn). Trong hoàn cảnh và tâm trạng ấy người đi đường (hành nhân) gặp trẻ chăn trâu (mục đồng) và hỏi nơi nào có quán rượu để giải buồn. Trẻ chăn trâu chỉ cho người đi đường là thôn Hạnh Hoa (Tá vấn tửu gia hà xứ hữu? Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn). Bài Thanh minh của Đỗ Mục cũng là bài thơ tuyệt cú rất hay về tả cảnh và tả người nhưng âm điệu buồn. Bài Thanh minh của Bác làm trong nhà tù cũng vào dịp Tết Thanh minh. So với bài Thanh minh của Đỗ Mục bài Thanh minh của Bác đã thay đổi 11 chữ (trong số 28 chữ) và “linh hồn của bài thơ đã thay đổi” (chữ dùng của Phan Nhuận). Câu đầu bài thơ của Bác vẫn vậy (Thanh minh thời tiết vũ phân phân). Ba câu sau Bác thay đổi một số chữ vừa hợp vần vừa có ý nghĩa và hay về mặt văn cảnh. Cụm từ “Lộ thượng hành nhân” (người đi trên đường) Bác thay thành “Lung lý tù nhân) (người ở trong tù). Ở câu thứ 3 Đỗ Mục dùng chữ “tửu gia” (quán rượu) để chỉ nơi uống rượu, giải sầu, nói sự tiêu khiển có tính cá nhân. Bác thay hai chữ “tửu gia” thành chữ “tự do” chỉ nơi mà Bác muốn tìm đến to lớn và quảng đại hơn đó là sự “tự do” cho mỗi người trong chốn lao lý. Đọc câu thơ cuối mọi người rất bất ngờ và thú vị khi Bác thay chữ “mục đồng” (trẻ chăn trâu) thành chữ “vệ binh” (lính gác nhà tù) và ba chữ “Hạnh Hoa thôn” (thôn Hạnh Hoa) Bác thay bằng ba chữ “biện công môn” (cửa công đường) có ý nghĩa mỉa mai, phê phán chế độ nhà tù làm mất đi sự “tự do” của người ở tù (lung lý tù nhân). Câu thứ 3 bài thơ của Đỗ Mục hành nhân hỏi nơi nào có quán rượu để uống cho nóng ấm và giải sầu (tá vấn tửu gia hà xứ hữu?) thì câu thơ của Bác chữ “tửu gia” thay bằng chữ “tự do”. Thử hỏi nơi nào có tự do (Tá vấn tự do hà xứ hữu?). Có thể nói trong số các bài thơ Đường Bác “họa” thì bài Thanh minh là thành công nhất ở hình thức “bình cũ rượu mới” có sáng tạo độc đáo. Đầu đề bài thơ của Đỗ Mục là Thanh minh thì đầu bài thơ của Bác cũng mang tựa đề như vậy. Điều này chứng tỏ Bác chỉ thay đổi, thêm bớt từ ngữ, ý cảnh khi cần thiết nhằm phục vụ cho nội dung mà Người muốn bộc lộ.
3. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp Đại tướng Trần Canh được Chính phủ Trung Quốc cử sang giúp quân đội ta. Bác và đồng chí Trường Chinh đã đón tiếp thân tình Đại tướng Trần Canh tại chiến khu Việt Bắc sau chiến thắng Biên giới năm 1950. Ngày 27-7 Đại tướng Trần Canh đến Việt Bắc, sau hơn 20 năm Bác đã gặp vị tướng ở Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông). Ngày 1-11 năm 1950 trở về nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Trần Đăng Ninh và các vị tướng lĩnh đã đưa tiễn Đại tướng Trần Canh. Trong thời gian làm việc ở Việt Nam Bác đã làm một bài thơ tặng Đại tướng Trần Canh. Đó là bài thơ chữ Hán, nhan đề Tặng Trần Canh đồng chí. Nguyên văn bài thơ như sau:
Hương canh mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu.
Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi.
Dịch nghĩa:
Sâm banh rượu ngon rót trong cốc dạ quang
Muốn uống nhưng đàn tì bà trên lưng ngựa đã giục
Say nằm trên sa trường anh chớ cười
Không cho địch chạy một tên quay lại.
(Hồ Sĩ Hiệp dịch)
Bài thơ này của Bác “họa” lại bài thơ biên tái nổi tiếng đời Đường – Đó là bài Lương Châu từ (Khúc hát Lương Châu) của Vương Hàn (?-?). Vương Hàn người Bình Châu, Tấn Dương (nay thuộc tỉnh Sơn Tây), đậu tiến sĩ, rất được Đỗ Phủ khen ngợi. Vương Hàn chỉ để lại có 13 bài thơ, trong đó bài Lương Châu Từ. Đây là bài thơ thất ngôn tuyệt cú, âm điệu buồn, nêu lên một thực tế chinh chiến phũ phàng thì bài thơ của Bác là một bài thơ vui tràn đầy phấn chấn. Cũng như bài Thanh minh bài Tặng Trần Canh đồng chí là một bài thơ “họa” của Bác đã thay đổi 7 chữ. Bồ đào là thứ rượu nho phổ biến ở vùng Tây vực – tức vùng Trung Á Bác thay là “hương canh” (rượu sâm banh). Các câu chữ khác của Vương Hàn Bác vẫn giữ nguyên. Câu thơ cuối cùng “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (Xưa nay chinh chiến mấy ai về?) của Vương Hàn là câu thơ hay, khái quát được đời sau truyền tụng nhưng không hợp với nội dung bài thơ tặng Đại tướng Trần Canh nên Bác đã thay đổi là: “Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi”. Âm vần thì như nhau nhưng nội dung câu thơ của Bác có khác. Từ “Cổ lai chinh chiến” nói thực tế chinh chiến không có người sống sót thì Bác thay là “Địch nhân hưu phóng” để chỉ “không cho kẻ địch một tên quay trở lại”. Ba chữ “kỷ nhân hồi” nghĩa là “mấy người trở về” thì Bác thay là “nhất nhân hồi” nghĩa là “một tên quay trở lại”. Việc thay chữ, đổi nghĩa tưởng chừng đơn giản nhưng phải là người am hiểu vần luật thơ Đường sâu sắc như Bác mới có thể vận dụng linh hoạt, đúng lúc đúng chỗ và có ý nghĩa.
 PGS. Hồ Sĩ Hiệp

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)