Tôi sinh ra ở Bắc Trung bộ nhưng lại sống và làm việc ở TP.HCM. Mỗi năm về quê ăn Tết là cả một sự vất vả và tốn kém…
Vất vả là bởi đường sá xa xôi đi lại khó khăn. Mặc dù quê tôi có tới 3 loại phương tiện di chuyển – máy bay, tàu hỏa và xe khách, nhưng những ngày Tết tìm được mấy cái vé vào ngày đẹp không phải dễ. Chỉ cần chậm 2-3 ngày là hết vé, phải mua vé giá cao hoặc phải nhờ mối quan hệ quen biết mới mua được. Đó là chưa kể giá vé Tết lúc nào cũng mắc gấp 2-3 lần ngày thường. Giá vé mỗi lần đi về cứ phải tính bằng đơn vị chục triệu…
Vất vả, tốn kém như vậy nên đôi lần tôi không về quê ăn Tết. Có một lần, tôi không về, bố gọi điện nói: “Tết là phải về nhà. Con cái đi làm xa, cha mẹ chỉ mong mấy ngày Tết để cả nhà được sum vầy…”. Và từ đó dù vất vả tốn kém hay bất kỳ lý do gì tôi cũng gạt hết để về quê đón Tết.
Tôi bây giờ không còn là một cô bé 13-14 tuổi mà đã là một bà thím gần 50 tuổi nhưng những cái Tết ngày xưa ấy chưa bao giờ tôi quên. Gia đình tôi (bố mẹ và 3 đứa con) sống trong một khu phố mà ở đó hầu hết các ông bố hoặc bà mẹ đều làm cùng cơ quan mẹ tôi. Bởi vậy nhìn chung là rất thân thiện…
Năm nào cũng vậy. Từ 23 tháng chạp là không khí Tết đã bao trùm hết khu phố. Từ trưa 23, sau khi các bà mẹ đốt vàng mã xong là đám con cái í ới gọi nhau đi thả cá chép đưa ông Táo về trời. Từ ngày 24, 25, khi bọn trẻ đã được nghỉ học thì đám con gái lấy mùng, vỏ chăn, vỏ gối đem ra bể nước tập thể để giặt; trong khi đó đám con trai quét mạng nhện trong nhà, quét vôi tường. Đến ngày 26, sau khi phụ huynh mua lá dong về thì bọn trẻ chúng tôi đem ra bể nước tập thể để rửa. Ngày 27, các bà mẹ bắt đầu ngâm gạo nếp, đậu xanh, ướp thịt ba chỉ (ba rọi) để tối cho các ông bố gói bánh chưng.
Bố tôi khéo tay lại được ông bà nội truyền nghề nên gói bánh chưng khá là đẹp. Chẳng cần phải khuôn nhưng cái bánh nào bố làm ra cũng vuông vức. Bánh sau khi được gói xong thì ngâm vào nước qua đêm và sáng 28 thì bắt đầu luộc. Ngày ấy nhà nào cũng có một cái nồi gang to đùng, Tết thì để luộc bánh chưng, còn ngày thường để đựng đủ thứ – gạo nếp, đậu, lạc, vừng, bột, miến…
Nồi bánh chưng nhà tôi năm nào cũng được luộc khoảng 20 tiếng, từ 6 giờ sáng 28 đến 2 giờ sáng 29. Suốt khoảng thời gian đó, cả nhà tôi thay phiên nhau ngồi canh nồi bánh – canh lửa không cho cháy quá to hay quá nhỏ, canh nước trong nồi vơi thì phải đổ thêm vào để bánh chín đều và không bị cháy khét.
Tết ngày ấy, gia đình tôi còn tự gói giò lẫn (thịt ba chỉ thái mỏng và dài xào với mộc nhĩ rồi gói tròn bằng lá chuối). Ngoài ra, các món không thể thiếu trong mấy ngày Tết còn có thịt đông, cá chép kho nghệ. Tất cả đều do bố mẹ tôi nấu…
Mới đó mà ba thập kỷ đã trôi qua. Bọn trẻ cùng chị em tôi ra sông thả cá chép tiễn ông Táo về trời báo công giờ cũng sắp già rồi. Thậm chí nhiều anh chị đã lên chức ông, bà nội/ngoại. Hầu hết chúng tôi đều không sống ở khu phố cũ, đó chỉ là nơi cha mẹ chúng tôi sống. Bởi vậy, mỗi năm cái đám xuân xanh ngày ấy chỉ có thể gặp nhau vào mấy ngày Tết. Thế mới thấy bố tôi nói rất đúng “Tết là phải về nhà”…
Thanh Huyền
Bình luận (0)