Tuổi thơ tôi vẫn tươi xanh trong kỷ niệm dù tháng ngày đã chất chồng trên mái đầu điểm bạc. Mỗi khi hoa lá khoe sắc xuân thì những ký ức Tết lại hiện về theo từng trang hoài niệm của cuộc đời. Quê tôi ở miền núi Hà Tĩnh nên người dân đã quen đón những cái Tết nghèo nhất là những gia đình đông con. Tuy nhiên thời bao cấp hưởng theo chế độ nên nhà nào cũng được phân phối đủ hàng hóa như dầu, gạo, đường, bánh kẹo, nước mắm… Những ngày cuối năm không khí Tết đã về không phải trong những phiên chợ nghèo mà trong sân kho hợp tác xã. Cảnh đi nhận hàng Tết như đi phá kho thóc Nhật, người nào cũng mang theo thúng mủng, ống lon, tô bát để được đội trưởng đội sản xuất chia hàng Tết. Niềm vui hiện rõ trên từng nét mặt người. Dường như không khí đi nhận hàng Tết đã xua tan dần mọi âu lo của đời thường. Ngoài bao thuốc lá Điện Biên, gói trà Thái Nguyên bọc 2 lớp giấy bản còn có thêm hộp mứt Tết ngoài bìa có hình vẽ cành đào rất đẹp. Có năm lại có thêm 1 chai bia Trúc Bạch chỉ để dành cho nhà nào có đàn ông. Sau khi bán được con gà, chục trứng, bó rau… người nông dân mới bắt đầu có tiền sắm Tết cho nên ngày cuối quầy bán tranh Tết của cha người mua chen chúc nhau. Trong lúc chị gái tôi phụ giúp người bác chia hàng cho nông dân như đong gạo, chia nước mắm, thuốc lá, bánh mứt… theo nhân khẩu trong từng hộ gia đình thì tôi lại ra tiệm đồng hồ của cha phụ đứng bán tranh Tết. Hầu hết nhà nào cũng mua ảnh chân dung Bác Hồ, đôi câu đối màu đỏ về chiến công ở 2 miền Nam Bắc, câu khẩu hiệu: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” trên nền đóa sen hồng. Tranh tứ bình, Lý ngư vọng nguyệt cũng rủ nhau về treo trên đón xuân. Dù có năm bán tới 8 giờ tối mới hết người mua, tiền lời không là bao nhưng thấy ai cũng vui mừng ngắm bức tranh xuân trên tay, hai cha con tôi cũng vui lây quên hết cả vất vả.
Tết nghèo nên chẳng ai trồng hoa và mua hoa nhưng hoa lá đất trời cũng đã thêu nên một bức tranh xuân rực rỡ. Hàng râm bụt trước ngõ nhà tôi vẫn duyên dáng khoe sắc đỏ mặt trời. Những nụ hoa xoan như bừng tỉnh sau một giấc ngủ đông chào đón tiết xuân bằng những chiếc áo màu tím ngan ngát hương gửi lại một trời thương nhớ đồng quê. Chiều 30, không biết chị gái tôi kiếm từ đâu 1 cành đào lất phất lá và nụ. Thế là 2 chị em kiếm mấy tờ giấy phơ-luya màu hồng cắt những bông hoa 5 cánh dán lên thân để cho hoa kịp nở vào sáng mùng một Tết. Cha tôi làm nghề sửa đồng hồ nên Tết năm nào cũng to hơn những gia đình khác. Con lợn mẹ nuôi cả năm bằng sự vất vả được mổ ra để làm các món đãi khách. Cha phải chọn nếp Bắc nhờ đã có mấy chú lái xe mua giùm từ Thanh Hóa chở vào hạt gạo vừa trắng vừa đều để nấu bánh chưng vì ông nói nếp ở quê hạt cứng hơn. Mẹ tôi thì thức trắng đêm với những ngày trước Tết để làm các món chả, món ninh, món mọc. Năm nào mẹ cũng làm mứt gừng vì người nói ăn cho ấm bụng. Món nào dễ bị hư như mứt cà, mứt gừng thì được mấy chị em tôi giải quyết trước.
Tết năm nào cúng xong cha tôi cũng kêu mấy chị em bưng sang cho nhà ông bà Vy bên cạnh một dĩa xôi nhỏ vài miếng thịt gà. Hình như hai ông bà không năm nào có Tết vẫn sống trong cô đơn nghèo đói quanh năm. Nhờ họ mà tôi mới biết đến món vỏ sắn muối chua, gốc đu đủ luộc, nhút trái cọ… của những gia đình nghèo thời đó. Có vài người thất cơ lỡ vận không về quê đón Tết trong những túp lều tranh giữa chợ hay mấy quán nghèo bên đường nhưng cũng được ăn bánh chưng, cháo gà từ lòng trắc ẩn của bà con trong làng tôi. Nhiều chú bộ đội, cô thanh niên xung phong trở thành con cháu trong làng tôi 3 ngày Tết vì nhiệm vụ mà không về quê được. Ngoài đường khí trời se lạnh nhưng ai cũng ấm lòng với những cái Tết sẻ chia yêu thương đẹp như đồng lúa non đang vẫy tay chào đón làn gió xuân từ trên núi thổi về.
Hương Thủy
Bình luận (0)