Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Tết Nguyên đán 2016: TNGT giảm cả 3 tiêu chí

Tạp Chí Giáo Dục

Điểm đáng mừng là tình hình TNGT của Tết 2016 năm nay đã giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Đồng Nai là một trong 3 tỉnh không có TNGT dịp Tết Nguyên đán 2016

TNGT giảm cả 3 tiêu chí

Theo Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, trong 9 ngày nghỉ Tết (từ 6-2 đến 14-2, tức 28 đến mùng 7 Tết) cả nước đã xảy ra 408 vụ TNGT, làm 300 người tử vong và 380 người bị thương. So với cùng kỳ Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, giảm 128 vụ (-23,8%), giảm 17 người chết (-5,4%) và giảm 129 người bị thương (-25,3%). Trong đó, đường hàng không và đường thủy không xảy ra vụ TNGT nào. Riêng đường bộ xảy ra 403 vụ, làm chết 297 người và bị thương 376 người. So với Tết 2015,  giảm 122 vụ (-23,2%), giảm 11 người chết (-3,6%) và giảm 129 người bị thương (-25,5%). Đường sắt xảy ra 5 vụ TNGT, làm 3 người chết và 4 người bị thương, giảm 5 vụ (-50%), giảm 6 người chết (-66,7%), tăng 1 người bị thương (+33,3%) so với cùng kỳ năm 2015.

Về công tác xử lý vi phạm giao thông trong 9 ngày nghỉ Tết, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 27.672 trường hợp vi phạm, thu nộp Kho bạc Nhà nước 7,7 tỷ đồng; tạm giữ 76 xe ô tô và 7.343 xe mô tô. Riêng đường thủy nội địa, 266 trường hợp bị xử lý, thu nộp Kho bạc Nhà nước 70,85 triệu đồng.

So với các địa phương, thì 3 tỉnh là Đồng Nai, Ninh Bình và Vĩnh Phúc là các địa phương đi đầu trong việc không để xảy ra TNGT. Còn các tỉnh Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Quảng Ninh, Ninh Bình, Yên Bái, Vĩnh Phúc và Lạng Sơn không có trường hợp nào tử vong vì TNGT. Đặc biệt An Giang và Nghệ An là 2 tỉnh kéo giảm số lượng người chết vì TNGT đáng kể (giảm trên 10 người) trong dịp Tết năm nay.

Về tình hình ùn tắc giao thông, nhìn chung áp lực vận tải và lưu lượng phương tiện tại các thành phố lớn về nông thôn và ngược lại không bị quá tải mà chỉ xảy ra ùn tắc cục bộ tại một số nơi do sinh viên, công nhân được nghỉ Tết sớm và nghỉ dài ngày. Tiêu biểu như các tuyến ra vào thủ đô Hà Nội, các tuyến giao thông kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên và miền Bắc như quốc lộ 1, 13, 14, 22, 51 cũng chỉ xảy ra ùn tắc cục bộ trong các ngày 13 và 14-2-2016, vì đây là thời gian cao điểm người dân từ các địa phương trở lại thành phố làm việc và học tập.

Về công tác vận tải hành khách, theo đánh giá của Ủy ban ATGT quốc gia thì việc cải tiến phương thức bán vé và công tác tăng cường phương tiện phục vụ trên các lĩnh vực đường bộ, đường sắt và hàng không đã đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết. Tình hình an ninh, trật tự tại các bến xe, nhà ga, cảng hàng không cũng được đảm bảo an toàn và thông suốt. Tình trạng chậm, hủy chuyến bay cũng được khắc phục, giảm nhiều so với năm trước. Mặt khác, giá cước vận tải hoặc tình hình giảm giá cước cũng được công khai niêm yết và phổ biến cho người dân.

Tăng cường chấn chỉnh “xe dù, bến cóc” trước và sau Tết

Nhằm đảm bảo trật tự trong hoạt động vận tải hành khách (VTHK) bằng xe ô tô, ngay trong những ngày cận Tết, ngày 5-2-2016 (27 Tết), Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện 242/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chấn chỉnh tình trạng “xe dù, bến cóc” để đảm bảo an toàn cho việc đi lại của người dân. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm, nhất là hiện tượng thao túng, bảo kê hoạt động VTHK bằng xe ô tô. Bộ GTVT chỉ đạo lực lượng thanh tra GTVT phối hợp với CSGT và lực lượng chức năng tại các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát hoạt động VTHK tại các địa điểm có hiện tượng “xe dù, bến cóc”; tiến hành thanh tra các doanh nghiệp vi phạm; chỉ đạo sử dụng dữ liệu trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để làm cơ sở xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về trật tự ATGT, nhất là đối với hành vi kinh doanh VTHK trái phép, hoạt động sai hành trình tuyến đã đăng ký; dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng nơi quy định.

Được biết, tình trạng đua xe dịp Tết này không diễn ra, nhưng các lỗi vi phạm như không đội mũ bảo hiểm khi lưu thông bằng xe gắn máy, chở quá số người quy định, uống rượu bia điều khiển phương tiện còn xảy ra ở nhiều nơi.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; biểu dương trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các doanh nghiệp thực hiện tốt quy định về hoạt động VTHK. Riêng Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các đơn vị kinh doanh VTHK thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tư vấn cho các doanh nghiệp vận tải tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhằm bảo đảm trật tự ATGT và trật tự xã hội.

Cũng theo công điện, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trưởng ban ATGT cấp tỉnh là những người trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thực hiện công tác kiểm soát bảo đảm trật tự ATGT đối với hoạt động VTHK trên địa bàn và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra hiện tượng “xã hội đen” thao túng, bảo kê hoạt động VTHK tại địa phương.

Bài, ảnh: Đinh Vũ

Bình luận (0)